Bệnh dại và các biện pháp phòng ngừa
Bệnh dại là bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm virus dại.
Tại tỉnh Hà Giang, trong 8 tháng đầu năm 2022, đã có 1.309 ca nghi chó dại cắn, trong đó tiêm phòng vaccine 1.206 trường hợp, tiêm huyết thanh kháng dại 103 trường hợp. Có 2 trường hợp tử vong do dại ở huyện Vị Xuyên và Bắc Mê. Các trường hợp trên đều không đến các cơ sở y tế để tiêm phòng dại.
Mùa hè, thời tiết nắng nóng cũng chính là mùa bùng phát dịch bệnh dại mạnh nhất. Bệnh dại lây từ nước bọt của động vật nuôi như chó, mèo bị dại lây qua vết cắn, liếm hoặc tiếp xúc với nước bọt của chó, mèo qua các vết thương hở. Ngoài ra, virus dại cũng được phát hiện ở mèo, chồn, dơi và các động vật có vú khác.
Thời gian ủ bệnh ở người thường từ 2 - 8 tuần và có thể kéo dài đến trên 1 năm, thời gian này phụ thuộc vào lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách từ vết thương đến hệ thần kinh trung ương… Vết thương càng ở gần hệ thần kinh trung ương như mặt, cổ, đầu, ngón tay, cơ quan sinh dục ngoài… thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Tất cả các bệnh nhân lên cơn dại đều bị tử vong.
Bệnh dại khi phát sẽ có 2 thể chính bao gồm thể viêm não và thể liệt:
- Thể viêm não: Đầu tiên, người bệnh biểu hiện sốt, nhức đầu hoặc kiệt sức, kèm theo chán ăn, mất ngủ, bồn chồn, đồng thời xuất hiện triệu chứng sợ nước, sợ gió. Ở giai đoạn tiến triển, bệnh nhân tăng tiết nước bọt nên không thể nhai, nuốt và thường xuyên khạc nhổ. Sau đó, đồng tử bệnh nhân sẽ bị giãn nên mắt nhìn sáng long lanh, co thắt cơ hầu họng... và sẽ tử vong nhanh chóng.
- Thể liệt: Xuất hiện liệt từ tay, chân đến các cơ, rối loạn tiểu tiện, đại tiện. Ngay khi liệt lan đến cơ hô hấp thì bệnh nhân sẽ tử vong. Bệnh thường kéo dài từ 2 - 6 ngày.
Tuy nhiên, có một số trường hợp, người bị chó, mèo cắn vì quá lo sợ nên đã ám ảnh mình bị dại và sinh ra nhiều biểu hiện, hành động và âm thanh khác thường. Đó là những trường hợp được cho là giả dại. Trên thực tế, người bị dại sẽ hoàn toàn tỉnh táo cho đến lúc chết chứ không hề điên dại.
Để làm giảm đến mức tối thiểu lượng virus dại tại nơi xâm nhập, ngay khi bị chó, mèo dại, nghi dại cắn, liếm hoặc tiếp xúc với chúng, cần nhanh chóng rửa ngay thật kỹ vết thương bằng nước xà phòng đặc, nước muối hòa đặc, dội nước sạch nhiều lần, bôi chất sát khuẩn như cồn, cồn iốt đậm đặc. Khi rửa vết thương tuyệt đối không được làm dập vết thương và nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được kiểm tra và tiêm vaccine phòng dại. Những người bị con vật cắn nhưng đến tiêm muộn, việc tiêm huyết thanh kháng dại không còn tác dụng.
Hiện nay, trên thế giới chưa có thuốc điều trị bệnh dại đặc hiệu, tuy nhiên, hoàn toàn có thể phòng tránh được. Để chủ động phòng, chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Cách phòng bệnh tốt nhất là phải tiêm phòng cho 100% chó, mèo nuôi đầy đủ và nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.
2. Nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.
3. Diệt chó chạy rông, chó vô chủ.
4. Không nên đùa nghịch, chọc phá các con vật nuôi.
5. Đến ngay cơ sở y tế để được tiêm vaccine phòng dại khi bị súc vật cắn.
Khi tiêm vaccine phòng bệnh dại cần phải tiêm đủ liều theo chỉ định của nhân viên y tế, tiêm đúng liều lượng, đúng kỹ thuật. Trong thời gian tiêm, không được uống rượu, không dùng các chất kích thích, không sử dụng các thuốc kháng viêm thuốc làm giảm miễn dịch trong khi tiêm và 6 tháng sau khi tiêm vaccine phòng bệnh dại.