Bị bạo hành, sao không lên tiếng?

Lan Anh,
Chia sẻ

Hầu hết các trường hợp bạo hành gia đình là do hàng xóm, người thân trong gia đình tố giác, rất hiếm trường hợp nạn nhân của bạo hành lên tiếng trực tiếp để được hỗ trợ và giúp đỡ

Xuất phát từ quan niệm bất bình đẳng giới

Liên tiếp những vụ  bạo hành gia đình được phát hiện gần đây cho thấy tỉ lệ cũng như mức độ bạo hành đang ngày một gia tăng. Mới đây nhất,  là trường hợp của chị Chu Thị Trà, sinh năm 1962, ở thôn Văn Nhuệ, xã Văn Nhuệ, huyện Ân Thi, Hưng Yên. Lấy chồng từ năm 23 tuổi, trải qua 23 năm bạo hành đầy kinh hoàng nhưng chị chưa hề tiết lộ với bất kỳ ai để có được sự trợ giúp cần thiết cho mình. Chỉ đến khi, người chồng vũ phu hắt cả nồi  nước sôi vào người và bị bỏng quá nặng, lúc đó bi kịch gia đình  mới được mọi người biết đến.

Kết quả điều tra quốc gia mới nhất về gia đình cho thấy ở Việt Nam có 21,2% cặp vợ chồng đã trải qua một trong những hình thức bạo lực gia đình như bị đánh, mắng, nhục mạ... Theo thống kê cụ thể, cứ 5 cặp vợ chồng thì có 1 cặp trải qua bạo hành gia đình. Các hình thức bạo lực nhẹ hơn như giận dỗi, cãi vã thì cứ 3 cặp vợ chồng có 1 cặp trải qua các hình thức này.

Theo điều tra về bạo hành gia đình trên địa bàn, nghiên cứu “Bình đẳng giới trên địa bàn Hà Nội” – của ông Nguyễn Văn Đoàn, phó giám đốc CDECC tại một số xã thuộc huyện Gia Lâm, Sóc Sơn, Từ Liêm, Đông Anh và hai phường thuộc quận Thanh Xuân cho thấy có 49,2% ý kiến khẳng định trong khu vực dân cư có tình trạng vợ chồng đánh nhau. Trong đó, 95% vợ bị chồng đánh.


Bất bình đẳng giới là xuất phát điểm của bạo hành gia đình. Đó là sự gia trưởng, trọng nam kinh nữ. Người phụ nữ trong gia đình không có sự bình đẳng với chồng, không có quyền lực thường cam chịu và không muốn chia sẻ cùng ai. Do vẫn bị lệ thuộc vào kẻ bạo hành nên họ thường không dám lên tiếng.

Bạo lực gia đình có nhiều hình thức mà rất nhiều người còn mơ hồ về khái niệm. Đôi khi không phải cứ thượng cẳng chân, hạ cẳng tay mới là bạo lực. Nhiếc móc, chửi rủa, cưỡng bức về tình dục cũng là bạo hành. Bạo hành bằng sự im lặng, chì chiết, đay nghiến nhau thường diễn ra ở những gia đình trí thức nhiều hơn. Nó là một sự biến tướng khó kiểm soát mà mức độ nghiêm trọng cũng không kém bạo hành thể xác. 

Bạo hành gia đình thường chỉ được biết đến và lên tiếng khi nỗi đau của nạn bạo hành lên đến đỉnh điểm. Với bạo hành về tinh thần, dư luận xã hội thường không biết đến nên chỉ có nạn nhân là cam chịu.

Chị Loan là cũng là một nạn nhân của bạo hành gia đình về tinh thần gần 20 chục năm nay. Điều này chỉ mình chị thấu hiểu và cam chịu. Tuy không đánh đập nhưng chồng chị luôn dùng những lời lẽ cay nghiệt để nhiếc móc vợ không dứt khiến chị lâm vào tình trạng hoảng loạn tinh thần. Chỉ đến khi chị tìm đến cái chết nhưng không thành thì hàng xóm và dự luận địa phương mới biết đến. Chính sự cam chịu này của người phụ nữ  đã làm gia tăng mức độ bạo hành trong gia đình.

Phụ nữ bị chồng bạo hành về tinh thần như một thói quen khiến họ trở nên sống khép kín, tự cô lập, mất tự tin vào bản thân do đó sức đề kháng với bạo hành gia đình yếu. Họ không thể phản kháng cũng như lên tiếng để bảo vệ mình.

Hệ lụy của bạo lực gia đình không chỉ là nỗi đau thể xác, nỗi đau tinh thần mà là ảnh hưởng trực tiếp tới con trẻ. Trẻ sống trong gia đình có bố đánh đập, mắng chửi mẹ thường sống khép kín hoặc buông thả là mầm mống của sự thô lỗ, cục cằn. Chính điều này vô hình chung lại tạo ra một sự "di truyền" về nạn bạo lực.

Tiếng nói của dư luận vô cùng quan trọng

Hành vi bạo hành gia đình sẽ bị pháp luật trừng trị. Hình thức xử phạt cao nhất đối tượng có hành vi bạo lực gia đình là bị truy cứu trách nhiệm hình sự (Quy định tại Điều 36 của dự Luật Phòng, chống bạo lực gia đình mà Uỷ ban TVQH)

Bạo hành gia đình là một vấn đề của xã hội nhưng sẽ khó để giải quyết được triệt để nếu người trong cuộc coi đây là chuyện nội bộ trong gia đình, và che giấu những hành vi bạo lực. Rất ít người phụ nữ là nạn nhân của bạo hành gia đình có thể tự lên tiếng bảo vệ mình. Chính vì vậy, dư luận xã hội từ chính quyền địa phương hay chính những người hàng xóm lên tiếng sẽ góp phần đẩy lùi vấn nạn này. Sức mạnh lan truyền của dư luận là một vũ khí bảo vệ cho người phụ nữ. Xã hội có trách nhiệm với nạn bạo hành gia đình. Dư luận sẽ giúp nâng cao nhận thức và quyền hạn của những người phụ nữ là nạn nhân của bạo lực.

Thực tế cho thấy, những phụ nữ là nạn nhân của bạo hành gia đình thường chỉ được giải thoát khỏi địa ngục gia đình khi có sự giúp đỡ lên tiếng của dư luận.

Luật Phòng chống bạo lực gia đình có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/7/2008 cũng sẽ là cơ sở pháp lý giải quyết các vấn nạn bạo hành gia đình.

 

Một số địa chỉ hỗ trợ nạn nhân bị bạo hành

1. Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA); P609 - B3 quốc tế Thăng Long, Trần Đăng Ninh, Cầu Giấy; 04.7569869, điện thoại tư vấn: 1900585830, fax: 04.7930297; email: csaga@fpt.vn; http: www.csaga.org.vn

2. Văn phòng tư vấn gia đình: 262D Uỷ ban Dân số - gia đình - trẻ em, thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.

3. Tư vấn Linh Tâm Hà Nội: ĐT: 1900585830.

4. Trung tâm chăm sóc sức khoẻ phụ nữ tại BV Đức Giang, quận Long Biên, HN: ĐT: 04.8776625.

5. Trung tâm chăm sóc sức khoẻ phụ nữ tại Trung tâm Y tế Đông Anh, huyện Đông Anh, HN: ĐT: 04.9654355.

6. Nhà tạm lánh của Trung tâm phụ nữ phát triển: 20 Thụy Khuê, HN; ĐT: 04.7280936, máy lẻ 0302.

7. Trung tâm tư vấn pháp luật và chính sách y tế, HIV/AIDS: Số 1 ngõ 135 phố Núi Trúc, quận Ba Đình, HN; ĐT: 18001521


 L.A

Chia sẻ