Bệnh lây truyền từ mẹ sang con trong thai kỳ

,
Chia sẻ

Trong quá trình mang thai, nếu phụ nữ mắc HIV, viêm gan B, mụn rộp herpes, nấm âm đạo, bệnh chlamydia gây viêm mắt, phổi, ống tai... sẽ có khả năng cao lây truyền cho thai nhi.

HIV

Sự lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể xảy ra trong suốt thời kỳ mang thai qua bánh rau. Các nhà chuyên môn còn gọi đây là kiểu “lây truyền dọc”.  Mặc dù bánh rau là hàng rào bảo vệ bé trước sự xâm nhập của những độc tố, virut có hại nhưng sự lây nhiễm lại có thể dễ dàng xảy ra khi bánh rau có vấn đề như bị nhiễm khuẩn, bị tổn thương vách ngăn bảo vệ thai nhi hoặc bề dày của bánh rau mỏng đi vào nửa sau thai kỳ khiến các vi rút HIV tự do nằm trong các tế bào dễ dàng di chuyển qua bánh rau vào thai nhi. Người mẹ nhiễm HIV giai đoạn muộn mới mang thai thì nguy cơ lây nhiễm sang con càng cao hơn.

Viêm gan B

Viêm gan B có thể lây nhiễm từ mẹ sang con trong quá trình mang thai. 85-90% trẻ nhỏ bị nhiễm virut viêm gan B từ mẹ sẽ mang virut mạn tính dẫn đến xơ gan hoặc ung thư gan, nếu không được tiêm chủng phòng bệnh ngay sau khi đẻ.

Cách tốt nhất để phòng ngừa viêm gan B cho trẻ sinh ra từ những bà mẹ nhiễm virut viêm gan B là tiêm phòng vaccin mũi đầu tiên 24 giờ sau sinh, 2 tháng tuổi tiêm mũi 2 và 4 tháng tuổi tiêm mũi 3.

Herpes sinh dục

Nhiễm trùng do virut herpes là một trong những vấn đề và bệnh nghiêm trọng có thể xảy ra đối với phụ nữ trong khi mang thai và sinh nở, có thể lây truyền qua đường tình dục và lây từ mẹ sang con.

Bà bầu mắc herpes sinh dục trong 3 tháng đầu thai kỳ, tỉ lệ lây truyền sang con là 1%. Mắc herpes sinh dục trong những tháng cuối thai kỳ, nguy cơ lây truyền cho trẻ là 30-40%.

Bệnh herpes sinh dục từ mẹ có thể gây biến chứng nặng cho trẻ sơ sinh như viêm màng não, viêm phổi, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, gây mù, điếc, động kinh,... thậm chí có thể gây tử vong cho trẻ.

Bởi vậy, thai phụ mắc herpes sinh dục được khuyên nên sinh mổ để tránh cho trẻ bị lây bệnh trực tiếp qua đường tiếp xúc khi đẻ thường.
 
Sùi mào gà
 
Bệnh được xếp vào nhóm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, do Human Papilloma Virut (HPV) gây nên. Bệnh có thể lây truyền từ mẹ sang con trong lúc sinh, biểu hiện hay gặp ở niêm mạc ngoài cơ quan sinh dục như mắt, mũi, miệng của trẻ. Thậm chí virut này có thể từ đường sinh dục của mẹ xâm nhập vào đường hô hấp của trẻ sơ sinh, gây tử vong. Bởi vậy, phụ nữ mang thai mắc sùi mào gà cần được điều trị tích cực trước sinh để loại trừ tối đa nguy cơ lây sang con.

Nấm ở cơ quan sinh dục

Nấm âm đạo có tên là Candida Albicans, chúng là một phần của hệ vi sinh vật bình thường trong miệng, ruột và âm đạo. Phụ nữ mang thai rất dễ nhiễm nấm âm đạo do sức đề kháng của cơ thể giảm. Trẻ có thể nhiễm nấm từ mẹ trong khi khi bé “chào đời” qua cổ tử cung khiến trẻ bị nhiễm nấm phát triển ở ở lưỡi và mặt trong má, thành từng đám trắng còn gọi là bệnh tưa lưỡi ở trẻ mới sinh. Tuy nhiên, bệnh tưa lưỡi ở trẻ không quá nguy hiểm và có thể điều trị.

Bệnh do chlamydia

Chlamydia là một căn bệnh do vi khuẩn chlamydia trachomatis gây ra, lây lan qua đường sinh hoạt tình dục. Bệnh do chlamydia có thể gặp ở mắt, phổi, cơ quan tiết niệu, sinh dục. Phụ nữ nhiễm chlamydia có khả năng cao bị nhiễm khuẩn dịch ối, nước tiểu dẫn đến nguy cơ sinh non hoặc có thể sảy thai. Nếu sinh đẻ thường, bệnh chlamydia sẽ lây sang trẻ. Trẻ bị nhiễm chlamydia sẽ bị viêm kết mạc làm cho mắt bị đỏ sưng, đầy mủ vàng; viêm phổi; viêm ống tai cần được điều trị bằng kháng sinh kịp thời. Bệnh thường phát ở trẻ sau sinh 3 ngày, trung bình sau 5-14 ngày.

Q.Minh
(Tổng hợp)
Chia sẻ