Bi hài chuyện đóng quỹ ăn vặt nơi công sở
Đóng tiền quỹ công ty, quỹ phòng,… là một nét văn hóa mà chốn công sở nào cũng có. Tuy nhiên, xung quanh sự việc quen thuộc ấy lại có rất nhiều câu chuyện bi hài.
Nét văn hóa đẹp
Thường thì chẳng ai muốn bỏ nhiều tiền đóng quỹ phục vụ cho lợi ích chung, nhưng ở phòng kế toán của Hòa (29 tuổi, Đà Nẵng), mọi người đều luôn tự giác, nhanh chóng đóng tiền khi được thủ quỹ hô hào. Tiền quỹ ở phòng Hòa nhiều hơn kha khá so với các phòng ban khác trong công ty cô, nhưng không bao giờ có ai phàn nàn. Đơn giản là vì nó được sử dụng một cách đúng đắn.
Phòng của Hòa toàn là nữ nên khá lãng mạn và ưa thích cái đẹp. Công việc “back office” không phải tiếp xúc với khách hàng nhiều nên mọi người quyết định tạo một không gian làm việc nữ tính và thoải mái, để mọi người trong phòng bớt đi những căng thẳng khi ngày ngày giờ giờ cắm đầu vào máy tính, với những con số khô khan.
Vì thế, các thành viên trong phòng đóng góp một khoản tiền và phân công nhau mua hoa đến cắm hàng tuần. Tấm bảng phân công công việc cứng nhắc cũng được chị em trang trí bằng những tấm hình dán, những khối nam châm hình thù đáng yêu, sinh động. Trong phòng treo một vài đồ trang trí nhã nhặn mua bằng tiền quỹ. Thi thoảng, những vật trang trí đó lại được thay đổi theo chủ điểm ngày lễ, Tết, Giáng sinh, 8/3, ngày sinh nhật của một nhân viên trong phòng,… hoặc đôi khi chỉ là do chị em hứng lên, rủ nhau đi mua dụng cụ về tự làm những vật dụng để thay đổi cho đỡ nhàm chán.
Không gian làm việc của phòng Hòa lúc nào cũng tràn ngập màu sắc và thoang thoảng hương thơm dịu nhẹ. Sự căng thẳng khi phải làm việc liên tục với các con số cứng nhắc cũng tan biến. Công việc được giải quyết nhanh chóng, nhẹ nhàng. Phòng làm việc đẹp, thoải mái tới mức các chị em còn thấy nhớ mỗi dịp phải nghỉ lễ lâu, không được tới văn phòng.
Mọi người ở chỗ làm của Linh (32 tuổi, Hà Nội) lại có điểm chung là tâm hồn ăn uống. Cả phòng thường xuyên rủ nhau đi ăn, hoặc mua đồ về “chiến” ngay tại văn phòng. Mỗi lần như vậy cứ phải hì hụi tính toán, chia tiền rất mất thời gian. Vì vậy, cả phòng quyết định đóng một khoản quỹ chuyên để phục vụ chuyện ăn uống của các “chiến sỹ ham ăn”.
Cả phòng Linh đóng quỹ và thường xuyên dùng nó mua đồ về ăn uống tại văn phòng rất vui vẻ - (Ảnh minh họa).
Chị Thương lớn tuổi, đảm đang nhất phòng được giao nhiệm vụ giữ quỹ và mua đồ ăn. Mỗi lần đi chợ cho gia đình, thấy thức quà gì ngon theo mùa, chị Thương lại mua mang tới để cả phòng cùng ăn. Mọi người thèm món gì cứ ới chị Thương một tiếng là hôm sau sẽ có món ngon thưởng thức. Thỉnh thoảng có ai trong phòng đi du lịch, hoặc về quê, chị cũng trích quỹ phòng đưa người đó mua vài thứ đặc sản để cả phòng ăn thử cho biết. Cuối tuần rỗi rãi, mọi người cũng hay đến nhà nhau nấu nướng. Tất cả tiền đồ ăn đều được trích từ quỹ của phòng nên ai cũng thấy thoải mái.
Vì độ “chiến đấu” của các thành viên trong phòng khá nhanh và nhiều, quỹ phòng cứ một tháng là phải đóng một lần và số tiền cũng không nhỏ. Tuy nhiên, mọi người vẫn vui vẻ vì “Tất cả đều vào bụng mình, bổ béo cho mình hết ấy mà!”. Mọi người xích lại gần hơn sau những phi vụ ăn uống no nê. Tình cảm hòa thuận nên công việc cũng được giải quyết gọn gàng, suôn sẻ.
Khi số tiền của công nhân viên được thu một cách công khai, chi tiêu rõ ràng, đàng hoàng nhằm phục vụ mục đích chung, việc đóng quỹ trở thành một nét văn hóa đẹp, một việc làm văn minh.
Và cũng có thể là thảm họa
Trái ngược với hai tình huống trên, những câu chuyện dưới đây lại là một thảm họa xung quanh việc đóng quỹ ở công sở.
Ở phòng của Trang (24 tuổi, TP. Hồ Chí Minh), chẳng có ai muốn “bị” là thủ quỹ. Mọi người đùn đẩy nhau mãi, cuối cùng vì là em út trong phòng, Trang bị tống cho trọng trách cao cả và không dám từ chối.
Phòng Trang có vài bà chị rất chi li, tính toán. Mỗi lần hò đóng quỹ là phải rát cổ nổ hầu mấy người đó mới chịu đóng tiền đi kèm với một thái độ khó chịu, hách dịch như thể đang ban ơn.
“Tiền là để chi cho việc chung. Mình còn mất công mất sức đi mua đồ đạc, rồi ăn uống phải đi đặt trước phục vụ cho mấy bà ấy. Có phải ăn xin của các bà ấy đâu mà tỏ thái độ trịch thượng” - Trang bức xúc chia sẻ.
Đã vậy, những người đó còn thường xuyên bắt Trang báo cáo tình hình quỹ. Mỗi lần thấy hụt đi là lại hỏi rõ đã dùng tiền vào việc gì, mua với giá bao nhiêu rồi bĩu môi chê Trang mua đắt. Thậm chí, họ còn dè bỉu “Tiền chùa thì sao phải tiếc, sao phải mặc cả, cứ vung thoải mái, em nhỉ!”. Vài lần như vậy, Trang điên tiết, lấy nguyên số tiền quỹ còn lại đưa cho mấy bà chị chi li: “Đấy. Tiền đấy. Chị có giỏi thì giữ đi ạ.”
Cô nàng Hà Minh láu cá đào được khối tiền của mọi người chung phòng nhờ việc giữ quỹ - (Ảnh minh họa).
Ngược lại với Trang, Hà Minh ở phòng bên cạnh lại rất thích giữ quỹ. Phòng thiết kế của cô toàn là đàn ông nên khá xuề xòa, không hay để ý. Hà Minh giữ khoản tiền chung lớn và thi thoảng lại thụt quỹ một ít để tiêu cho chuyện riêng.
Từ vài ngàn gửi xe tới bữa cơm trưa mấy chục, Hà Minh cứ vô tư lấy quỹ ra xài. Cô nàng chỉ cần khai tăng tiền tiêu việc chung lên một ít mỗi khi ghi sổ quỹ. Lời nhất là những lần cả phòng đi du lịch, các ông anh vô tư đi chơi, còn Hà Minh vô tư tăng giá tiền phòng, tiền ăn chơi lên, ôm về cả triệu tiền quỹ.
Cánh đàn ông trong phòng xuề xòa đi đâu cũng khen em Minh phòng mình đảm đang, khéo léo mà không hề biết mình đang là con gà bị Minh dắt mũi, móc túi cả đống tiền.