Bi hài chuyện chạy ăn từng bữa ở gia đình đông con nhất Hà Nội

Theo Báo Gia đình & Xã hội,
Chia sẻ

Chỉ vì nghĩ “con đàn cháu đống là nhà có phúc” mà sau 40 năm chung sống, cặp vợ chồng ông Hiển và bà Nguyệt đã sinh tới… 14 người con. Chưa biết “cái phúc” ấy rồi sẽ thế nào nhưng điều dễ nhận ra là dù đã ở tuổi đáng được nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già thì họ vẫn phải nai lưng ra làm để nuôi những đứa con còn thơ dại.

Ông Hiển, bà Nguyệt cùng 7 đứa con chưa lập gia đình chung sống với nhau tại nhà.Ảnh: Quỳnh Nguyên

Ông Hiển, bà Nguyệt cùng 7 đứa con chưa lập gia đình chung sống với nhau tại nhà. Ảnh: Quỳnh Nguyên

Vợ sinh con, chồng quần quật kiếm cơm

Gia đình lập “kỉ lục” đông con nhất huyện Mê Linh (Hà Nội) là nhà ông Phan Văn Hiển (SN 1948) và bà Tạ Thị Nguyệt trú tại thôn 1, xã Thạch Đà. Suốt những năm tháng chung sống, dù phải chạy ăn từng bữa nhưng vợ chồng ông bà Hiển - Nguyệt vẫn sòn sòn “hai năm một đứa”. Đến nay, vợ chồng ông Hiển có tất cả 6 con trai và 8 con gái.

Ông Hiển cho biết: “Năm 1975, ông bà cưới nhau, một năm sau khi cưới cô con gái đầu ra đời. Từ đó đến năm 2003, cứ hai năm một đứa lần lượt được sinh ra. Phần lớn thời gian từ sau khi cưới, bà Nguyệt đều dành cho việc sinh đẻ, chăm con, còn ông Hiển quần quật kiếm từng bữa cơm lo cho cả nhà”.

Điều kì cục là biết đông con sẽ khổ cực, nhưng khi cán bộ thôn, xã rồi huyện đến vận động “sinh đẻ có kế hoạch” thì vợ chồng ông Hiển vẫn khăng khăng, nào là “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, hay “con đàn cháu đống mới vui”. Cái sự đông con ấy ban đầu chỉ ở thôn 1, xã Thạch Đà biết. Sau con cái đến tuổi đi học, chuyện giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, danh sách nối dài tên các anh em trong gia đình lần nào cũng phải photocopy thêm giấy mới viết đủ khiến chuyện của gia đình đông con càng lan xa hơn.

Khi chúng tôi nhắc đến “kỉ lục” sinh con của gia đình, ông Hiển  bảo: “Thời chúng tôi lạc hậu rồi nên mới thế, chứ giờ có cho tiền cũng có ai dám đẻ nhiều nữa đâu”.

Trong căn nhà 2 tầng dang dở chưa quét được sơn, ông Hiển kể rằng để xây được căn nhà này, ông cùng các con trai lớn phải tích cóp từng viên gạch mới xây dựng được. “Tôi là thương binh xuất ngũ hạng 4/4 với đôi tay trái không duỗi thẳng được nên làm cũng không được nhiều, số tiền có được cũng như gió vào nhà trống. Cuộc sống đã khó khăn, vì đông con lại càng khó khăn hơn”, ông Hiển nói.

Nhớ lại những năm tháng hàn vi, bà Nguyệt ngậm ngùi: “Bốn năm, tôi sinh ba đứa con, tôi bế đứa út, chồng mắc võng ru đứa thứ hai. Con trước lớn lên, lấy quần áo, tã lót để con sau mặc. Hồi tôi vừa sinh con thứ ba được 3 ngày đã phải tự làm việc nhà. Hai con (đứa lớn vừa 3 tuổi, đứa nhỏ 2 tuổi) đã phải xách nước cho mẹ giặt đồ. Nhà nghèo, vợ chồng tôi vay mượn khắp nơi, có khi trước mùa gặt một tuần vẫn phải mang nồi sang nhà hàng xóm vay gạo nấu cho mấy miệng ăn lít nhít”.

Ông Hiển tiếp lời bà Nguyệt: “Có giai đoạn khó khăn, họa hoằn lắm, vợ tôi mới dành tiền mua được miếng thịt cải thiện bữa cơm gia đình. Riêng ngày Tết thì nhờ được sự quan tâm của các cấp chính quyền, đoàn thể nên mới có một bữa cơm “ấm no””.

Do điều kiện quá khó khăn nên 4 người con đầu của ông Hiển không được đến trường mà phải lăn lộn bươn chải để giúp bố mẹ nuôi các em ăn học. Đến nay, ông bà vẫn còn 7 người con chưa lập gia đình.

Trước khi đi ngủ phải đếm chân để kiểm tra

Nồi cơm to của gia đình ông Phan Văn Hiển.

Nồi cơm to của gia đình ông Phan Văn Hiển.

Khó khăn đã đành, nhưng chuyện bi hài ở chỗ, vì sợ bị phạm hương ước của làng, sợ bị phạt nên ông bà không ra trạm y tế xã mà quyết định đẻ ở nhà. Ông Hiển liều lĩnh để vợ sinh con tại nhà từ người con thứ 6. Dụng cụ đỡ đẻ chỉ là một cái kéo, một ít bông băng, thuốc kháng sinh. Bà Nguyệt sinh xong, với sự giúp đỡ của người thân trong nhà làm y tá, ông dùng kéo cắt dây rốn, bôi thuốc kháng sinh rồi dùng dây chỉ rịt lại. Năm 2003, ông vẫn là “bà đỡ” cho đứa con út của mình tại nhà.

Rồi phải đến chuyện vợ chồng ông không dám khai sinh cho con vì sợ chính quyền nhắc nhở. Đi học mẫu giáo, các cô giáo cám cảnh về gia cảnh khó khăn của ông bà, nên đã làm giấy khai sinh cho các cháu nhập học, đồng thời không thu học phí. Đến khi cô con gái sinh năm 1988 thi đại học (năm 2006) nhưng không có tên trong hộ khẩu, ông lại lục đục lên xã xin xác nhận. Chính quyền xã sau đó cấp 8 giấy khai sinh cho 8 người con sau của ông.

Ai cũng nghĩ việc ăn uống của gia đình sẽ tiêu tốn rất nhiều nhưng bà Nguyệt cho biết: “Có lẽ vì thiếu thốn quen rồi, quen ăn rau ăn cháo nên bây giờ tôi mua 50.000 đồng tiền thịt, mấy mớ rau vài bìa đậu cũng ăn cả ngày không hết”.

Kể về hoàn cảnh nhà ông Hiển, ông Nguyễn Duy Thịnh, Bí thư Chi bộ thôn 1, xã Thạch Đà nói: “Gia đình họ kể cả ăn cơm hay đi ngủ cũng đều tăm tắp, ai nấy ngồi đúng chỗ quy định của mình. Khi đi ngủ thì nằm chung cả một dãy dưới sàn nhà. Trước đây, mỗi buổi tối ngủ phải kiểm tra chân để xem đủ người không. Vì đông quá nên nhiều khi cũng không nhớ nổi hết tên nhau”.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Lâm - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Đà cho biết: “Thấy hai ông bà sinh nhiều con quá, UBND xã cũng đã có nhiều biện pháp tuyên truyền nhưng cuối cùng cũng phải bó tay. Tâm lí muốn thật nhiều con cũng bị ảnh hưởng từ thời các cụ, chứ con cái của ông Hiển và bà Nguyệt không như bố mẹ nữa, họ chỉ dừng lại ở 1 đến 2 con thôi”.

Dù bây giờ khi hoàn cảnh đã khá hơn nhưng mỗi lúc nhắc lại những tháng ngày chật vật với những người con lít nhít, không ít lần chính ông bà cũng thở dài ngao ngán. Lật giở từng trang để nhìn lại cuốn sổ hộ khẩu ghi đầy đủ tên tuổi của 14 người con, ông Hiển bỗng thở dài: “Có lẽ vì sinh nhiều nên sức khỏe vợ tôi giảm sút. Thỉnh thoảng phải đưa bà ấy đi khám định kì hàng tháng để theo dõi. Rút kinh nghiệm bản thân, tôi khuyên các con dâu, con gái bây giờ chỉ sinh 2 con để bảo đảm sức khỏe, nuôi dạy con tốt, cuộc sống ấm no”.

Chia sẻ