BGK Miss Grand Vietnam nói gì về quan điểm Trang phục Văn hóa dân tộc thiếu tính thời trang?
Đêm thi Trang phục Văn hóa dân tộc của Miss Grand Vietnam đã để lại nhiều ấn tượng cho người hâm mộ nhan sắc.
Tối ngày 23/9, đêm thi Trang phục Văn hóa dân tộc nằm trong khuôn khổ của cuộc thi Miss Grand Vietnam 2022 đã được diễn ra tại nhà thi đấu Phú Thọ. Khoác lên mình 60 bộ trang phục của các nhà thiết kế trẻ, các Hoa, Á hậu và dàn thí sinh của Hoa hậu Hòa bình Việt Nam đã mang đến cho khán giả không khí bùng nổ.
Bên cạnh những ý tưởng độc, lạ và đẹp mắt của các thiết kế thì đêm thi Trang phục Văn hóa dân tộc sẽ không thể nào thành công rực rỡ nếu thiếu đi sự cộng hưởng của tất cả các yếu tố như sân khấu, ánh sáng, âm nhạc. Có thể nói, với sự đầu tư "khủng", hoành tráng về mọi mặt đã giúp đêm thi Trang phục Văn hóa dân tộc làm hài lòng số đông người hâm mộ nhan sắc.
Có mặt tại đêm thi tối qua, các vị giám khảo cũng đã có những chia sẻ và đưa ra tiêu chí để chọn lựa một bộ trang phục dân tộc cho đại diện Việt Nam tại Miss Grand International 2023. Theo ông Hoàng Nhật Nam - Tổng đạo diễn chương trình kiêm Phó Trưởng BGK Miss Grand Vietnam 2022, thiết kế chiến thắng phải cộng hưởng nhiều yếu tố và trên hết trang phục phải mang đến nét văn hóa đặc trưng của đất nước.
"Để chọn một bộ trang phục đem ra quốc tế thì mỗi giám khảo sẽ có tiêu chí khác nhau. Nhưng thường người hâm mộ, khán giả sẽ mong đợi một bộ trang phục khiến họ phải "wow", phải có yếu tố bất ngờ, bố cục, chất liệu, ‘chiêu trò’ để tạo hiệu ứng cũng như ý nghĩa mang lại. Ngoài ra, trang phục đó phải tạo được sự ấn tượng khi so sánh với những bộ trang phục khác. Một bộ trang phục thành công là phải khiến cho người ta cảm thấy choáng ngợp và muốn tìm hiểu về nét văn hóa, ẩm thực đó".
Đánh giá về mặt bằng chung về thí sinh cũng như các tác phẩm mà các nhà thiết kế mang đến, BGK đều cảm thấy tự hào xen lẫn là sự bất ngờ trước tư duy và tính thời trang riêng biệt của từng người. Là người theo sát các nhà thiết kế trẻ từ những ngày đầu, đạo diễn Hoàng Nhật Nam bày tỏ sự xúc động sau khi đêm thi kết thúc: "Tôi vỡ òa và cảm thấy xúc động trước công sức của ekip, các huấn luyện viên, các nhà thiết kế cũng như các thí sinh đã bỏ ra".
Hoa hậu Thùy Tiên chia sẻ: "Tôi cảm thấy rất tự hào, phải nói là nổi da gà. Tôi biết đa phần các bạn nhà thiết kế rất là trẻ nhưng không nghĩ các tác phẩm lại chỉn chu như vậy. Chắc chắn sẽ có sự giúp ích của các mentor nhưng thật sự các bạn quá giỏi so với độ tuổi như vậy".
Là đại diện Việt Nam tại Miss Grand International, Á hậu Kiều Loan chia sẻ cảm thấy ấn tượng với những bộ trang phục đơn giản nhưng mang ý nghĩa sâu xa. "Với tôi, có cơ bản trước thì mới có nâng cao.Tôi yêu cầu National Costume thứ nhất là thời trang mang ý nghĩa, sau đó nếu có thêm sự choáng ngợp về hình ảnh, mặt hiệu ứng trên sân khấu thì càng tốt.
Có những bộ trang phục rất đơn giản nhưng có ý nghĩa sâu xa và qua cách diễn của người mẫu, bộ trang phục trở nên nổi bật. Tiêu biểu như bộ Đèn Khuya do thí sinh Huỳnh Thới Ngọc Thảo trình diễn. Tôi cảm giác qua phần trình diễn đó mọi người có thể biết được trang phục trước hết sẽ ưu tiên về thời trang, tôn vinh nét đẹp của người mẫu trình diễn, dễ dàng di chuyển, trình diễn trên sân khấu".
Nói về yếu tố thời trang trong đêm thi Trang phục Văn hóa dân tộc, đạo diễn Hoàng Nhật Nam bộc bạch: "Chúng ta phải xác định phải có những phần thi khác nhau, National Costume là phần thi để các thí sinh phô diễn sắc màu văn hóa thông qua trang phục. Tôi nghĩ rằng yếu tố thời trang dĩ nhiên là một điều tốt nhưng nó sẽ dung hòa với những yếu tố khác. Chương trình này thiên về những yếu tố khác cộng hưởng lại nên lấy yếu tố thời trang, tính ứng dụng, thoải mái cho người mặc hoặc phô diễn người mặc đơn thuần thì tôi nghĩ cách suy nghĩ đó chỉ là một chiều".