Bé trai 4 tuổi bị mù một bên mắt ngây ngô hỏi mẹ: "Lỡ con không thấy đường, bố mẹ có bỏ con không?"
"Sao mẹ cho con đi học có một tuần rồi ở nhà hoài vậy. Có phải con không thấy đường nên mẹ cho con nghỉ học không? Con muốn đi học chữ với các bạn trong lớp...", bé Trần Phước Thịnh nhíu một con mắt lờ mờ, cố nắm lấy đôi bàn tay mẹ rồi thỏ thẻ hỏi.
Con không thấy đường, bố mẹ có bỏ con không?
Ngồi trên chiếc võng xếp đong đưa, Thịnh cố nhíu đôi mắt lờ mờ, ngước mặt lên nhìn mọi vật xung quanh, nơi chị Nguyễn Thị Diệu Hiền (28 tuổi, mẹ Thịnh) đang dỗ ngọt đứa em trai 1 tuổi khát sữa. Dù đã lên 4 nhưng những cảm nhận về cuộc sống xung quanh của Thịnh chỉ gói gọn trong căn nhà nhỏ khi em mắc phải căn bệnh mắt nhỏ bẩm sinh, một bên mắt phải đã bị mù. Ngay cả việc Thịnh đi đến trường để học chữ cũng chỉ còn xuất hiện trong giấc mơ của em.
Lên 4 tuổi, Thịnh vẫn tập đi, tập nói như một đứa trẻ tròn 1 tuổi.
Một bên mắt phải của Thịnh đã bị mù vĩnh viễn do bệnh bẩm sinh từ nhỏ.
Câu chuyện về Trần Phước Thịnh, cậu bé con 4 tuổi hàng ngày chập chững bước đi, i a gọi mẹ đã trở nên quen thuộc với người dân ở ấp Phiêu, xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Thịnh là đứa con trai đầu lòng của chị Diệu Hiền và anh Trần Văn Quý. Trớ trêu thay, vừa chào đời một bên mắt của Thịnh đã không thấy đường, em còn bị chứng dãn não, hạn chế về mặt giao tiếp, nói chuyện với mọi người.
Hai đứa trẻ ngồi nép vào lòng chị Hiền trong căn nhà vắng.
Thịnh chập chững bước đi bên bàn tay yêu thương của chị Hiền.
Ẵm Thịnh vào lòng, chị Hiền rớt nước mắt: "Thằng bé từ nhỏ đã không nhìn rõ mọi người, đi cũng té lên té xuống nên em không dám cho con đi đâu cả. Đến năm nay nó đòi đi học hoài, em mới cho cháu đến trường. Vậy mà chỉ được một tuần, phải cho Thịnh nghỉ học".
"Thằng bé đến lớp hiếu động quá, với hay lên cơn co giật nên cô giáo sợ không dám nhận dạy. Con mình như vậy, cô giáo sợ cũng đúng. Chỉ tiếc là thằng bé ham học mà không được đến trường, ở nhà cứ khóc hoài không thôi", chị Hiền nghẹn ngào nói.
Mỗi ngày nhìn thấy Thịnh đau đớn vì bệnh tật, chị Hiền chỉ biết nuốt nước mắt nhìn con.
Khuôn mặt ngây ngô của đứa trẻ vừa lên 4 tuổi.
Theo chị Hiền, khi Thịnh chào đời, nhìn con một bên mắt to, mắt nhỏ, chị cứ nghĩ là bệnh trẻ nhỏ, lớn lên sẽ khỏi. Không ngờ càng lớn, bệnh về mắt của Thịnh càng nặng, con mắt phải giờ đã mù, riêng mắt trái nhỏ xíu của em cũng bị hạn chế.
"Cứ mỗi lần thấy thằng bé nheo mắt, cố tìm lấy một vật nào đó, tập tễnh bước đi em chỉ biết ôm con mà khóc. Em không biết làm cách nào để chữa bệnh cho con cả, bác sĩ lúc trước bảo nếu phẫu thuật sẽ tốn rất nhiều tiền. Em chỉ mong giữ lại ánh sáng cho con trai của mình, khó khăn mấy cũng chịu được", chị Hiền bật khóc.
Mỗi ngày, Thịnh quanh quẩn vui chơi trong nhà cùng mẹ và em trai.
Điều mà Thịnh ao ước nhất là được cắp sách đến trường nhưng vẫn không thể thực hiện.
Nắm lấy đôi bàn tay mẹ, Thịnh dùng ngón tay vẽ những nét nguệch ngoạc rồi ngây ngô hỏi: "Lỡ con không thấy đường rồi bố mẹ có bỏ con không". Nghe con trai nói vậy, nhìn vào căn nhà trống không còn lấy một vật đáng giá, chị Hiền chỉ biết cầu mong một phép màu đến với Thịnh để em duy trì ánh sáng.
"Mỗi sáng con đều mang cặp đợi mẹ dẫn đi học mà có được đi đâu?"
Cầm chiếc cặp sách được mẹ mua cho, Thịnh buồn bã cho biết hơn 1 tháng qua, em không được mẹ dẫn đến lớp để học nữa. Với Thịnh, khoảng thời gian em được mẹ cho đến trường, gặp cô, gặp bạn là lúc em vui vẻ, hạnh phúc nhất.
Biết Thịnh ham học nhưng vì bệnh tật, chị Hiền không thể cho con đến trường.
Mang chiếc cặp nhỏ vào người, mỗi sáng Thịnh đều hi vọng mẹ có thể dẫn em đến trường.
"Con thích đi học lắm mà mẹ không có dẫn con đi học nữa. Ước gì con thấy đường để tự đi học. Mỗi sáng con đều mang cặp đợi mẹ dẫn đi học mà có được đi đâu", Thịnh ngây ngô nói.
Cũng vì đôi mắt của em mờ dần, lại bị dãn não nên khả năng nhận biết của em chậm hơn các bạn khác. "Cô giáo bảo thằng bé đến lớp hay lầm lỳ, tự kỷ, lại có biểu hiện đánh bạn nên cô không dám nhận. Thịnh đi học được hơn 1 tuần rồi phải nghỉ ở nhà, nó thích đi học lắm mà em không biết làm sao cả", chị Hiền tâm sự.
Một phần ánh sáng còn lại của Thịnh có nguy cơ sẽ không còn.
Chị Hiền cũng không biết cách làm sao để giúp Thịnh đi khám bệnh vì quá nghèo.
Để điều trị bệnh cho Thịnh, ngoài việc đi tái khám đôi mắt cho em ở bệnh viện huyện, chị Hiền không còn cách nào khác khi số tiền mà hai vợ chồng làm lụng, gom góp được không đủ để điều trị bệnh cho Thịnh.
Kể từ ngày Thịnh mắc bệnh, chị Hiền lại sinh em bé mới 1 tuổi, nhà lại không có đất có vườn nên mọi gánh nặng cơm áo gạo tiền đều đổ dồn vào đôi vai anh Quý.
"Lúc trước em còn có xe nước mía đẩy bán gần cổng chùa, mà mấy tháng nay trời mưa, không bán nước mía được. Nhiều lúc anh Quý nghĩ quẩn, anh nói xin nghỉ ngang công việc để lấy tiền bảo hiểm rồi đi chữa bệnh cho con. Chỉ cần cứu được con, em có khổ cực thế nào cũng chấp nhận", chị Hiền nói.
Căn nhà không có một vật gì đáng giá của chị Hiền.
Bé Khang năm nay đã 1 tuổi, em ngây ngô vui đùa cùng mẹ mỗi ngày.
Ẵm hai đứa con trai ra ngoài sân, chị Hiền ân cần tập đi cho Thịnh và Khang, hai đứa trẻ nắm lấy tay mẹ, chập chững bước đi. Dù chỉ mới 1 tuổi nhưng Khang rất bụ bẫm, đáng yêu, bé còn đi nhiều hơn cả Thịnh, người anh trai 4 tuổi.
"Cứ mỗi lần thấy thằng Thịnh té, em lại ước gì nó không bị khuyết tật về mắt, được bình thường như con người ta. Nó sợ bóng tối lắm, đêm đến lại òa khóc nức nở, em không thể tưởng tượng được một ngày nếu bên mắt trái của con không còn nhìn thấy đường, nó sẽ sống thế nào", chị Hiền nghẹn lời.
Thịnh đi cũng không vững, những bước chân cò nhắc của em khiến chị Hiền lo lắng.
Ước gì phép màu đến với Thịnh để em có tiền đi khám bệnh, duy trì ánh sáng rồi được đi học như bao người.
Có lẽ đối với Thịnh lúc này, ngoài tình thương của bố mẹ, em cần lắm những vòng tay giúp đỡ của mọi người để em có tiền tiếp tục điều trị bệnh về mắt, duy trì ánh sáng.
Mọi đóng góp xin vui lòng liên hệ chị Nguyễn Thị Diệu Hiền (mẹ Thịnh), số điện thoại: 0979909190.
Hoặc thông qua số tài khoản ngân hàng BIDV: 73510000561734.
Chủ tài khoản: Nguyễn Thị Diệu Hiền, chi nhánh ngân hàng BIDV tỉnh Trà Vinh.
Xin chân thành cảm ơn!