Bi hài chuyện "làng ma"

,
Chia sẻ

Hơn một trăm hộ dân bỗng dưng kéo nhau vào rừng để khổ sở tồn tại. Chẳng phải họ thấy chán cuộc sống tiện nghi nơi quê cũ, cũng chẳng bởi bỗng dưng yêu thích thiên nhiên.

Họ vào đó, dựng nhà để chờ sự bồi thường của một dự án chẳng mấy khả thi.

Dân quanh vùng gọi ngôi làng "đi trước đón đầu" ấy là "làng ma" bởi sự tiêu điều, xơ xác và cũng bởi mục đích không trong sáng của những chủ nhân làng đó.

Kịch sĩ đại tài

"Làng ma" nằm bên kia sông Tranh, thuộc thôn 4, xã Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam). Tìm đường vào đó, chúng tôi đã hỏi nhiều người nhưng… không ai biết. Không có đường, chúng tôi đành phải đi men theo cánh rừng bên này sông. Vừa đi vừa dò dẫm". Khổ sở mãi rồi con đường chúng tôi cần tìm cũng lộ ra trước mắt. Vòng vèo mãi, con đường lại dẫn ra sông.

Trèo lên những tảng đá dựng đứng, đan kín bờ sông, "làng ma" đã hiện ra trước mắt. Thật ngạc nhiên khi trong làng cây trái um tùm xanh ngát, cau trồng thành hàng cao vút. Bên cạnh làng, gần bờ sông có một sân bóng chuyền, lưới vẫn còn giăng. Ngó nghiêng mãi chẳng thấy đò sang, đi cả trăm km đường núi mới đến được đây, quay về thì uổng! Nghĩ vậy, chúng tôi tìm một hốc đá cất quần áo, máy ảnh, giấy tờ, tiền bạc... và liều mạng bơi sông.

Vừa đặt chân lên bờ thì khoảng chục người nam, phụ, lão, ấu từ trong làng ùa xuống. Có người trên tay cầm dao rựa, ném ánh mắt không có một tí thiện cảm nào về phía chúng tôi rồi hất hàm: "Nhà báo à, đi xem "làng ma" à!? Cút khỏi đây ngay! Hoảng quá, tôi lên tiếng: "Không, tụi tôi là… kỹ sư thuỷ điện, đi… khảo sát thôi mà". Nghe tôi nói vậy, một người sấn đến vừa nói vừa dứ dứ con rựa: "Chúng tôi bị đưa ra đây tái định cư, khổ sở trăm bề, nhà báo đã không giúp chúng tôi còn bảo chúng tôi làm "nhà ma" để "ăn" tiền đền bù…". Trước mặt chúng tôi khoảng 100 nóc nhà, hầu hết làm sơ sài, vách bằng gỗ, mái lợp tôn, mỗi nhà rộng chừng 30m2. Một số nhà có dân ở, phần nhiều là nhà hoang, có cái đóng kín cửa, có cái bị tốc mái, đổ vách…
 
Người thanh niên cầm rựa lại lên tiếng: "Đây là nhà 134. Nhà nước hỗ trợ 6 triệu đồng, còn lại đồng bào bỏ thêm. Tiền ít quá nên chỉ làm nhà nhỏ thôi. Nhưng mà khổ lắm, không ở được, đồng bào bỏ về làng cũ hết! Không tin, các anh cứ đến nhà cán bộ mà hỏi!". Vừa nói, họ vừa mời tôi đến nhà cán bộ. Theo chân họ, chúng tôi được diện kiến một người đàn ông đang cởi trần nằm vắt vẻo trên giường. "Phó Bí thư Đảng uỷ xã đó, hỏi gì thì hỏi đi!". Nhìn chúng tôi từ đầu đến chân, ông Trần Văn Bạn - Phó Bí thư Đảng uỷ xã bảo: "Mấy anh là nhà báo chứ cán bộ thuỷ điện chi, không qua mặt tôi được đâu. Tôi là cán bộ xã nên không nói sai, đây là khu tái định cư. Chúng tôi khi trước ở gần Uỷ ban xã (Trà Tập) đi tái định cư xuống đây 2 năm rồi. Các anh thấy đó, cau, chuối chung quanh cao như thế…

Nhưng khổ nỗi, nơi này không có đường đi, không có điện, không có nước, không có trường học, không có đất ruộng… Nhiều bà con không sống nổi bỏ về. Nhà thành nhà hoang. Không có cái "nhà ma" nào đâu!". Ông Bạn cho biết thêm, đồng bào ở đây ngày ngày phải đi phát rẫy thuê, đi bứt mây về qua sông đổi gạo ăn qua ngày. Một năm đến mấy tháng thiếu gạo. Lâu nay qua sông có chiếc ghe, nhưng nước lũ cuốn trôi rồi. Bây giờ chỉ khi nước cạn đồng bào mới qua sông được. Nước lên cả làng bị cô lập như cái đảo. "Hôm trước có một thầy giáo lội sông qua đây khảo sát trẻ em trong độ tuổi đi học bị nước cuốn chết. Năm 2008 cũng có 2 người chết vì lội qua sông như vậy. May cho các anh đó…" - ông Bạn than phiền.

“Yêu quái” lộ hình

Sợ chiều nước sông lên cao nguy hiểm, chúng tôi chào ông Bạn và bà con "ốc đảo" không tên để bơi lại qua sông. Lòng chúng tôi rối bời. Không lẽ nào huyện lại đi bố trí một khu tái định cư… thất đức, đẩy dân vào chỗ cùng đường như vậy!? Nhưng nếu không phải là khu tái định cư thì là cái gì!? Khi qua đến bờ, lấy xe máy đi một đoạn, chúng tôi thấy có một hàng quán. Chủ quán này quả quyết: "Tội quá mấy anh ơi, dân bên kia qua đây mua bán mấy năm ni, tôi biết, làm chi có chuyện "nhà ma". Họ bị "đem con bỏ chợ", khó khăn trăm bề". Lời khẳng định ấy khiến tôi bắt đầu tin rằng, dân làng đang bị oan ức, cái tiếng "làng ma" kia đã đặt nhầm chỗ mất rồi.

Khi chúng tôi quay ra, một thanh niên cũng ở trong quán đi theo, đến một đoạn vắng anh ta gọi với lên: "Mấy anh ơi, dừng lại tôi nói đã ! Mấy anh bị lừa rồi ! Làm chi có khu tái định cư nào kỳ cục như vậy. Nhà tái định cư cho đồng bào dân tộc xây dựng khang trang họ chưa chịu ở, làm như cái lều rứa làm sao bắt họ ở. Toàn bộ là "nhà ma" hết. Tôi ở sát đây tôi biết". "Tụi tôi vừa qua đó về, dân họ nói rõ ràng mà" - Tôi cự lại. "Dân họ nói theo... kịch bản của mấy nhà buôn đó !" - cậu thanh niên bật mí.

Chuồng "nhốt" xe của dân “làng ma” Trà Tập ở bên sông Trà Mai.
 
Bán tín bán nghi, chúng tôi theo Trần Q (tên người thanh niên) vào nhà. Anh Q cho biết, làng đó được xây dựng vào mùa mưa năm 2008, do một số nhà buôn ở Tăk Pỏ (thị trấn Nam Trà My) và Trà Mai này bỏ tiền ra cung cấp vật tư cho đồng bào thôn 4 Trà Tập làm. Họ nói với đồng bào là sau này chỗ đó sẽ nằm trong dự án Thuỷ điện Sông Tranh 1, tất nhiên sẽ được đền bù. Có tiền đền bù, sẽ chia đều, nhà buôn một nửa, dân một nửa. Mấy nhà buôn nói: "Ở thuỷ điện Sông Tranh 2 (Bắc Trà My), nhà dân tí xíu như vậy mà được đền sáu, bảy chục triệu đồng". Nghe vậy, đồng bào ham lắm. Bỏ công ra làm cái nhà chưa đến tuần lễ mà sau này được chia hơn 30 triệu đồng nên chưa đến một tháng mà họ xây hơn trăm nóc nhà.

Sa lầy nơi rừng thẳm

Để tìm đến cùng sự thật, chúng tôi tìm gặp lãnh đạo huyện Nam Trà My. Ông Nguyễn Văn Điền - Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Uỷ Ban MTTQ huyện, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cho biết: "Tôi khẳng định là không có dự án tái định cư nào ở thôn 4 Trà Tập. Nơi đó ngày xưa có khoảng 6 hộ làm nhà để trông rẫy. Cau, chuối, cây trái mà các anh thấy là do những hộ đó trồng. Năm ngoái, một số nhà buôn nghe thông tin là dự án Sông Tranh 1 chuẩn bị triển khai nên bỏ tiền ra mua hoặc mượn đất của những hộ trên thuê đồng bào ở nơi khác đến làm nhà chờ đền bù. Đồng bào tin theo làm 148 cái nhà, lập ra cả cái làng không tên, không chính quyền, ở đó". "Như vậy dự án thuỷ điện là có thật?" - tôi sốt ruột hỏi. "Cũng chưa chắc. Từ năm 2007, huyện Nam Trà My có đến… 13 dự án thuỷ điện. Tất cả đều ở dạng thăm dò. Chỉ duy nhất có một cái hình thành là Trà Linh 3. Chính vì thăm dò lung tung như vậy nên ở đâu cũng nghe thông tin làm thuỷ điện, sinh ra "nhà ma" loạn xị, ngoài Trà Tập, còn có ở Trà Mai, Trà Dơn…" - ông Điền lý giải.

Theo ông Điền thì người dân đã "ra tay" rất nhanh khi khởi công và dựng những ngôi “nhà ma” trên. Ngoảnh trước ngoảnh sau đã thấy một ngôi làng chình ình xuất hiện. Xử lý những ngôi nhà xây dựng "sai mục đích" trên, ông Điền cho biết: "Không cần phải xử lý! Nếu giả sử có dự án thuỷ điện thật thì những hộ đó cũng không được đền bù (trừ 6 hộ ở từ trước). Khi ngăn dòng cho ngập nước, tự khắc những hộ làm nhà và ở trái phép sẽ phải lánh đi. Còn nếu không có dự án thì ở lâu cũng… chán nên chắc chắn họ phải… hồi hương thôi". Mù quáng, người dân đã tự đầy đoạ mình. Thế nhưng, đến giờ, vẫn chẳng có "phương thuốc" nào giúp họ "sáng mắt" để nhận ra ngõ cụt mình lỡ sa chân.

Theo NTNN

Chia sẻ