Bên trong căn phòng yên tĩnh đến mức khiến người ta phát điên
Có người nói im lặng là vàng. Tuy nhiên, điều này chắc chắn không đúng nếu chúng ta ở trong căn phòng yên tĩnh nhất thế giới, nơi chưa ai chịu được quá 1 giờ.
Theo báo The Jerusalem Post ngày 19-12, vào năm 2015, Microsoft đã xây dựng một căn phòng hiện được Sách kỷ lục Guinness ghi nhận là nơi yên tĩnh nhất trên trái đất. Được mệnh danh là buồng không dội âm, căn phòng này tọa lạc tại trụ sở chính của Microsoft ở TP Redmond – Mỹ.
Rất ít người có thể sống sót trong căn phòng này trong một quãng thời gian dài - nhiều nhất là 1 giờ. Sau vài phút, chúng ta sẽ bắt đầu nghe thấy nhịp tim của mình. Vài phút sau, chúng ta có thể nghe thấy tiếng xương kêu răng rắc và máu chảy khắp cơ thể.
Mục đích của buồng cách âm không phải là để chúng ta không nghe thấy gì, mà là để loại bỏ mọi tiếng ồn bên ngoài, qua đó cho phép chúng ta nghe thấy âm thanh vô tận từ cơ thể mình.
Những môi trường thường được cho là đặc biệt yên tĩnh vẫn ồn hơn ngưỡng nghe của con người, khoảng 0 decibel. Ví dụ, tiếng ồn trong một thư viện yên tĩnh có thể đạt khoảng 40 decibel.
Căn phòng hiện được Sách kỷ lục Guinness ghi nhận là nơi yên tĩnh nhất thế giới. Ảnh cắt từ clip
Với việc không có bất kỳ âm thanh nào từ thế giới bên ngoài xen vào, sự im lặng tuyệt đối sẽ dần dần biến thành tiếng ù ù bên tai khiến chúng ta không thể chịu nổi. Điều này có thể làm chúng ta mất thăng bằng do không có âm vang trong phòng. Cuối cùng, chúng ta sẽ mất dần nhận thức về không gian.
"Khi quay đầu, bạn thậm chí có thể nghe thấy âm thanh phát ra từ chuyển động này. Bạn có thể nghe thấy tiếng thở của mình và nó phát ra âm thanh khá lớn" – chuyên gia Hondaraj Gopal, nhà thiết kế chính của dự án tại Microsoft, cho biết.
Phải mất 2 năm để Microsoft thiết kế căn phòng nêu trên. Căn phòng bao gồm 6 lớp bê tông, thép và nằm hơi tách biệt với các tòa nhà xung quanh. Bên dưới căn phòng là một dãy lò xo giảm xóc. Bên trong, các nêm sợi thủy tinh được lắp đặt trên sàn, trần và tường để phá sóng âm trước khi chúng có cơ hội len lỏi vào phòng.
Chưa ai chịu được quá 1 giờ bên trong căn phòng này. Ảnh: Wikimedia