Bé trai Hà Nội co giật, mất ý thức vì cúm A: Cách xử trí đúng cha mẹ nào cũng cần biết

Ngọc Minh,
Chia sẻ

Mới đây, Phòng khám Đa khoa Medlatec số 02 đã cấp cứu cho một bé trai 6 tuổi bị sốt cao, co giật và mất ý thức khoảng 1 phút do cúm A.

ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc - Chuyên khoa Nhi, Phòng khám Đa khoa Medlatec số 02, cho biết trong sáng 10/2, phòng khám đã cấp cứu cho bệnh nhi N.T.L (6 tuổi, ở Hà Nội) bị co giật vì sốt cao do mắc cúm A.

Theo gia đình bệnh nhi, trước khi đến phòng khám, bé L có biểu hiện sốt cao kéo dài 24 giờ, sau đó đột ngột co giật, mất ý thức, tím môi, tím tay chân. Gia đình lập tức đưa trẻ đi cấp cứu.

Bác sĩ Kim Ngọc cho hay, tại thời điểm bệnh nhi tới khám, trẻ sốt cao 40 độ, co giật khi sốt cao, tím môi, tím tay chân, mất ý thức khoảng 1 phút và đã được bác sĩ xử lý, cắt cơn co giật và hạ sốt đường tĩnh mạch. 

Kết quả xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy trẻ bị viêm phế quản phổi do cúm A, có biến chứng sốt cao, co giật.

Bé trai Hà Nội co giật, mất ý thức vì cúm A: Cách xử trí đúng cha mẹ nào cũng cần biết - Ảnh 1.

Bệnh nhi sau khi hết co giật. (Ảnh BSCC)

Xử lý đúng cách khi trẻ bị co giật

Sốt cao co giật có thể là một biến chứng nguy hiểm của cúm A, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Nếu không được xử lý kịp thời, cơn co giật có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như:

- Tổn thương não: Khi trẻ co giật kéo dài, não bộ có thể bị thiếu oxy, có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ và thần kinh.

- Sặc hoặc ngạt thở: Trong lúc co giật, trẻ có thể bị sặc đờm, dãi, sữa hoặc thức ăn nếu không được đặt nằm đúng tư thế, gây tắc đường thở.

- Nguy cơ suy hô hấp: Một số trường hợp trẻ bị co giật đi kèm với khó thở, tím tái, tình trạng này có thể tiến triển thành suy hô hấp nếu không được cấp cứu kịp thời.

Khi chăm sóc trẻ khi mắc cúm A, bác sĩ Kim Ngọc khuyên cha mẹ cần lưu ý những điều sau:

- Khi trẻ bị cúm A, sốt cao là triệu chứng phổ biến. Cha mẹ nên đo nhiệt độ cho trẻ 1 tiếng/lần. Nếu trẻ sốt trên 38.5°C, cha mẹ cần hạ sốt cho trẻ bằng cách sử dụng paracetamol theo đúng liều lượng. Ngoài ra, cha mẹ cần dùng khăn ấm lau ở vùng trán, cổ, nách, bẹn của trẻ để hỗ trợ hạ nhiệt.

- Bổ sung đủ nước và chất dinh dưỡng: Cha mẹ cần cho trẻ uống nhiều nước, sữa, nước oresol hoặc nước trái cây để tránh mất nước và cho trẻ ăn các món dễ tiêu hóa, đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường miễn dịch.

- Cha mẹ cần tránh tiếp xúc với người khác để hạn chế lây lan virus; Vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý, giữ ấm cơ thể; Đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên để giảm nguy cơ lây nhiễm.

Bác sĩ Kim Ngọc cũng cho biết, trong trường hợp trẻ bị co giật do sốt cao, cha mẹ không nên hoảng sợ mà cần bình tĩnh thực hiện theo các bước sau:

- Đặt trẻ nằm nghiêng sang một bên để tránh sặc.

- Nới lỏng quần áo, không ghì chặt cơ thể trẻ.

- Khi trẻ qua cơ co giật, hãy cho trẻ dùng thuốc hạ sốt đặt hậu môn kèm chườm ngay lập tức.

- Gọi cấp cứu hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay nếu: Cơn co giật kéo dài trên 5 phút; Trẻ không tỉnh lại sau co giật; Trẻ xuất hiện tình trạng tím tái, khó thở.

Bác sĩ Kim Ngọc lưu ý thêm khi trẻ bị co giật cha mẹ tuyệt đối không vắt chanh, đổ thuốc vào miệng trẻ vì có thể gây sặc, ngạt thở và gây tử vong.

Ngoài ra, cha mẹ cũng không nên quấn kín trẻ hoặc ủ ấm làm nhiệt độ tăng cao và khiến cơn co giật kéo dài. Cha mẹ cũng không nên lau mát cơ thể trẻ bằng nước đá hoặc nước lạnh vì cách này ít hiệu quả và khiến trẻ lạnh run.

Cha mẹ cũng không nên dùng vật cứng để ngang miệng trẻ khi chúng bị co giật vì có thể làm gãy răng, tổn thương nướu răng, tổn thương niêm mạc miệng của con.

Bé trai Hà Nội co giật, mất ý thức vì cúm A: Cách xử trí đúng cha mẹ nào cũng cần biết - Ảnh 3.

Chia sẻ