Không phải trà xanh, đây mới là thức uống giảm cholesterol, ngừa tia UV "đỉnh cao" lại không lo thuốc trừ sâu: Mùa hè nên uống mỗi ngày 1 ly
Theo báo cáo năm 2024 của Nhóm Công tác Môi trường (EWG) của Mỹ, loại trái cây này không nằm trong danh sách "Dirty Dozen" - 12 loại trái cây và rau củ có dư lượng thuốc trừ sâu cao nhất.
Trong cuộc sống, cholesterol tăng và huyết áp cao trở thành 2 trong 3 mối lo ngại đối với sức khỏe con người. Chúng có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tim mạch và các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, nhồi máu cơ tim hay suy tim.
Đây là lý do vì sao các chuyên gia luôn khuyến khích mọi người kiểm tra sức khỏe định kỳ, ăn uống khoa học, vận động đều đặn và điều chỉnh lối sống để giữ các chỉ số cholesterol, huyết áp ở ngưỡng an toàn.
Trong số các thực phẩm phổ biến hàng ngày, có 1 loại quả chứa nhiều chất chống oxy hóa và được chứng minh là có lợi ích đặc biệt với sức khỏe tim mạch. Đó là: Quả lựu.

Uống một ly nước ép lựu mỗi ngày: Bí quyết giúp "thông tắc" động mạch và tăng cường sức khỏe tim mạch
Ngày càng nhiều nghiên cứu chứng minh rằng nước ép lựu có khả năng cải thiện sức khỏe tim mạch, giảm mảng bám động mạch và hỗ trợ lưu thông máu khỏe mạnh.
Vì sao nước ép lựu lại tốt cho tim mạch?
Lựu được ca ngợi vì lợi ích sức khỏe, chủ yếu là do hàm lượng chất chống oxy hóa cao như tannin, flavonoid và anthocyanin. Các hợp chất này chống lại các gốc tự do và bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại. Cụ thể như: Ngăn ngừa quá trình oxy hóa cholesterol LDL, từ đó giảm nguy cơ hình thành mảng bám động mạch; Tăng cường sản xuất oxit nitric, giúp mạch máu giãn nở và cải thiện lưu lượng máu; Chống viêm toàn thân, đặc biệt hữu ích cho những người mắc bệnh tim mạch hoặc bệnh viêm mạn tính.
Ngoài ra, các chất chống oxy hóa trong lựu có thể hỗ trợ ngăn ngừa và sửa chữa tổn thương DNA, có khả năng làm giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư.

Các nghiên cứu nói gì về lợi ích của nước ép lựu đối với sức khỏe tim mạch?
Các nghiên cứu cho thấy chất chống oxy hóa trong lựu có thể ức chế sự hình thành mảng bám trong động mạch, thậm chí làm giảm các chất lắng đọng hiện có. Thông tin chi tiết này đến từ Michael Aviram, DSc, giáo sư hóa sinh tại Viện Công nghệ Technion-Israel, chia sẻ trên Surrey Live. Nghiên cứu của ông tiết lộ rằng chất chống oxy hóa trong lựu có thể chống lại cholesterol bị oxy hóa góp phần gây tắc nghẽn động mạch một cách hiệu quả. Nghiên cứu bổ sung nhấn mạnh rằng nước ép lựu có thể tăng cường lưu thông máu.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Clinical Nutrition đã cho thấy rằng việc uống nước ép lựu mỗi ngày trong vòng 12 tháng có thể giảm đến 30% độ dày của mảng bám ở động mạch cảnh, trong khi nhóm dùng giả dược lại tăng 9%.
Một đánh giá toàn diện năm 2017 đã phân tích tám thử nghiệm lâm sàng và đi đến kết luận rằng nước ép lựu có thể làm giảm huyết áp, bất kể liều lượng tiêu thụ.

Uống một ly nước ép lựu mỗi ngày: Bảo vệ da khỏi tia UV
Một lợi ích khác của nước ép lựu mà rất ít người ngờ đến là khả năng chống lại tia UV. Nước ép lựu có thể hỗ trợ bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV nhờ vào hàm lượng cao chất chống oxy hóa mạnh mẽ như polyphenol, ellagitannin và anthocyanin.
Những hợp chất này giúp trung hòa các gốc tự do sinh ra khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, từ đó giảm tổn thương tế bào, làm chậm quá trình lão hóa và giảm nguy cơ ung thư da.
Ngoài ra, chiết xuất từ lựu còn được chứng minh có khả năng làm dịu viêm da, tăng tốc độ tái tạo tế bào biểu bì và ức chế các enzym phá hủy collagen - yếu tố then chốt giúp duy trì độ săn chắc, đàn hồi của làn da.
Tuy nhiên, tác dụng bảo vệ của nước ép lựu mang tính hỗ trợ từ bên trong, chứ không thể thay thế hoàn toàn kem chống nắng. Vì vậy, để đạt hiệu quả chống nắng tối ưu, bạn nên kết hợp giữa chế độ dinh dưỡng giàu chất chống oxy hóa và các biện pháp bảo vệ da bên ngoài như thoa kem chống nắng, đội mũ, đeo kính râm khi ra nắng.

Lưu ý khi uống nước ép lựu
Dù mang lại nhiều lợi ích, nước ép lựu không phải là "thần dược". Cần cân nhắc:
Không lạm dụng, vì nước ép lựu chứa lượng đường tự nhiên khá cao, có thể làm tăng lượng calo nạp vào.
Người đang dùng thuốc huyết áp, thuốc loãng máu hoặc statin nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thêm lựu vào khẩu phần, do khả năng tương tác với thuốc.
Ưu tiên nước ép nguyên chất, không thêm đường, để tối đa hóa lợi ích sức khỏe.
Lựu - Loại trái cây không nằm trong danh sách có dư lượng thuốc trừ sâu
Theo báo cáo năm 2024 của Nhóm Công tác Môi trường (EWG) của Mỹ, quả lựu không nằm trong danh sách "Dirty Dozen" - 12 loại trái cây và rau củ có dư lượng thuốc trừ sâu cao nhất. Tuy nhiên, khi tiêu thụ lựu vẫn cần chú ý những điều sau đây để an toàn hơn.
Rửa sạch kỹ: Trước khi ăn, nên rửa lựu dưới vòi nước chảy, chà nhẹ để loại bỏ bụi bẩn và dư lượng thuốc trừ sâu trên vỏ.
Chọn sản phẩm hữu cơ: Nếu có điều kiện, ưu tiên chọn lựu hữu cơ để giảm nguy cơ tiếp xúc với thuốc trừ sâu.
Nguồn gốc rõ ràng: Mua lựu từ các nhà cung cấp uy tín, có thông tin rõ ràng về nguồn gốc và quy trình canh tác.