Bi hài chồng xem vợ sinh

Theo NLĐ,
Chia sẻ

Có ông theo vợ vào phòng sinh là vì thương vợ con nhưng phần đông do… tò mò.

Trên thế giới, chuyện chồng chứng kiến vợ sinh là rất đỗi bình thường. Tại Việt Nam, những năm gần đây, các bệnh viện lớn đã triển khai sinh dịch vụ gia đình, tức là chồng hoặc một thân nhân được vào chứng kiến lúc sản phụ sinh nở. Có ông theo vợ vào phòng sinh là vì thương vợ con nhưng phần đông do… tò mò muốn biết chuyện sinh nở xảy ra như thế nào.
 
Ly dị sau khi xem
 
Lần đầu tiên được làm bố, anh NTT (Đồng Nai) mừng rơi nước mắt khi được vào cùng vợ “vượt cạn”. Mỗi lần thấy vợ oằn mình với những cơn gò chuyển dạ rồi thét lên đau đớn, anh đều nắm tay an ủi vợ.
 
Khi bác sĩ bảo vợ anh đã đến lúc sinh, anh hồi hộp chờ đợi. Sau tiếng thét của vợ là tiếng “oe oe” của đứa con trai đầu lòng. Vừa thương vợ, vừa mừng con, anh chỉ biết loay hoay đi xung quanh bàn sinh với niềm vui ngất trời khi nghe bác sĩ chúc mừng lên chức bố. Đến nay, thằng con đã bốn tuổi nhưng anh vẫn nhớ như in cảm giác hạnh phúc ngày ấy. Anh quyết định sẽ cùng vợ “vượt cạn” chuyến tiếp theo.
 
Trường hợp khác, anh NHL (TP.HCM) đưa vợ đi sinh, vì người nhà là bác sĩ nên anh đăng ký sinh dịch vụ gia đình. Cũng bị vợ mắng mỏ do đau nhưng cảm giác là người đầu tiên nhìn con ra đời làm anh vui lắm.
 
Tuy nhiên, những ngày sau đó lòng anh lại nặng trĩu một nỗi buồn khác lạ. Hai năm sau, anh không hề gần vợ, dù chỉ là những cử chỉ thân mật. Người chị là bác sĩ sản khoa biết chuyện gọi lên chia sẻ, anh mới thổ lộ rằng sau khi vào phòng sinh thì “vợ không còn là vợ mình nữa”(!). Sau nhiều lần được bác sĩ lý giải về vấn đề sinh con, về những thiệt thòi mà người phụ nữ phải gánh chịu khi sinh sản thì anh mới… chịu nhận đó là vợ mình.
 

Cũng trong tâm trạng háo hức chờ đón con ra đời nhưng sau năm năm, anh HAK (TP.HCM) đòi ly dị vợ với lý do tương tự: Vợ không còn là của mình.

Tâm sự với bác sĩ, anh K. cho rằng sau khi chứng kiến vợ sinh, anh cảm thấy hụt hẫng vì “chỗ đó” không còn như xưa, không phải của riêng anh. Mặc dù bác sĩ khuyên can, gia đình vun đắp nhưng sự ám ảnh về phòng mổ, về vợ vẫn không phai mờ nên anh đã… đưa đơn xin ly dị!

Cân nhắc chọn người thân hỗ trợ

BS Ngô Thị Yên (Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Trưởng phòng Khám thai BV Từ Dũ), cho biết sinh nở đúng là một việc khó khăn vào hạng bậc nhất trong cuộc đời người phụ nữ nên họ cần có người thân bên cạnh. Cuộc chuyển dạ của thai phụ thường kéo dài nhiều giờ, có khi suốt cả ngày trời. Giai đoạn này người phụ nữ rất cần sự hỗ trợ về mặt tâm lý, chia sẻ không những từ nhân viên y tế mà quan trọng hơn là người thân trong gia đình.

Đa số đàn ông cho rằng có mặt bên vợ trong giờ phút vợ chuẩn bị sinh và cùng chào đón đứa con ra đời là khoảnh khắc hết sức thiêng liêng và hạnh phúc. Hầu hết phụ nữ cũng cảm thấy được chia sẻ, an tâm và tăng thêm sức mạnh để rặn sanh tốt hơn khi có chồng bên cạnh.
 

Tuy nhiên, người phụ nữ cũng phải cân nhắc là mình có nhu cầu cần người thân ở bên cạnh lúc sinh hay không. Tùy từng trường hợp cụ thể, gia đình nên bàn bạc trước để “tuyển chọn” ai sẽ vào hỗ trợ.

Người này sẽ có một nhiệm vụ duy nhất và rất khả thi là hỗ trợ tinh thần tối đa cho người phụ nữ nhằm giúp sức với nhân viên y tế để cuộc sinh diễn ra tốt nhất.

Người cùng vào phòng sinh không nhất thiết phải là người chồng. Mẹ ruột, mẹ chồng, chị em gái, cô, dì… cũng là những ứng cử viên tốt. Người hỗ trợ cần tìm hiểu trước về một cuộc sinh bình thường để khỏi bỡ ngỡ đến mức phải suýt ngất xỉu.
 
Về phương diện tâm lý, nếu người chồng cảm thấy mất mát sau khi tận mắt chứng kiến cảnh vợ sinh với sự giúp sức của nhiều người khác thì nên nhớ rằng sinh nở là quy luật tự nhiên. Người phụ nữ chẳng có lỗi gì khi phải “lộ hàng” lúc sinh và quan trọng hơn là việc này không ảnh hưởng tiêu cực đến tình yêu của vợ dành cho chồng. Ngược lại, con cái sinh ra sẽ là sợi dây gắn kết tình cảm vợ chồng, làm cho hạnh phúc gia đình ngày càng bền chặt.
Theo các bác sĩ, khi có sự chuẩn bị tốt, việc cho phép người thân ở bên cạnh lúc sinh sẽ giúp người phụ nữ không còn cảm giác “mồ côi một mình” và cuộc sanh sẽ có kết quả tối ưu. Dù sao sự có mặt của người chồng khi vợ sinh trong nhiều trường hợp cũng mang lại hiệu quả không ngờ nhằm duy trì tình cảm vợ chồng, nhắc nhở người chồng về việc kế hoạch hóa gia đình, ngừa thai và có trách nhiệm hơn với con cái.
 

Cơ hội trổ tài cho các bạn nấu ăn ngon chụp ảnh đẹp đây: click vào GIA ĐÌNH KHEN NGON để xem thể lệ dự thi và xuýt xoa với giải thưởng nào!!!

Chia sẻ