Bi hài chuyện cụ bà 87 tuổi ra tòa xin đòi lại chồng, đòi được chồng thì cụ mất, các con tranh nhau tài sản
Trong quá trình chung sống, ông Kham có đến 3 người vợ và 19 đứa con. Khi ông mất đi, người vợ đầu phát hiện ông có làm giấy kết hôn với hai người vợ còn lại nên quyết định viết đơn ra tòa, kiện để đòi lại chồng.
Lấy 3 vợ, sinh tận 19 đứa con
Ngày 19/8, TAND cấp cao tại TP.HCM mở phiên họp phúc thẩm về việc yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật, giữa nguyên đơn là bà Trương Thị Mỹ Ngọc (87 tuổi, ngụ quận 11) và bị đơn là bà Tào Yến (61 tuổi, ngụ quận 8). Theo đó, bà Ngọc kiện bà Yến ra tòa để đòi lại chồng của mình là ông Tôn Thất Kham.
Nội dung hồ sơ tại phiên tòa sơ thẩm cho biết, bà Ngọc và ông Kham chung sống với nhau từ năm 1953 có giấy giá thú số 04/10/1955, tại phường Đệ Nhất TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa và có tận 10 người con. Sau đó, bà Ngọc đã làm đơn xin cấp trích lục lại giấy giá thú nhưng Sở Tư pháp TP.Nha Trang đã có văn bản trả lời do sổ hộ tịch từ trước năm 1975 về trước tỉnh không còn lưu giữ.
Bà Tôn Thất Nữ Minh Hiền (người con gái thứ 2 của bà Ngọc và ông Kham) tiếp tục giúp người mẹ đã mất đòi lại chồng, xin hủy giấy kết hôn trái luật giữa ông Kham và bà Yến.
Trong quá trình chung sống với bà Ngọc, ông Kham còn có một người vợ khác là bà Phạm Thị Ngọc Thành, cùng có 7 người con chung. Biết được chồng mình lấy thêm vợ và có con nhưng bà Ngọc chấp nhận, đến năm 1997 thì bà Thành qua đời, ông Kham vẫn chung sống với bà Ngọc cho đến khi mất.
Tuy nhiên, từ năm 1987, bà Tào Yến (SN 1956, khi đến làm thuê là 31 tuổi) có đến làm thuê cho gia đình nhà ông Kham và có quan hệ tình cảm nam nữ với ông Kham. Bà Ngọc nghĩ rằng bà Yến chỉ là người làm thuê nên bà không quan tâm đến mối quan hệ giữa chồng và người giúp việc.
Trớ trêu thay, suốt khoảng thời gian từ năm 1987 đến năm 2013 (khi ông Kham qua đời), bà Yến và ông Kham có thêm 2 đứa con nữa. Bà Ngọc biết chuyện nhưng không ý kiến đến khi phát hiện giữa ông Kham và bà Yến có làm giấy chứng nhận kết hôn ngày 06/03/2000, tại UBND phường 7, quận 6 nên mới làm đơn thưa kiện ra tòa vì cho rằng ông Kham và bà Yến đăng ký kết hôn và trái pháp luật.
Cụ thể, cho đến khi ông Kham đăng ký kết hôn với bà Yến, ông Kham và bà Ngọc vẫn là vợ chồng, có 10 con chung và chưa ly dị. Đồng thời, lúc về già, bà Ngọc và ông Kham đã chung sống với nhau đến khi ông Kham qua đời. Chính vì vậy, bà Ngọc làm đơn ra tòa để xin đòi lại chồng là ông Kham, hủy giấy kết hôn của bà Yến và chồng mình.
Đòi được chồng thì cụ bà mất, 19 đứa con tranh nhau tài sản
Trong phiên sơ thẩm diễn ra vào ngày 17-12-2016, TAND TP.HCM đã chấp nhận đơn yêu cầu của bà Ngọc, quyết định hủy giấy chứng nhận kết hôn giữa bà Yến và ông Kham được tạo lập vào ngày 06/03/2000, tại UBND phường 7, quận 6.
Tuy nhiên, sau đó khi giành được chồng từ phiên họp sơ thẩm giải quyết tranh chấp trên, vì tuổi cao sức yếu nên bà Ngọc đã qua đời. Trong khi đó, bà Yến không chấp nhận với quyết định hủy giấy kết hôn giữa bà và ông Kham được UBND phường 7, quận 6 cấp nên kháng cáo với quyết định của phiên họp sơ thẩm trước đó. Vì vậy, người tiếp tục theo đuổi vụ kiện, đại diện hợp pháp cho bà Ngọc chính là các con của bà Ngọc với ông Kham.
Gần 1 năm qua, bà Hiền thay mẹ đã mất tiếp tục theo đuổi vụ kiện để đòi lại chồng cho mẹ.
Tại phiên họp phúc thẩm về việc yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật hôm nay (18-9), bà Tôn Thất Nữ Minh Hiền (người con gái thứ 2 của bà Ngọc và ông Kham) tiếp tục giúp người mẹ đã mất đòi lại chồng, xin hủy giấy kết hôn trái luật giữa ông Kham và bà Yến.
Bà Hiền cho biết, bố bà chỉ có 2 người vợ và 17 người con chung sống hạnh phúc với nhau, không biết mối quan hệ giữa bố bà và bà Yến. Khi phát hiện sự việc, cả gia đình bà Hiền rất bức xúc, đặc biệt đối với người mẹ đã mất là bà Ngọc. Việc bà Yến kết hôn với bố bà là vi phạm pháp luật nên bà Hiền mong muốn HĐXX bác đơn kháng cáo, hủy giấy chứng nhận kết hôn giữa bố của bà và bà Yến.
Có mặt tại phiên tòa, bà Tào Yến (61 tuổi) lại cho biết, bà với ông Kham đã chung sống cùng nhau từ năm 1987, bà chỉ biết ông Kham có một người vợ tên Thành đã mất từ năm 1997 chứ không hề nghe ông Kham nhắc đến người vợ khác là bà Ngọc. Tới khi ông Kham mất thì bà Yến mới biết bà Ngọc. Giấy chứng nhận kết hôn của bà và ông Kham được chính quyền địa phương cấp và giữa hai người có 2 người con chung. Vì vậy, bà đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo của bà, công nhận lại giấy đăng ký kết hôn giữa 2 người.
Phiên tòa cũng nhận định, do lúc ông Kham mất không để lại di chúc nên dẫn đến việc 19 người con của 3 người vợ của ông Kham xảy ra tranh chấp tài sản, chia quyền thừa kế, giữa bà Ngọc và ông Kham sống chung từ năm 1953, trong quá trình chung sống ông Kham lại có thêm vợ bé là bà Thành. Trước năm 1975 đất nước đang bị chia cắt Bắc – Nam vì vậy cần xác định lại có giấy giá thú giữa bà Ngọc và ông Kham hay không. Lúc ông Kham qua đời không có để lại di chúc thừa kế giữa 19 người con đang xảy ra tranh chấp thừa kế.
Vì vậy sau khi tiến hành nghị án, HĐXX quyết định, hủy quyết định tòa sơ thẩm để điều ra làm rõ một số vấn đề dẫn đến việc tranh chấp trên, xem xét lại giấy chứng nhận kết hôn quanh mối quan hệ giữa ông Kham và 3 người vợ.