Bị bỏng nặng từ nguyên nhân không ngờ

,
Chia sẻ

TS Nguyễn Viết Lượng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Viện Bỏng Quốc gia cho biết, nhiều bệnh nhân bị bỏng từ những nguyên nhân không ai nghĩ tới.

Nguyên nhân có thể chỉ là một cái phích trên bàn nước, một bát nước canh hay thậm chí khi đang nướng mực bằng cồn.

Một nửa bệnh nhân là trẻ em

Hơn 75% trẻ bị bỏng ở nhà

4 Có tới 1/3 trẻ bị bỏng nặng (độ 2, 3), phần lớn là bé trai dưới 5 tuổi. Hơn 75% trẻ bị bỏng ở nhà, thường ở khu bếp từ 8-10h sáng và chập choạng tối do người lớn bất cẩn, vô ý để tác nhân gây bỏng như nước sôi, dầu ăn, cháo nóng, bàn là, hóa chất, pô xe... trong tầm với của trẻ.

BS Bạch Văn Cam

Trưởng khối Hồi sức - cấp cứu, BV Nhi Đồng I (TPHCM).

Mỗi ngày, Viện Bỏng Quốc gia tiếp nhận hàng chục ca bỏng, với nhiều nguyên nhân khác nhau như bỏng lửa, xăng, gas, nước sôi... Trong số đó, bỏng nước sôi và bỏng lửa chiếm tỷ lệ cao nhất.

Tùy từng mùa, sẽ có một loại bỏng nổi lên. Theo TS Nguyễn Viết Lượng, cứ vào mùa hè, lượng bệnh nhân bỏng điện tăng mạnh. Nhiều trường hợp vĩnh viễn mất đi đôi chân chỉ vì trèo cột điện bắt chim, thả diều bị điện giật.

Trong số những trường hợp cấp cứu vào đây có đến một nửa là trẻ em (đa số từ 1-5 tuổi). Bỏng trẻ em phần lớn do sự bất cẩn của người lớn. Bệnh nhân ở vùng nông thôn chiếm tới 80%. TS Lượng cho biết thêm, do vùng nông thôn điều kiện sinh hoạt còn thấp, trình độ dân trí chưa cao nên đây là nơi có nguy cơ bị bỏng cao.

Những tình huống như để trẻ chơi một mình không ai để mắt tới cũng dễ dẫn tới bị bỏng như nghịch phích nước, điện.

Có trường hợp trẻ đổ cả can xăng rồi bám lửa bốc cháy gây bỏng nặng toàn thân. Những trường hợp vô ý này gây dị tật vĩnh viễn cho trẻ khi trưởng thành.

Theo TS Lượng, dị tật có thể là co quắp tứ chi, biến dạng mặt, hỏng mắt, hỏng thanh quản...

Sơ cứu sai hậu quả nặng nề

Hiện nay có một số thuốc bôi dạng tuýp được quảng cáo làm mất sẹo nhưng thực chất chỉ có tác dụng phần nào, không thể làm mất sẹo, kể cả loại đắt tiền.

BS Nguyễn Bảo Tường, Trưởng khoa Bỏng - chỉnh hình,Bệnh viện Nhi Đồng I .

TS Nguyễn Viết Lượng cảnh báo, lúc gia đình có người bị bỏng, mọi người chữa sai lầm như bôi kem đánh răng, đổ nước mắm vào, rắc vôi bột, bôi lòng trắng trứng...

Những cách này đều không giảm bớt bỏng mà còn làm bỏng nặng thêm. Khi bị bỏng, việc sơ cứu rất quan trọng nhưng sơ cứu không đúng cách sẽ làm cho bệnh càng nặng thêm. Có tới 2/3 số người bị bỏng được đưa vào viện trong tình trạng nặng hơn vì tự sơ cứu sai.

TS Lượng tư vấn, tùy từng trường hợp bỏng mà có cách xử lý sơ cứu khác nhau. Nhưng cách tốt nhất khi bỏng là dùng nước mát, sạch đổ lên vết thương.

Nước trắng mát sạch vừa có tác dụng giảm nhiệt, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm, giảm độ sâu của vết thương.

Đối với bỏng nước, cách sơ cứu đơn giản nhất là không cởi bỏ quần áo vì có thể dẫn tới việc lột da vùng bị bỏng, mà ngâm ngay phần cơ thể bị bỏng vào nước lạnh sạch, không phải nước lạnh đóng băng đá trong tủ lạnh, trong thời gian từ 15 - 20 phút.

Sau đó băng nhẹ vết bỏng bằng gạc đã vô trùng và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Tuyệt đối không bôi bất kỳ loại thuốc hay chất gì lên vết bỏng.

Đối với bỏng do điện giật, việc sơ cứu hồi sức cho nạn nhân tại chỗ hết sức cần thiết. Không vận chuyển nạn nhân đi ngay khi bị bỏng. Hô hấp nhân tạo cho nạn nhân tại chỗ cho đến khi nạn nhân thở lại mới vận chuyển đến cơ sở y tế.

Theo TS Lượng, nếu sơ cứu bỏng đúng cách có thể tránh được nhiều biến chứng nguy hiểm cho nạn nhân. 70% số ca bỏng mà được giữ sạch thì sẽ lành tự nhiên. Mỗi năm Viện Bỏng Quốc gia (Hà Nội) tiếp nhận khoảng 5.000 ca điều trị nội trú và 1.000 ca ngoại trú.

Theo Quảng Hà
Giadinhnet
Chia sẻ