Bệnh "tử" viêm màng não do não mô cầu và lưu ý phòng tránh cho bé yêu
Viêm màng não do não mô cầu còn được gọi là bệnh "tử" bởi có đến 1 trong số 10 người sẽ tử vong dù được điều trị tích cực. 1 trong 5 người còn sống phải chịu các di chứng nặng nề như cắt cụt tay chân, điếc, thiểu năng trí tuệ…
Phụ huynh cần nắm rõ những điểm "mấu chốt" phòng bệnh sau đây để tránh di chứng đáng tiếc xảy ra cho bé yêu.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê mỗi năm thế giới có khoảng 1,2 triệu ca mắc viêm màng não do não mô cầu và 135.000 ca tử vong. Tại Việt Nam, theo báo cáo thống kê bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế năm 2016, bệnh viêm màng não do não mô cầu là 1 trong 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất Việt Nam, với tỷ lệ 0,006/100.000 dân. Mỗi năm, nước ta vẫn ghi nhận hàng chục ca mắc viêm màng não do não mô cầu.
Viêm màng não do não mô cầu nguy hiểm bởi có thể gây tử vong trong 24 giờ nhưng các triệu chứng ban đầu thường không rõ ràng. Bệnh thường khởi phát với các triệu chứng như nhiễm virus thông thường gồm nhức đầu, đau họng, sốt, buồn nôn… Bên cạnh đó, dấu hiệu phát ban điển hình của bệnh có thể không xuất hiện dẫn đến bỏ lỡ cơ hội điều trị sớm.
Trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc viêm màng não do não mô cầu. Nguồn: Freepik
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), khoảng 50% bệnh nhân mắc viêm màng não do não mô cầu tử vong nếu không được điều trị. Dù được điều trị kịp thời và tích cực, bệnh cũng có tỷ lệ tử vong cao, lên đến 15%. Có đến 20% bệnh nhân sống sót sau viêm màng não do não mô cầu phải chịu nhiều di chứng về thể chất và tinh thần như cắt cụt chi, điếc, mù lòa, chậm phát triển tâm thần và hành vi…
Một nghiên cứu tiến hành từ năm 1999 đến năm 2008 tại Mỹ, khoảng 11-19% trẻ sơ sinh còn sống sau viêm màng não do não mô cầu phải chịu các di chứng hoại tử da, cắt cụt chi, điếc, suy giảm khả năng học tập, phát triển thần kinh và suy nội tạng (suy thận, tuyến thượng thận, phổi và hệ thống miễn dịch).
Nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết đẩy lùi căn bệnh viêm màng não do não mô cầu, năm 2023, Quỹ nghiên cứu về bệnh viêm màng não, Liên đoàn các tổ chức phòng chống bệnh viêm màng não (CoMO) và Sanofi đã ra mắt lá cờ đẩy lùi bệnh viêm màng não. Đây là biểu tượng đầu tiên trên toàn cầu nhằm nâng cao nhận thức về căn bệnh này với sự đồng hành của ba vận động viên Ellie Challis (Anh), Théo Curin (Pháp) và Davide Morana (Ý), những người từng chịu di chứng sau mắc viêm màng não từ khi 16 tháng, 6 tuổi và 24 tuổi.
Ba vận động viên đồng hành nâng cao nhận thức về bệnh viêm màng não do não mô cầu. Ảnh: SNF
Vi khuẩn não mô cầu lây qua đường hô hấp khi nói chuyện, tiếp xúc gần. Tỷ lệ người khỏe mạnh mang vi khuẩn cao trong cộng đồng khiến dịch bệnh rất khó kiểm soát. Ba nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh là trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi do có hệ miễn dịch non yếu chưa hoàn thiện; thanh thiếu niên thường xuyên giao tiếp xã hội, sống ở môi trường đông đúc; người chưa tiêm vắc-xin.
Các chuyên gia truyền nhiễm cho biết vi khuẩn não mô cầu có 12 nhóm huyết thanh trong đó có 5 nhóm huyết thanh nguy cơ cao gây bệnh là A, B, C, Y, W, chiếm 90% số ca bệnh trên toàn thế giới. Hiện các nhóm nguy cơ cao đã có vắc-xin phòng ngừa. Cần bảo vệ rộng, đủ 5 nhóm huyết thanh gây bệnh A, B, C, Y, W. Phòng ngừa thiếu một hoặc một vài nhóm trong 5 nhóm nói trên cũng có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu.
Tiêm ngừa khi đủ tuổi và tiêm đúng phác đồ là cách bảo vệ trẻ trước viêm màng não do não mô cầu. Nguồn: Parents
Trong đó, vắc-xin cộng hợp tứ giá ACYW hiện đang được sử dụng ở hơn 70 quốc gia trên thế giới với hàng trăm triệu liều được sử dụng. Theo số liệu của CDC Mỹ, từ khi đưa vào sử dụng, vắc-xin cộng hợp tứ giá ACYW phòng viêm màng não do não mô cầu đã giảm đến 90% số ca mắc bệnh ở các nhóm huyết thanh chính gây bệnh C, Y và W.
Ngoài tiêm vắc-xin đầy đủ cho bé, những người gần gũi trẻ như bố mẹ, anh chị em, ông bà, người chăm sóc trẻ cần chủng ngừa vắc-xin não mô cầu để tránh mắc bệnh và là nguồn lây cho bé.
Ngoài trẻ em, những người xung quanh cũng cần tiêm vắc-xin phòng viêm màng não do não mô cầu để hình thành miễn dịch cộng đồng bền vững. Nguồn: Science
Cần kết hợp các biện pháp phòng bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp khác như súc miệng, họng bằng dung dịch sát khuẩn thông thường, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, rửa tay thường xuyên, vệ sinh nhà cửa thông thoáng. Trẻ em tiếp xúc với khói thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu cao hơn nên những người xung quanh cần tránh hút thuốc gần trẻ.
Khi trẻ có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cứng cổ…, cha mẹ cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị. Không sử dụng kháng sinh bừa bãi khi có dấu hiệu bệnh. Uống đủ nước, duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ nhằm nâng cao đề kháng để các bệnh khác không nhân cơ hội hệ miễn dịch suy yếu tấn công.
Người thân, người chăm sóc có thể là "người lành mang trùng" lây bệnh cho trẻ. Nguồn: Healthhub
Ngoài tiêm vắc-xin ngừa viêm màng não do não mô cầu, các chuyên gia lưu ý cha mẹ cần tiêm đầy đủ, đúng lịch các loại vắc-xin phòng bệnh khác cho con, tránh nguy cơ bệnh chồng bệnh hoặc sức khỏe suy yếu, dễ bị vi khuẩn não mô cầu tấn công.