Bệnh viêm não mô cầu tưởng chỉ mắc ở trẻ em thực ra rất nguy hiểm với cả người lớn
Vi khuẩn gây bệnh viêm não mô cầu cư trú tại vùng họng, mũi nên dễ dàng lây qua người khác trong quá trình bệnh nhân ho, xuất tiết mũi…
Xuất hiện nhiều ca viêm não mô cầu ở người lớn
Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh viện mới tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân là người lớn bị viêm não mô cầu. Bệnh nhân N.T.H (18 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) được nhập viện trong tình trạng hôn mê.
Trước đó, theo lời kể của gia đình, bệnh nhân có biểu hiện đau đầu, lên cơn sốt 3-4 ngày, sau đó rơi vào hôn mê sâu. Đặc biệt, khi mới có dấu hiệu sốt, đau đầu, nữ sinh vẫn đi học, nói chuyện, tiếp xúc bình thường với mọi người xung quanh.
Bệnh nhân viêm não mô cầu thể nặng thường bị xuất huyết, sốc nhiễm trùng. (Ảnh minh họa)
Bệnh nhân viêm não mô cầu thể nặng thường bị xuất huyết, sốc nhiễm trùng. (Ảnh minh họa)
Trước tình hình đó, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã tiến hành khử khuẩn trung tâm, giám sát chặt chẽ. Hiện tại đã phát hiện có 2 trường hợp là bạn của nữ sinh N.TH bị sốt, được cách ly và chờ kết quả xét nghiệm.
Trước đó, vào tháng 2/2016, dư luận cũng hết sức hoang mang trước trường hợp nữ sinh bị viêm não mô cầu và tử vong chỉ sau 24h nhập viện. Nữ sinh Đỗ Thị X (18 tuổi) là trường hợp đầu tiên ở Hải Dương tử vong do nhiễm viêm màng não mô cầu.
Vào sáng 20/2/2016, Đỗ Thị X có biểu hiện sốt, đau đầu. Đến khoảng 19h cùng ngày, phát hiện X. đi vệ sinh bị ngã, gia đình đã đưa bệnh nhân đến khám, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương.
Tại bệnh viện, bệnh nhân có dấu hiệu xuất huyết, đã được các bác sĩ hội chẩn và chuyển đến Bệnh viện Quân Y 108. Khoảng 1h ngày 21/2, khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Quân Y 108 tiếp nhận bệnh nhân Đỗ Thị X. trong tình trạng sốc nhiễm trùng, suy hô hấp, rối loạn đông máu. Sau đó, bệnh nhân đã được cấy máu, chọc dịch não tủy, xét nghiệm dịch họng.
Căn cứ vào kết quả xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết/viêm màng não mủ do não mô cầu. Bệnh nhân đã tử vong vào lúc 10h ngày 22/2.
Vào tháng 7/2015, một bệnh nhân nam 21 tuổi (quê Lộc Bình, Lạng Sơn) nhưng làm công nhân ở Bắc Ninh cũng bị viêm não mô cầu. Bệnh nhân có các dấu hiệu sốt cao, đau đầu, xuất hiện phát ban, da có dấu hiệu bị hoại tử, hôn mê kết hợp tình trạng tri giác xấu dần. Nghi ngờ mắc viêm não mô cầu, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Viêm não mô cầu là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm, rất dễ lây lan và có thể khiến người mắc tử vong chỉ sau 24h nhập viện.
Viêm não mô cầu là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm, rất dễ lây lan và có thể khiến người mắc tử vong chỉ sau 24h nhập viện.
Thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng nặng, tri giác lơ mơ, hôn mê sâu, toàn thân xuất hiện ban hoại tử đỏ do viêm não mô cầu. Ngay lập tức, bệnh nhân đã được cách ly, cho thở máy, xử trí chống sốc.
Có thể nói, viêm não mô cầu là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm, rất dễ lây lan và có thể khiến người mắc tử vong chỉ sau 24h nhập viện. Đặc biệt, bệnh viêm não mô cầu không chỉ phổ biến ở trẻ nhỏ mà hiện nay ngày càng xuất hiện nhiều ca viêm não mô cầu ở người lớn. Do đó, mỗi người cần nâng cao ý thức hơn nữa trong việc phòng chống viêm não mô cầu, nhất là vào thời điểm này, viêm não mô cầu có nguy cơ bùng phát thành dịch.
20% người khỏe mạnh mang vi khuẩn gây bệnh viêm não mô cầu
Đó chính là lời khẳng định của các chuyên gia, bác sĩ chuyên khoa Truyền Nhiễm. Mặc dù vậy, bệnh chỉ phát triển khi cơ thể có sức đề kháng yếu. Phần lớn, bệnh nhân viêm màng não đều vượt qua căn bệnh, tuy nhiên trong số ít trường hợp cấp tính, bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng huyết và tử vong khi không được điều trị kịp thời. Mọi người đều có cảm nhiễm với vi khuẩn não mô cầu và tính cảm nhiễm giảm dần theo tuổi.
Viêm não mô cầu hay còn gọi là bệnh màng não cầu, gây bởi vi khuẩn Neisseria meningitidis (còn gọi là khuẩn màng não cầu). Vi khuẩn này được chia thành 13 nhóm huyết thanh ký hiệu bằng các chữ trong bảng chữ cái như A, B và C. Đối tượng dễ mắc bệnh viêm não mô cầu nhất tập trung ở trẻ nhỏ hơn 1 tuổi và trẻ trong tuổi vị thành niên từ 15-18 tuổi.
Phát ban là dấu hiệu thường thấy ở bệnh nhân viêm não mô cầu.
Nghiên cứu của Viện dịch tễ học Mỹ cho thấy, bệnh viêm não mô cầu ở sinh viên năm nhất đại học chiếm 20% so với những người ở độ tuổi khác. Những người có khả năng sống sót sau khi điều trị bệnh có nguy cơ bị di chứng vĩnh viễn.
Phát ban là dấu hiệu thường thấy ở bệnh nhân viêm não mô cầu.
Nghiên cứu của Viện dịch tễ học Mỹ cho thấy, bệnh viêm não mô cầu ở sinh viên năm nhất đại học chiếm 20% so với những người ở độ tuổi khác. Những người có khả năng sống sót sau khi điều trị bệnh có nguy cơ bị di chứng vĩnh viễn.
Những đối tượng dễ mắc bệnh viêm não mô cầu nhất: Một số đối tượng có khả năng cao mắc bệnh viêm não mô cầu bao gồm bệnh nhân bị thiếu hụt đường huyết, giải phẫu bị thiếu lá lách hoặc một số chức năng của cơ thể (ví dụ bệnh hồng cầu hình liềm).
Theo BS Nguyễn Tiến Lâm (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), vi khuẩn não mô cầu cư trú tại vùng họng, mũi nên dễ dàng lây qua người khác trong quá trình bệnh nhân ho, xuất tiết mũi… Vi khuẩn có thể theo những giọt nước li ti bắn ra ngoài. Bệnh lây trực tiếp qua tiếp xúc gần hoặc tiếp xúc trung gian những đồ dùng chung có dính chất tiết ra từ đường hô hấp của người mang bệnh.
Các thể bệnh của viêm não mô cầu có thể là người lành mang vi khuẩn, không có biểu hiện, triệu chứng gì mặc dù vẫn có những vi khuẩn ở hầu họng. Thể thứ hai là vi khuẩn cư trú tại hầu họng, gây ra các triệu chứng như ho, sốt, hắt hơi, sổ mũi, đau họng…
Ngoài ra, viêm não mô cầu có hai thể nặng hơn là vi khuẩn lan truyền qua đường máu, đến các dây thần kinh trung ương, gây viêm màng não mủ do não mô cầu, trở thành thể nhiễm khuẩn huyết. Bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết có biểu hiện sốt cao, rét run, nhiễm trùng rất nặng. Bệnh nhân cũng có biểu hiện phát ban. Khi ban lớn và xuất huyết, hoại tử sẽ lan rộng, hoại tử xuất hiện ở trung tâm chính là tử ban. Những thay đổi làm giảm mạch huyết áp, gây sốc. Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Biểu hiện của viêm màng não do não mô cầu cũng bị sốt cao đột ngột, đau đầu, buồn nôn, sợ ánh sáng, người bệnh có gáy cứng, nặng hơn là rối loạn tinh thần, sốt li bì, hôn mê…
Mọi người cần chủ động đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập chốn đông người để phòng chống viêm não mô cầu.
Mọi người cần chủ động đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập chốn đông người để phòng chống viêm não mô cầu.
Để phòng bệnh viêm não mô cầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo mỗi người cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân. Thường xuyên vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường. Nơi ở và nơi làm việc cần sạch sẽ, thông thoáng. Người lớn và trẻ nhỏ cần được tiêm vắc-xin để phòng tránh bệnh. Hiện tại đã có vắc-xin phòng bệnh do não mô cầu nhóm A, B, C, Y, W-135.
Mọi người cần chủ động đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập chốn đông người. Người có tiếp xúc, chăm sóc bệnh nhân cần đeo khẩu trang và sử dụng kháng sinh hoặc thuốc dự phòng.
Đối tượng xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ bị viêm não mô cầu như sốt cao, đau đầu, buồn nôn, cứng cổ… cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế thăm khám và điều trị kịp thời.