Bé trai ho mãi không khỏi, đi khám mới biết hóc hạt na trong phế quản
Bé trai bị ho liên tục trong 2 tháng, điều trị nhiều đợt kháng sinh nhưng không khỏi, đến khi chụp CT mới phát hiện dị vật trong đường hô hấp.
Gia đình bé Khang (Hà Nội) cho biết, bé thường ho nhiều vào buổi sáng, mỗi cơn ho kéo dài hơn một giờ đồng hồ. Cách đây khoảng 2 tháng, khi thấy bé ho nhiều kèm theo sốt, gia đình đưa bé đến phòng khám gần nhà kiểm tra, bé được chẩn đoán bị viêm phổi. Tuy nhiên, sau bốn đợt điều trị kháng sinh, mỗi đợt kéo dài từ 5-7 ngày, tình trạng ho của bé không thuyên giảm.
Lúc này gia đình đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra, chụp X-quang phát hiện dấu hiệu giãn phế quản bất thường. Bác sĩ chỉ định chụp CT, kết quả có dị vật nằm trong lòng phế quản bên phải của bé.
Dị vật được lấy ra là một hạt na mắc kẹt trong đường thở. Lúc này, mẹ của bé nhớ lại cách đây 2 tháng có cho trẻ ăn na và bị sặc, nhưng không ai ngờ rằng bé hóc hạt na vào hệ hô hấp. Sau khi dị vật được lấy ra, bé hết ho, ăn uống và sinh hoạt bình thường trở lại, và được xuất viện sau 2 ngày.
PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài An, Giám đốc Bệnh viện đa khoa An Việt, cho biết đã tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp trẻ em bị ho, viêm phổi mãi không khỏi, nguyên nhân do dị vật mắc kẹt trong đường thở.
Theo PGS. An, dị vật đường thở là những vật lạ xâm nhập vào đường hô hấp, có thể gây ra ngạt thở cấp tính, là một tai nạn sinh hoạt thường gặp và có thể dẫn đến tử vong hoặc di chứng nặng nề ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 4 tuổi. Tai nạn này cũng có thể xảy ra ở người lớn nhưng với tần suất thấp hơn.
PGS. An nhấn mạnh, nguy cơ biến chứng và tổn thương phổi sẽ tăng lên theo thời gian dị vật tồn tại trong đường thở, do đó việc chẩn đoán sớm là vô cùng quan trọng. Nếu phát hiện muộn, các biến chứng có thể bao gồm viêm phổi, giãn phế quản và xẹp phổi. Ngay cả khi dị vật không gây bít tắc hoàn toàn đường thở, nó vẫn có thể gây ho kéo dài, viêm phổi tái diễn mà không biểu hiện triệu chứng rõ ràng.
Triệu chứng của dị vật đường thở có thể thay đổi tùy thuộc vào vị trí mắc kẹt. Nếu dị vật nằm ở thanh quản hoặc khí quản, trẻ có thể biểu hiện khó thở, thở rít. Tuy nhiên, phần lớn các dị vật rơi vào phế quản, khiến dấu hiệu lâm sàng trở nên ít rõ ràng và khó chẩn đoán hơn.
Dị vật có thể bao gồm chất lỏng như cháo, sữa, hoặc chất rắn như hạt trái cây, mẩu đồ chơi nhỏ. Trẻ em thường có thói quen cho thức ăn hoặc đồ chơi vào miệng và có thể bị hóc khi khóc, cười, chạy nhảy hoặc ăn uống không cẩn thận. Ngoài ra, việc cha mẹ cho trẻ uống thuốc nguyên viên, không nghiền nát cũng có thể gây hóc.
Bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh cần lựa chọn đồ chơi phù hợp với lứa tuổi và cẩn thận khi cho trẻ uống thuốc. Đối với trẻ dưới 3 tuổi, nên sử dụng thuốc bột, siro hoặc nghiền nhỏ viên thuốc. Cần giám sát trẻ khi ăn uống, không để trẻ vừa ăn vừa đùa giỡn, chạy nhảy hay ép ăn khi đang khóc để tránh nguy cơ hóc dị vật.
Nếu trẻ bị hóc dị vật, phụ huynh không nên cố gắng dùng tay hoặc các dụng cụ để móc dị vật ra, vì có thể làm dị vật chui sâu hơn hoặc gây tổn thương vùng hầu họng. Tránh áp dụng các biện pháp dân gian như nuốt cơm, trái cây...vì có thể làm tình trạng nghiêm trọng hơn. Đối với những trường hợp viêm phổi kéo dài và ho tái diễn, cần nghĩ đến khả năng có dị vật trong phế quản.