Bệnh cúm ăn gì, kiêng gì để nhanh khỏi?

Võ Hồng Thu,
Chia sẻ

Chọn hoặc ‘né’ đúng thực phẩm trong khi bị cúm sẽ giúp cơ thể nhanh chóng lành bệnh, tăng tốc độ hồi phục, chuyên gia dinh dưỡng, TS.BS. Trương Hồng Sơn (Viện Y học ứng dụng Việt Nam) cho biết.

Cúm là một bệnh truyền nhiễm đường hô hấp cấp tính, với những triệu chứng toàn thân như: sốt, đau đầu, đau cơ, yếu mệt.

Một trong những biến chứng nặng phổ biến của bệnh là virus cúm tấn công phổi và có thể gây tử vong. Vì thế, việc lựa chọn thực phẩm phù hợp có ý nghĩa không nhỏ, bởi chúng có thể đẩy nhanh quá trình chữa lành bệnh, giảm các triệu chứng, giúp tăng khả năng phục hồi sau cúm.

Súp gà, món ăn quý cho người bị cúm

Súp hay cháo gà hoặc canh gà nấu gừng là những món bạn cần nghĩ đến đầu tiên để ăn khi bị mắc cúm. Thịt gà dễ tiêu hóa, hấp thu phù hợp với hệ tiêu hóa đang ‘mong manh’ của người bị cúm. Vitamin A, E, C, B1, B2, PP và các chất khoáng có nhiều trong thịt gà, có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch.

Bệnh cúm ăn gì, kiêng gì để nhanh khỏi? - Ảnh 1.

Súp gà, món ăn quý cho người bị cúm

Cũng có thể đổi bữa cho bệnh nhân cúm bằng các món cháo/súp thịt bò. Cháo/súp thịt bò nấu cùng cà rốt, tía tô là những món ăn không chỉ ngon miệng mà còn rất tốt cho sức khỏe. Thịt bò cũng là nguồn dồi dào cung cấp protein, sắt, magie, selen, vitamin B6, B12, kẽm…

5 loại nước người bị cúm nên uống

Cơ thể người bị cúm cần được bổ sung đầy đủ nước. Điều này có tác dụng giúp làm loãng chất nhầy và giảm tắc nghẽn đường hô hấp, bổ sung chất điện giải đã mất.

Nước lọc: Liên tục uống nước lọc ấm, từng ngụm nhỏ trong suốt cả ngày là việc đơn giản, hiệu quả mà bệnh nhân cúm nào cũng dễ dàng làm được.

Nước gừng tươi hoặc trà gừng: Lợi ích chống viêm của gừng đã được chứng minh, do một hợp chất được gọi là gingerol có thể làm giảm đau cơ và đau đầu. Bạn thái lát mỏng gừng tươi và đun với nước, uống khi còn ấm nóng. Lưu ý, thận trọng với người mắc bệnh dạ dày vì có thể gây kích ứng.

Nước chanh ấm: ‘Dung dịch’ này sẽ giữ cho cơ thể vừa đủ nước vừa có thể làm loãng chất nhầy để giúp bớt tắc nghẽn đường hô hấp hơn. Đồng thời chanh giàu vitamin C giúp cơ thể tăng cường đề kháng.

Nước dừa: Nước dừa giàu dưỡng chất như chất điện giải, kali và glucose, bổ sung năng lượng cho cơ thể. Có thể giảm sốt hiệu quả.

Bên cạnh đó, bệnh nhân cúm nên xông bằng các loại lá như húng chanh, gừng, sả… cũng có tác dụng giảm các triệu chứng khó chịu của bệnh. Và luôn nhớ nguyên tắc thường xuyên rửa tay với xà phòng bằng nước sạch cũng như vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

Cúm có thể diễn biến nặng hơn như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não...

Hạn chế uống sữa khi đang bị virus cúm tấn công

Khi bị cúm, bạn cần tránh những thực phẩm có thể góp phần thêm vào việc tắc nghẽn đường hô hấp, khiến bệnh nặng thêm hoặc bị biến chứng.

Tiêu thụ sữa và các sản phẩm có sữa khi bị tăng tiết chất nhầy đường hô hấp có thể dẫn đến cảm giác đờm đặc hơn và khó thoát ra ngoài. Vì vậy, bạn cần tạm tránh các sản phẩm sữa, kem và pho mát khi đang là một bệnh nhân cúm.

Bệnh cúm ăn gì, kiêng gì để nhanh khỏi? - Ảnh 4.

Hạn chế sữa và bánh quy giòn khi đang là bệnh nhân cúm.

Bánh quy giòn, khoai tây chiên và các loại thực phẩm có thể làm trầy xước cổ họng đang tổn thương của bạn và gây ho nhiều. Vì thế, chúng cũng nằm trong danh sách cần hạn chế với người đang mang virus cúm.

Những thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối, làm cơ thể mất nước và có thể làm tăng nặng tình trạng viêm. Tương tự như vậy, rượu bia và các đồ uống có cồn cũng khiến cơ thể mất nước, người bệnh cúm cần hạn chế tối đa.

Khi nào người bệnh cúm cần nhập viện?

- Bệnh nhân là trẻ sơ sinh hoặc từ 65 tuổi trở lên, hoặc người suy giảm miễn dịch.

- Nhiệt độ cơ thể vẫn cao sau 2-3 ngày sử dụng các thuốc hạ sốt nhưng không hiệu quả.

- Các triệu chứng xấu đi hoặc nghiêm trọng: vùng họng bị đau rát nhiều, ho kéo dài, khó thở, thở nhanh, người mệt mỏi, khó thở, đau ngực...

Chia sẻ