Bệnh tiêu chảy cấp do vi-rút Rota nguy hiểm như thế nào với trẻ nhỏ? Cách phòng ngừa hiệu quả
Đây là vấn đề sức khỏe mà cha mẹ cần đặc biệt quan tâm để bảo đảm sự phát triển khỏe mạnh của trẻ ở giai đoạn đầu đời.
Tại Việt Nam, vi-rút Rota là nguyên nhân gây ra tiêu chảy cấp cho 20% đến hơn 50% trẻ nhỏ trong giai đoạn 2016-2023. Mỗi năm, ước tính hàng trăm nghìn trẻ phải nhập viện và hàng ngàn trẻ phải cấp cứu do vi-rút Rota. Đây là vấn đề sức khỏe mà cha mẹ cần đặc biệt quan tâm để bảo đảm sự phát triển khỏe mạnh của trẻ ở giai đoạn đầu đời.
Mối nguy hiểm đối với sức khỏe của trẻ
Tiêu chảy cấp do vi-rút Rota là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây qua đường tiêu hóa, gây thành dịch và có thể gây tử vong ở trẻ nhỏ. Bệnh bắt đầu với triệu chứng nôn, sốt, có thể kèm đau bụng, tiếp theo là tiêu chảy. Nôn và tiêu chảy thường kéo dài từ 3 đến 7 ngày tùy mức độ nhẹ đến nặng. Sốt và đau bụng kéo dài không quá 2-3 ngày kể từ khi khởi phát bệnh.
Mất nước nghiêm trọng là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh vì có thể gây ra co giật, tổn thương não, thậm chí tử vong. Những dấu hiệu cảnh báo mất nước ở trẻ bao gồm: Chóng mặt và choáng váng: Môi, lưỡi và da khô; tiểu ít, không đi tiểu trong vòng 4-6 giờ ở trẻ nhỏ hoặc 6-8 giờ ở trẻ lớn; kích thích; quấy khóc.

Vắc-xin Rota là phương pháp hiệu quả nhất hiện nay để bảo vệ trẻ khỏi bệnh tiêu chảy cấp do vi-rút Rota
Tiêu chảy kéo dài còn dẫn tới biến chứng chán ăn, bỏ ăn, dần dần suy dinh dưỡng và kiệt sức. Đặc biệt, trẻ có hệ miễn dịch yếu sẽ mắc bệnh nặng hơn hoặc dai dẳng hơn, quá trình hồi phục cũng trở nên chậm chạp hơn.
Bệnh do vi-rút Rota là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng ở trẻ nhỏ tại Mỹ, với phần lớn trẻ em mắc bệnh ít nhất 1 lần trước 5 tháng tuổi. Mỗi năm, hơn 400.000 trẻ phải đến bác sĩ thăm khám vì mắc bệnh do vi-rút Rota, hơn 200.000 trường hợp phải cấp cứu, 55.000 đến 70.000 trẻ phải nhập viện và 20 đến 60 ca tử vong.
Tại Việt Nam, trong giai đoạn 2016-2023, vi-rút Rota là nguyên nhân gây tiêu chảy cấp ở 20% đến hơn 50% trẻ em. Mỗi năm, ước tính hàng trăm nghìn trẻ phải nhập viện và hàng nghìn trẻ phải cấp cứu do virus Rota. Thực trạng này không chỉ tạo áp lực lớn lên hệ thống y tế, gánh nặng tài chính cho các gia đình, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển toàn diện của trẻ, đặc biệt tại các vùng khó khăn chưa có đủ điều kiện tiếp cận vắc-xin dịch vụ.
Vắc-xin Rota - "Lá chắn" bảo vệ sức khỏe cho trẻ trong giai đoạn đầu đời
Hiện chưa có thuốc đặc trị cho bệnh tiêu chảy cấp do vi-rút Rota, phương pháp điều trị được áp dụng chủ yếu là bù nước và điện giải. Do đó, phòng ngừa chủ động bằng cách cho trẻ uống vắc-xin Rota vẫn là phương pháp hiệu quả nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh và nhập viện do tiêu chảy cấp ở trẻ. Vắc xin Rota là vắc xin sống giảm độc lực trong đó vi-rút Rota đã bị làm yếu và không có khả năng gây bệnh nhưng có thể kích thích cơ thể tạo miễn dịch phòng bệnh. Vắc xin dạng uống, có hiệu quả cao trong phòng bệnh ở trẻ nhỏ.
Các nghiên cứu cho thấy, vắc-xin Rota có hiệu quả lên đến 85% - 98% trong việc ngăn ngừa tiêu chảy nặng, 74% - 87% trong việc ngăn ngừa bệnh ở bất kỳ mức độ nào trong năm đầu tiên sau uống vắc-xin, làm giảm 96% số trẻ phải nhập viện vì bệnh tiêu chảy cấp do vi-rút Rota. Trên thế giới, hơn 120 quốc gia đã triển khai rộng rãi vắc-xin Rota cho trẻ nhỏ.
Để phòng bệnh tiêu chảy cấp do vi-rút Rota cho trẻ em Việt Nam, từ cuối năm 2024, Bộ Y tế đã đưa vắc-xin Rota vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng miễn phí tại 32 tỉnh miền núi, khó khăn. Chương trình được mở rộng thêm tại 9 tỉnh vào năm 2025 và sẽ được triển khai trên toàn quốc vào năm 2026.
Đáng chú ý, vắc-xin Rota được sản xuất trong nước, giúp Bộ Y tế chủ động nguồn cung đầy đủ và ổn định cho Chương trình Tiêm chủng quốc gia. Đây là bước tiến quan trọng, góp phần nâng cao tính tự chủ, bền vững và hiệu quả của công tác phòng bệnh cho trẻ em trên cả nước.
Với sự hỗ trợ tài chính từ Gavi và Chính phủ Australia, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc - UNICEF tại Việt Nam đã cung cấp 141.000 liều vắc-xin Rota cho Việt Nam. Hiện nay, UNICEF đang phối hợp cùng Bộ Y tế triển khai chiến dịch truyền thông "Bảo vệ bé từ những bước đầu tiên".

Bà Silvia Danailov - Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết:"Chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, cha mẹ và người chăm sóc trẻ về vai trò quan trọng của vắc-xin Rota trong việc phòng ngừa tiêu chảy cấp do vi-rút Rota gây ra, đặc biệt chú trọng tới nhóm dân cư dễ bị tổn thương và khó tiếp cận".
Tiêu chảy cấp do vi-rút Rota là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe trẻ em. Tuy nhiên, với biện pháp phòng ngừa chủ động là cho trẻ uống vắc-xin Rota, cha mẹ hoàn toàn có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh cho trẻ. Sự đồng hành và hiểu biết của cha mẹ chính là yếu tố quan trọng để giúp trẻ phát triển khỏe mạnh, toàn diện trong những năm tháng đầu đời.
Những lưu ý khi cho trẻ uống vắc-xin Rota
Cha mẹ và người chăm sóc trẻ lưu ý không cho trẻ uống vắc-xin Rota trong các trường hợp trẻ có phản ứng quá mẫn sau khi uống liều vắc xin đầu tiên hoặc quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của vắc xin, trẻ bị dị tật bẩm sinh đường tiêu hóa, tiền sử lồng ruột hoặc đang bị suy giảm miễn dịch nặng. Hoãn uống vắc xin Rota cho các trường hợp trẻ đang bị ốm (sốt trên 38ºC, đang mắc bệnh cấp tính, bệnh nhiễm trùng).
Trước khi uống vắc xin, cha mẹ/người chăm sóc trẻ cần cung cấp thông tin cho cán bộ y tế khám sàng lọc về tình trạng sức khỏe của trẻ, tiền sử bệnh tật, tiền sử tiêm chủng (mang theo sổ/phiếu tiêm chủng nếu có), phản ứng sau tiêm chủng của trẻ ở những lần tiêm chủng trước trước để cán bộ y tế có chỉ định phù hợp cho trẻ. Không cho trẻ bú sữa no quá trước khi uống vắc xin 30 phút để tránh bị nôn/trớ.
Sau khi uống vắc xin, cha mẹ và người chăm sóc cho trẻ ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau tiêm để cán bộ y tế theo dõi phản ứng sau tiêm chủng. Không nên cho trẻ bú sữa sau khi uống vắc xin 30 phút. Tiếp tục theo dõi trẻ tại nhà ít nhất 24 giờ sau uống vắc xin. Nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường như sốt cao (trên 39 độ C), co giật, phát ban, tím tái, khó thở hoặc có các dấu hiệu nghi ngờ lồng ruột sau uống vắc xin trong vòng 7-21 ngày với các dấu hiệu: đau bụng dữ dội (trẻ khóc từng cơn), nôn kéo dài, phân có máu, chướng bụng... cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời xử trí.