Bên trong "khách sạn sinh nở" mang giấc mơ quốc tịch Mỹ của các bà mẹ Trung Quốc và những nỗi niềm không phải ai cũng hiểu
Nhiều bà bầu Trung Quốc sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để được sinh đẻ tại Mỹ, giúp con họ có hộ chiếu đáng mơ ước, được hưởng những phúc lợi chưa từng có.
Mặc bộ đồ ngủ màu hồng và đi đôi dép nhựa màu xám, cô Jenny Qin nằm thư giãn trên một chiếc ghế dàì và xem những đoạn clip ngắn qua chiếc máy iPhone của cô. Qin đang sinh sống tại một khu nhà rộng rãi ở California, Mỹ, là nơi dành cho các khách du lịch Trung Quốc chờ ngày sinh đẻ, để con mình được mang quốc tịch Mỹ.
Qin cho hay đây là lần thứ 3 cô sinh con ở Mỹ. Du lịch sinh con là hiện tượng phổ biến ở Trung Quốc, thu hút hàng trăm bà mẹ có điều kiện kinh tế thông qua con đường du lịch để sang Mỹ sinh con. Đến Mỹ để sinh con vốn là điều hợp pháp với điều kiện thai phụ không khai báo gian dối và có thể chi trả các chi phí y tế khi xin visa.
Các bà mẹ Trung Quốc đã đổ xô sang Mỹ trong khoảng một thập kỷ gần đây. Họ muốn con cái mình được hưởng nền giáo dục đẳng cấp thế giới cùng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tiên tiến bậc nhất. Theo Viện nghiên cứu công nghiệp Qianzhan, số lượng khách du lịch Trung Quốc tới Mỹ sinh đẻ là 80.000 người vào năm 2016, gấp 16 lần so với năm 2008, năm đầu tiên mà người dân Trung Quốc có thể xin visa du lịch Mỹ cho việc sinh con.
Qin tiết lộ rằng cô có một cậu con trai 7 tuổi và một bé gái 4 tuổi, cả hai đều được sinh ra ở California. Cô nói rằng lý do quan trọng nhất để sinh con ở Mỹ là gia đình cô có thêm sự lựa chọn.
"Theo quan điểm cá nhân, tôi thích nền giáo dục hiện đại của Mỹ hơn là giáo dục theo định hướng thi cử ở Trung Quốc. Tôi hy vọng các con mình có thể lớn lên trong một môi trường ít áp lực hơn", cô Qin nói.
Ngay từ năm đầu tiên, học sinh trung học Trung Quốc phải đối mặt với áp lực căng thẳng để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia (thường được gọi là Gaokao). Điều này sẽ quyết định việc học sinh có thể được nhận vào các trường đại học ưu tú hay không.
Cô Qin dự định sẽ gửi các con đến trường trung học ở Mỹ. Tuy nhiên, điều đó còn phụ thuộc vào quyết định của những đứa trẻ. "Nếu chúng không muốn học ở Mỹ, điều đó cũng tốt thôi. Chúng cũng có thể hưởng được nhiều lợi ích khi có quốc tịch Mỹ ngay cả khi các con tôi ở lại Trung Quốc", cô Qin nói thêm.
Qin cho hay, khi có hộ chiếu Mỹ, các con của cô có thể dễ dàng được nhận vào các trường đại học hàng đầu của Trung Quốc. Tại quốc gia này, sinh viên có hộ chiếu nước ngoài không cần thi tuyển đầu vào. Thay vào đó, họ được nhận vào học bằng cách đáp ứng được trình độ tiếng phổ thông và vượt qua một cuộc phỏng vấn với hội đồng tuyển sinh.
Qin cũng muốn tận dụng việc được hưởng lợi từ dịch vụ chăm sóc y tế tiên tiến ở Mỹ. Tại các bệnh viện ở Mỹ, phụ nữ sau khi sinh con được ở trong một căn phòng riêng biệt nhưng ở Trung Quốc, có đến hai hoặc ba người phụ nữ chen chúc nhau trong phòng. Các bác sĩ sản khoa tại đây cũng không có nhiều thời gian để nói chuyện, tư vấn về những vấn đề liên quan đến thể chất hoặc tinh thần của các bà mẹ.
Mỗi lần bay đến Mỹ sinh con, Qin đều ở lại 3 tháng trong một khu vực sang trọng ở Rancho Cucamonga hay còn được biết đến với cái tên là "khách sạn sinh nở" rất phổ biến ở Mỹ, nơi phụ nữ Trung Quốc nghỉ ngơi, chờ đợi ngày lâm bồn. Qin dành 2 tháng ở Mỹ để chuẩn bị cho việc sinh nở và 1 tháng phục hồi sau sinh. Tổng chi phí cho chuyến đi mất khoảng 27.800 USD (hơn 640 triệu đồng), số tiền mà cô Qin cho là chấp nhận được.
"Tôi rất hài lòng với khách sạn thai sản trong 2 lần sinh đẻ ở đây. Tôi vẫn tiếp tục lựa chọn nơi đây để sinh con thứ 3 của mình", cô Qin chia sẻ.
Các khách sạn thai sản ở Nam California đã tồn tại khoảng ba thập kỷ. Khi mới mở, phụ nữ Đài Loan đã sinh con với sự giúp đỡ của người thân hoặc bạn bè sống ở Mỹ để con cái họ tránh khỏi nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Khi nhiều bà mẹ Đài Loan đổ xô đến đây, những người kinh doanh Mỹ nhanh chóng phát hiện đây là cách có thể sinh lời gấp nhiều lần.
Các khách sạn thai sản cung cấp các dịch vụ toàn diện mọc lên như nấm ở Thung lũng San Gabriel, San Bernardino và Irvine, California. Glen Qu là chủ sở hữu khách sạn nơi cô Qin đang ở. Người đàn ông này mở nó vào năm 2014 ngay sau khi vợ anh sinh con ở Mỹ.
"Tôi cảm thấy mình có thể kiếm được nhiều tiền từ dịch vụ này", anh Qu cho biết.
Qu cung cấp 4 loại phòng với mức giá dao động từ 20.880 USD - 27.880 USD (484 - 647 triệu đồng), tùy theo điều kiện của các khách hàng. Nếu khách mang theo cả người nhà đi thì họ phải bỏ thêm 35 USD (hơn 800 nghìn đồng) mỗi ngày đối với một người lớn và 25 USD (gần 600 nghìn đồng) mỗi ngày với trẻ em từ 2 - 9 tuổi.
Các dịch vụ khách sạn dành cho bà bầu bắt đầu tại Sân bay Quốc tế Los Angeles. Qu đón khách của mình và đưa họ đến phòng mà khách hàng đã đặt sẵn. Mỗi ngày, hai đầu bếp tại đây sẽ cung cấp 3 bữa ăn mỗi ngày gồm bốn món và một món súp đi kèm cũng như bao gồm cả trái cây theo mùa. Qu cũng chở khách hàng đi mua sắm và ăn tối bên ngoài hai lần một tuần. Người đàn ông cũng giúp khách hàng tìm bác sĩ sản khoa cho họ, đưa đón họ đến các cuộc hẹn chăm sóc trước khi sinh cũng như chở họ đến bệnh viện để sinh con.
Ngoài ra, anh Qu cũng cung cấp cho các khách hàng một danh sách báo giá sinh nở tại các bệnh việc khác nhau. "Sau khi họ chọn được bệnh viện, tôi sẽ liên lạc với bác sĩ sản khoa cho họ", Qu nói.
Ở Trung Quốc, các bà mẹ mới được khuyên nên nghỉ ngơi trong nhà 1 tháng sau khi sinh. Món gà hầm nhân sâm truyền thống hay sườn heo hầm cùng rau củ, hoặc gan heo và dầu mè là những món ăn truyền thống dành cho các bà mẹ mới sinh con. Họ không được phép làm việc nhà hoặc chạm vào nước lạnh. Tại các khách sạn mà có quản lý là người đại lục hoặc Đài Loan, cũng tuân thủ nguyên tắc chăm sóc này đối với các khách hàng của mình.
"Đầu bếp phục vụ tôi là người Đài Loan. Cô ấy nấu 5 bữa kèm theo món hầm bổ dưỡng mỗi ngày. Tôi không phải làm bất cứ việc nặng nhọc nào, vì vậy tôi đã hồi phục rất nhanh", cô Qin nói.
Ngoài ra, tại khách sạn mà Qin lựa chọn đã gây ấn tượng với cô khi họ sẽ tặng quà các em bé sau khi chào đời. Cô Qin cho hay, đứa con đầu tiên của cô đã nhận được sữa bột, tã trẻ em và quần áo cotton. Người con thứ hai của cô nhận được món quà là chiếc nôi điện cũng như tã lót cho trẻ. Cô Qin khen chủ khách sạn là một người chu đáo và tốt bụng.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có lựa chọn như cô Qin. Cô Lee, 32 tuổi mới sinh con ở Mỹ đã tự sắp xếp chuyến đi sinh nở của mình thay vì chọn một nơi ở dành riêng cho bà bầu. "Sống trong một khách sạn chờ ngày sinh nở là một sự lãng phí tiền bạc", cô Lee nói.
Người phụ nữ này thường đến Mỹ, thay mặt một tổ chức giáo dục quốc tế ở Trung Quốc, nơi cô làm việc để bàn chuyện làm ăn. Với kinh nghiệm làm việc ở Mỹ đã tạo điều kiện giúp cô dễ dàng cho việc chuẩn bị và sinh con ở đây. Lee tự mình hoàn thành đơn xin thị thực và phỏng vấn, thuê một căn hộ, chọn một bệnh viện và tự mình chọn một bác sĩ sản khoa.
Thông qua WeChat, một ứng dụng nổi tiếng của Trung Quốc, Lee đã tìm thấy những bà mẹ có kinh nghiệm đã từng đến Mỹ để du lịch sinh nở. Dựa trên kinh nghiệm sinh nở tại các bệnh viện ở Nam California, Lee đã chọn Bệnh viện Queen of the Valley ở West Covina, California.
"Đầu tiên tôi lựa chọn nó vì bệnh viện nằm gần căn hộ nơi tôi đang thuê. Và giá cả chấp nhận được đối với tôi", cô Lee nói.
Mẹ Lee cũng đi theo con gái để giúp cô nấu nướng, chăm sóc em bé sau khi sinh. Lee đã trở lại Trung Quốc 1 tháng sau khi sinh. Cô sống cùng chồng và hai con tại Kim Hoa, một thành phố phía Nam gần Thượng Hải. Chồng cô điều hành một doanh nghiệp tài chính nhỏ.
Cả Qin và Lee không chắc chắn về cuộc sống tương lai của họ với những đứa con mang quốc tịch Mỹ. Cả hai đều nói rằng họ muốn gửi con đến các trường trung học ở Mỹ và họ sẽ không di cư đến đây.
"Nếu con tôi quyết định ở lại Mỹ trong tương lai, chồng tôi và tôi sẽ ở với các con một thời gian nhưng không định cư ở Mỹ. Chồng tôi không thể quen với cuộc sống ở Mỹ. Anh ấy nghĩ nó thật buồn chán vì không có bạn bè thân thiết ở đó", Lee cho hay.
Qin là một nhà thiết kế đồ họa ở Thượng Hải và chồng cô làm việc liên quan đến chính trị. Cô cũng cho hay vợ chồng cô sẽ không từ bỏ sự nghiệp và định cư ở Mỹ. Vợ chồng cô cũng muốn hiếu thảo, chăm sóc cha mẹ già, không thể để họ ở lại một mình.
Nguồn: Medium