Bệnh nhân cúm A/H1N1 đầu tiên tử vong đã được hỏa táng

,
Chia sẻ

14h chiều 4/8, bệnh nhân mắc cúm A/H1N1 tử vong đầu tiên ở Việt Nam đã được hoả táng tại nghĩa trang phía Bắc TP Nha Trang.

Kết quả xét nghiệm đã loại trừ “thủ phạm” H5N1, nhưng nguyên nhân chính xác dẫn đến cái chết của bệnh nhân vẫn chưa được làm rõ.
Bệnh nhân T.T.K.L, 29 tuổi, nhiễm cúm A/H1N1 vừa tử vong do suy hô hấp lúc 23h45 ngày 3/8, tại khu cách ly khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa.

Sau khi chị L chết, bệnh viện đã lấy mẫu máu gửi xét nghiệm xem có dương tính với virus H5N1 hay không, để kết luận chính thức nguyên nhân tử vong do H1N1 hay do cả 2 loại virus. Đến đầu giờ chiều nay, thì kết quả cho biết là chị âm tính với chuẩn vius H5N1.
 

Theo lời người nhà, vợ chồng chị L thuê nhà ở riêng tại 42 đường Đồng Phước, phường Phước Long, TP Nha Trang. Chị phụ bán cho một quán phở ở ngã ba Cửa Bé, phường Vĩnh Trường.
 
Tối ngày 29/7, chị lên cơn sốt và sáng ngày 30/7 được đưa vào Bệnh viện Quân y 87 để điều trị. Ngày 31/7, Viện Pasteur Nha Trang kết luận chị dương tính với virus cúm A/H1N1. Ngay sau đó, Quân y viện 87 và Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa đã điều trị bệnh nhân L theo đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế.
 
Tuy nhiên, tình trạng bệnh diễn tiến xấu. 4 giờ sáng ngày 3/8, chị được chuyển viện sang Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa trong tình trạng viêm phổi, suy hô hấp, phải thở máy và đến 23h45 cùng ngày thì tử vong.

Được biết, chị L có 2 con nhỏ, chồng làm thợ hồ, công việc không ổn định, hoàn cảnh của gia đình chị rất khó khăn. Cháu Lê Trần Ngọc H, 9 tuổi, con trai của chị L cũng nhiễm cúm A/H1N1, đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa Khánh Hòa từ 1/8.
 

Mặc dù không được đưa thi thể chị L về nhà nhưng gia đình chị vẫn tổ chức lễ tang tại nhà (Ảnh: Trịnh Anh)  


Theo BS Lê Tấn Phùng, Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế Khánh Hòa) thì tình trạng hiện nay của cháu H rất khỏe. Còn anh Lê Minh T (chồng chị Loan) và cháu Lê Trần Khánh N (4 tuổi, con chị Loan) hiện sức khoẻ vẫn bình thường, không có triệu chứng gì.
 
Ngay trong chiều nay, tại Bệnh viên Đa khoa tỉnh Khánh Hoà, Hội đồng chuyên môn của ngành y tế tỉnh Khánh Hoà sẽ có cuộc họp với Bệnh viện Quân y 87, Trung tâm y tế dự phòng để phân tích yếu tố dịch tễ, phân tích nguyên nhân tử vong của bệnh nhân L. “Còn bệnh nhân L tử vong vì nguyên nhân gì thì chưa xác định được nhưng có một điều là bệnh nhân tử vong xét nghiệm có dương tính cúm A/H1N1”, BS Lê Tấn Phùng cho biết.
 
“Nếu kết quả khẳng định do cúm A/H1N1 cũng không bất thường” 

 
Quanh cái chết của bệnh nhân T.T.K.L, có nhiều giả thiết đặt ra như: Bệnh nhân này có bệnh lý gì khác không? Có đến viện khi tình trạng bệnh đã quá nặng?… Vì thế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã chỉ đạo các cơ quan liên quan phải tìm hiểu rõ nguyên nhân ca tử vong này.
 

Theo Bộ Y tế, người dân cũng không nên quá kỳ thị với bệnh nhân cúm A/H1N1 tại khu vực mình sinh sống, vì việc sát trùng, cách ly đảm bảo tốt việc phòng nguy cơ lây nhiễm. (Ảnh: Hồng Hải) 


Theo ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế), trong trường hợp nếu xác định đúng bệnh nhân này tử vong do nhiễm cúm A/H1N1, thì cũng không có gì là bất thường. Vì tỷ lệ tử vong do cúm A/H1N1 chung trên thế giới là 0,2-0,5%, thậm chí có nơi đến 1%. Như vậy, cứ trung bình cứ 500 người nhiễm cúm sẽ có 1 người tử vong.
 
“Khi dịch bắt đầu vào Việt Nam, chúng tôi cũng đã dự báo, trong trường hợp dịch lan ra cộng đồng, thì sẽ có những người có nguy cơ cao bệnh diễn tiến nặng, thậm chí tử vong. Đó là những đối tượng như phụ nữ có thai, những người bị bệnh mãn tính, đặc biệt bệnh hen, đái tháo đường, suy dinh dưỡng, người có bệnh lý bất thường như béo phì… Vì thế, nếu kết quả điều tra khẳng định ca bệnh ở Khánh Hòa tử vong do cúm A/H1N1 thì cũng không có gì bất thường”, ông Nga khẳng định.
 
Ông Nga cho biết thêm, ở các nước, nhiều ca tử vong được xác định liên quan đến tiền sử mắc bệnh nào đó, hoặc đến viện quá muộn, sau 5-6 ngày có biểu hiện cúm.
 
Còn tại Việt Nam, kể từ khi có ca nhiễm cúm A/H1N1 đến nay, hầu hết ca bệnh biểu hiện rất nhẹ, chưa có trường hợp nào bị suy hô hấp nặng tới mức phải thở máy, chỉ duy nhất trường hợp này bị tử vong nhưng chưa khẳng định được liệu phải do cúm A/H1N1 hay không. Trong khi đó, tại một nước châu Á như Singapore, hiện đã 6 người chết vì cúm A/H1N1 và 10 người đang ở tình trạng nặng, phải thở máy.
 
“Vì thế, người dân cũng không nên quá hoang mang trước thông tin này. Không riêng gì Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế các nước, Bộ Y tế Việt Nam cũng nhiều lần khẳng định, cúm A/H1N1 biểu hiện bệnh không nặng nề, không nguy hiểm nếu được phát hiện, điều trị sớm. Tỷ lệ tử vong do virus cúm A/H1N1 cũng chỉ tương đương với tỷ lệ tử vong do cúm mùa đang lưu hành. Virus cúm A/H1N1 đến nay vẫn chưa phát hiện sự biến thể về độc lực nào mà vẫn ổn định kháng nguyên”, ông Nga nói. 
Theo VTCNews
Chia sẻ