Bị đắm tàu và phải lênh đênh giữa đại dương 117 ngày, cặp đôi sống sót thần kì nhờ làm bạn với các sinh vật biển
Trong hơn 117 ngày sống lênh đênh giữa đại dương trên chiếc bè cao su, họ đã kết bạn cùng với cá heo, cá voi và cá mập.
Câu chuyện đáng kinh ngạc về một cặp vợ chồng đã sống sót sau 117 ngày trôi dạt trên một chiếc bè ở giữa Thái Bình Dương nhờ những sinh vật biển mới đây đã được dựng thành phim. Cuộc phiêu lưu của họ được mệnh danh là "Cuộc sống của Pi" ngoài đời thực.
Thảm họa này đến với Maurice và Maralyn Bailey vào năm 1972. Cặp đôi này đã bán hết tài sản và mua một chiếc du thuyền để đi từ Southampton đến New Zealand bắt đầu một cuộc sống mới nhưng không may du thuyền của họ đã va phải một con cá voi và chìm nghỉm xuống đại dương.
Cặp đôi này nhanh chóng di chuyển sang một chiếc bè cứu sinh và cố vớt vát những đồ đạc cần thiết. Với một ít thức ăn và dựa vào nước mưa để sống, họ đã phải bắt rùa, chim và cá để sinh tồn.
Trong hơn 117 ngày sống lênh đênh giữa đại dương trên chiếc bè cao su, họ đã kết bạn cùng với cá heo, cá voi và cá mập. Họ nói rằng những sinh vật biển này đã giúp họ không cảm thấy cô độc giữa đại dương mênh mông.
Maurice và Maralyn cuối cùng đã được cứu bởi ngư dân Hàn Quốc sau khi trôi 1500 dặm trên biển.
Cuộc phiêu lưu của họ đã được viết thành sách, nhưng theo thời gian câu chuyện này đã bị lãng quên. Maralyn đã qua đời vào năm 2002 và Maurice qua đời vào năm 2018.
Nhà làm phim Alvaro Cerezo, 37 tuổi đến từ Malaga, Tây Ban Nha đã bị mê hoặc bởi câu chuyện này. Ông nói rằng: "Câu chuyện của họ làm tôi nhớ đến Cuộc đời của Pi. Tôi có cảm giác đây như một câu chuyện ngụ ngôn, trong đó động vật là nhân vật chính."
Năm 2016, Alvaro đã đến Lymington, Hants để thăm Maurice và xin phép được biến câu chuyện của họ thành phim tài liệu.
Đạo diễn nói rằng: "Maurice nói rằng ông sẽ trở lại chiếc bè đó nếu có thể. Ông ấy nhớ cuộc sống của mình cùng những sinh vật biển và xa rời nền văn minh. Ông ấy là một người rất đặc biệt, thật khó tin khi ông ấy đã ra đi khi không có ai bên cạnh."
(Theo Mirror)