Bé trai lọt xuống trụ bê tông sâu 35m: Khó khăn khi đào đất sét cứng
Lực lượng cứu hộ bé trai 10 tuổi lọt xuống trụ bê tông xác định khó khăn vẫn là công tác đào đất sét cứng và cắt cọc trong điều kiện chật hẹp.
Sáng 13/1, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Tháp cập nhật tiến độ cứu hộ, cứu nạn bé trai 10 tuổi lọt xuống trụ bê tông sâu 35m.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Tháp, lực lượng cứu hộ đã hoàn chỉnh tầng khung chống 5 và đào sâu hơn tầng 5 khoảng 1,5m.
“Lực lượng cứu hộ tiếp tục đào đất bằng gầu cạp kết hợp gầu ngoạm đối với vị trí không bị vướng 3 đầu cọc bê tông bên ngoài ống vách, sử dụng 2 vòi xói cắt phá đất tại các khu vực chật hẹp mà gầu cạp, gầu ngoạm không thao tác được” , Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Tháp thông tin.
Lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực cứu hộ, cứu nạn.
Cũng theo Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Tháp, lực lượng cứu hộ xác định khó khăn vẫn là công tác đào đất sét cứng và cắt cọc trong điều kiện khó khăn, chật hẹp.
Như VTC News đưa tin , 11h30 ngày 31/12, bé Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) cùng các bạn trong xóm vào công trình cầu Rọc Sen (tỉnh lộ 857, xã Phú Lợi) để nhặt sắt.
Lúc đi qua công trình đang thi công, bé Nam lọt xuống trụ bê tông (đường kính 25cm, rỗng bên trong, đã đóng xuống đất sâu khoảng 35m). Phát hiện sự việc, các em đi cùng hô hoán để người lớn ứng cứu nhưng bất thành.
Khoảng 30 phút sau khi xảy ra vụ việc, lực lượng cứu hộ có mặt, triển khai nhiều phương án để cứu bé trai. Sau đó, chính quyền tỉnh Đồng Tháp đã huy động hàng trăm người tham gia cứu hộ, cứu nạn.
Sau nhiều ngày cứu nạn bất thành, tối 4/1, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp nhận định bé Thái Lý Hạo Nam đã tử vong.
Sau đó, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức cuộc họp với sự tham gia của các đơn vị bộ, sở, ngành địa phương, các chuyên gia và thành lập tổ điều hành cứu nạn, cứu hộ công trình.
Nhiều thiết bị phục vụ cứu nạn cũng được bổ sung đến hiện trường như gầu cạp đất, cẩu 80 tấn, đầu khoan cọc nhồi đường kính 0,6 - 1m, ống vách đường kính 1m và 2m, búa rung 180kW và máy phát điện.