"Bếp lạnh - tình tan"

Theo An ninh thủ đô,
Chia sẻ

Anh chị là những kẻ chung nhà nhưng không chung tình.

Tổ ấm thành tổ lạnh

Đều là dân trí thức, sau khi lấy nhau, chị Hương và anh Thịnh (phường Thịnh Quang, Đống Đa) thống nhất: “Tôn trọng tuyệt đối tự do cá nhân, không can thiệp quá sâu vào cá tính của nhau”. 

Vì thế, trừ những sinh hoạt chung, đi thăm bạn bè, bố mẹ, anh chị đều “việc ai nấy làm”. Chiều tối, anh đi đánh tennis, đi nhậu nhẹt với bạn bè đến 8-9 giờ tối mới về. 

Còn chị cũng mải đi mua sắm, đi tập thể dục nhịp điệu. Cơm chẳng phải nấu vì nấu cũng chẳng ai ăn. Anh chị đều trẻ trung, vui vẻ, chẳng bao giờ cãi nhau, hờn giận. 

Chưa định sinh con nhưng vì “lỡ kế hoạch” nên chị Hương đành để đẻ. Con gái được 6 tháng, chị Hương cai sữa, phó mặc con hoàn toàn cho người giúp việc. Tối đến chị dành thời gian đi nhảy Salsa để giữ dáng và giảm stress. 

Chị luôn miệng nói với bạn bè: “Chồng con chỉ là nhất thời thôi, chồng có thú vui của chồng. Con lớn rồi cũng chẳng cần mình nữa. Vì thế, mình phải yêu lấy bản thân mình”

Anh Thịnh cũng đi đến nửa đêm… 

Nhiều cặp vợ chồng luôn sống theo kiểu đồng sàng dị mộng (Ảnh minh họa)

Chị Liên, anh Quân (phường Nguyễn Trung Trực, Ba Đình) cũng có một cuộc hôn nhân tự do. Hai vợ chồng chẳng mấy khi nói chuyện với nhau. Thẻ ATM, tiền lương, anh đưa cho vợ giữ, chị rút ra đi chợ, anh cũng chẳng hỏi thêm chị có khó khăn, có thiếu thốn gì không.

Ngược lại chị cũng chẳng bao giờ hỏi chồng kiếm thêm tiền như thế nào, lấy gì tiêu. Vì thế, việc anh sắm dàn âm thanh xịn, đổi ô tô cũng chẳng bao giờ bàn bạc với vợ vì “đó là tiền riêng của tôi”. 

Chồng ra khỏi nhà từ 6 giờ sáng, khi vợ chưa dậy, về nhà lúc 7 giờ tối, ăn quáng quàng vài lưng cơm rồi ngồi vào máy tính, chát chít, chơi game. Vợ phó mặc con cho bà ngoại và người giúp việc, cũng đi từ sáng đến tối mặc dù làm hành chính. 

Chung nhà nhưng không chung tình

Hơn 3 tuổi mà con chị Hương mới chỉ bập bẹ được vài từ, gương mặt ngây ngô, buồn bã. Đến một ngày, trời mưa to không đi massage được, chị Hương ngồi chơi cả ngày với con, mới hay ra con mình chậm nói. 

Đi khám, chị Hương được bác sĩ cho biết: “Con chị bị chậm nói vì bố mẹ ít nói chuyện với con nên không có môi trường ngôn ngữ để tập. Hơn nữa, cháu còn có một số biểu hiện trầm cảm, cô lập vì không có bạn, ít được quan tâm, suy dinh dưỡng thể nhẹ”. 

Chị Hương lẩm bẩm: “Tôi mua cho cháu đủ loại sữa. Lên danh sách các loại thức ăn để người giúp việc chế biến, làm sao lại thiếu dinh dưỡng. Tivi thì mở suốt ngày, nói ra rả, sao lại không có môi trường ngôn ngữ”. Vị bác sĩ ngạc nhiên như nhìn “vật thể lạ” khi nghe chị Hương nói.

Một ngày, anh Quân phát hiện ra vợ cặp bồ. Làm ầm lên thì mất thể diện mà bỏ qua cũng không xong. Anh càng bỏ nhà đi nhậu nhẹt đến thâu đêm suốt sáng. Đi khám sức khoẻ định kỳ, bác sĩ lên một loạt bệnh và yêu cầu anh hạn chế uống rượu bia, hút thuốc lá, ăn nhậu. 

Nhưng anh Quân vẫn mặc kệ vì “không nhậu thì biết đi đâu”. Chị Liên dửng dưng: “Xưa nay, chúng ta chỉ chung nhà chứ có chung tình cảm đâu”. 

Nhưng cuộc tình vụng trộm ở ngoài cũng không khiến chị hạnh phúc: “Lúc nào tôi cũng mệt mỏi. Chán ngán, buồn bực mà chẳng hiểu vì đâu. Tôi mất ngủ thường xuyên. Luôn mơ một giấc mơ bỏ chồng nhưng lại sợ phải thay đổi. Rồi sợ hãi, phập phồng vì lo lắng…”.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Tố Oanh - Phó Trưởng khoa Xã hội học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho biết: “Mặc dù được tự do lựa chọn bạn đời, chất lượng cuộc sống được nâng cao nhưng mâu thuẫn vợ chồng lại càng tăng, ly hôn xảy ra nhiều là bởi vì bạn trẻ ngày nay chưa tạo dựng được mối quan hệ dựa trên sự chia sẻ và bình đẳng. Trong cuộc sống gia đình hiện đại, đương nhiên mỗi thành viên đều phải có tự do, phải được bàn bạc dân chủ, được tôn trọng ý kiến cá nhân. Tuy nhiên, nếu mỗi người đều chỉ khăng khăng giữ ý kiến của mình là đúng, đặt nhu cầu của người khác dưới nhu cầu của mình, coi sở thích của mình là trên hết thì gia đình tất loạn”.
Chia sẻ