Bí ẩn về thi thể còn nguyên vẹn trong ngôi mộ cổ nghìn năm ở Trung Quốc, danh tính được xác định là tuyệt thế giai nhân thời Hán
Tuy nhiên, các nhà khảo cổ khẳng định nguyên nhân qua đời của chủ nhân ngôi mộ vẫn còn là ẩn số. Đặc biệt hơn hết, việc thi thể vẫn còn nguyên vẹn hơn 2000 năm cũng khiến họ đau đầu.
Vào ngày 7/7/2002, trên công trường xây dựng đường Hoa Viên ở thôn Song Long, khu Hải Châu, thuộc thành phố Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, một tài xế xe máy xúc bất ngờ đào được trúng cỗ quan tài cổ nghìn năm. Ngay sau khi phát hiện đó là ngôi mộ cổ, công nhân này đã nhanh chóng báo cảnh sát và nhân viên bảo tàng thành phố đến để xem xét tình hình.
Danh tính thi thể còn nguyên vẹn trong mộ cổ nghìn năm là tuyệt thế giai nhân thời Hán.
Theo như một số nhà khảo cổ cùng đến hiện trường thăm dò, họ có thể suy đoán được đây là ngôi mộ có từ cuối thời nhà Hán (206 TCN - 220). Ngoại trừ một phần nhỏ xung quanh lăng mộ bị thiệt hại, còn lại đều rất hoàn chỉnh. Cấu trúc của lăng mộ cũng như quan tài đều được bảo quản khá tốt dù đã hơn 2000 năm. Sau khi thực hiện các thủ tục khai quật, quan tài được đưa về bảo tàng thành phố Liên Vân Cảng và mời các nhà khảo cổ để khám nghiệm.
Trong quá trình mở nắp quan tài, những người có mặt xung quanh không khỏi bất ngờ khi phát hiện có nhiều chất dịch nhầy trong quan tài, điều đặc biệt là thi thể trong quan tài vẫn còn tươi và được bảo quản nguyên vẹn. Các nhà khảo cổ xác định, thi thể đó là nữ, có chiều cao 1,6m, khoảng 40 tuổi. Xung quanh thi thể, họ phát hiện một con dấu bằng đồng với chiều dài cạnh là 2,5cm, trên con dấu được khắc chữ Lăng Huệ Bình, và các nhà khảo cổ cho rằng, chủ nhân có khả năng tên là Lăng Huệ Bình.
Vào tháng 12/2002, giáo sư Triệu Thành Văn của Học viện Cảnh sát Hình sự Trung Quốc đã nhờ vào những công nghệ tiên tiến nhất thời đó để phục hồi thành công bức chân dung của thi thể trong lăng mộ ở Giang Tô. Theo các nhà khảo cổ, họ đoán rằng gia đình bà Lăng Huệ Bình rất giàu có và thịnh vượng.
Khi qua đời, thân thể của Lăng Huệ Bình được bảo quản tốt, hình dạng hộp sọ đầy đủ, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phục hồi hình ảnh. Giáo sư Triệu nói rằng, khuôn mặt của Lăng Huệ Bình khá tròn, lông mày rậm, đôi mặt to, có miệng anh đào. Có thể nói, đây là một tuyệt thế giai nhân thời bấy giờ.
Phác họa chân dung của Lăng Huệ Bình.
Việc bảo quản một xác chết nguyên vẹn trong hơn 2000 năm là một ẩn số
Khi mở nắp quan tài, các nhà khảo cổ phát hiện thi thể của Lăng Huệ Bình vẫn còn nguyên vẹn đã khiến họ không khỏi bất ngờ. Nhiều người khẳng định, đây là một phép lạ cực kỳ hiếm. Họ không bao giờ ngờ được, một thi thể nữ có chiều dài 1,6m, da vẫn còn nguyên vẹn, các cơ bắp vẫn còn độ đàn hồi, dẻo dai, dây thần kinh và các cơ quan nội tạng về cơ bản vẫn còn nguyên vẹn.
Trên 6 bề mặt của quan tài, các nhà khảo cổ phát hiện xung quanh được bao bọc bởi hơn 10.000kg than, sau đó là thành phần silica (một hợp chất hóa học có độ cứng cao), oxit nhôm, oxit sắt, cộng với lớp đất dày. Với sự bảo quản tuyệt vời này, lăng mộ được bảo toàn nguyên vẹn dù qua hàng nghìn năm.
Ngoài ra, chất dịch nhầy được tìm thấy khi mở nắp quan tài cũng khiến các nhà khảo cổ đau đầu nghiên cứu. Họ thắc mắc những chất này được tiêm vào quan tài từ đầu hay sau khi đóng nắp quan tài nó mới tự động tiết ra. Hiện tại, mọi thứ vẫn chưa có kết luận.
Chất dịch nhầy này được đưa vào bệnh viện Liên Vân Cảng để phân tích thì tìm thấy được có độ pH 7.55, có tính kiềm yếu và có chứa huyết sắc tố. Từ đây, mọi người có thể suy đoán chất này có thể duy trì thi thể của Lăng Huệ Bình không bị phân hủy trong suốt thời gian qua.
Trong một cuộc phỏng vấn, chuyên gia khảo cổ học Hạng Kiếm Vân tiết lộ một chi tiết cho rằng có những dấu hiệu ngôi mộ này được chôn cất một cách vội vã, khiến người ta cảm giác rằng vẫn còn nhiều điều chưa được thực hiện trước đó. Sau cùng, chuyện gì đã xảy ra vào thời điểm đó khiến Lăng Huệ Bình bị chôn cất vội vàng?
(Nguồn: Kknews, Zhihu)