Bé gái nói một câu, bà mẹ ngậm ngùi chua chát: Công sức nuôi con đã uổng phí?
Bạn sẽ không ngờ rằng đoạn video ngắn ngủi ở Trung Quốc dưới đây lại thu hút sự chú ý của cư dân mạng, đặc biệt là những bà mẹ có con nhỏ.
Bố mẹ đưa con gái đi ăn KFC. Đang ăn ngon lành, mẹ vừa đưa tay lấy khoai tây chiên, con gái nhỏ ngồi bên cạnh lập tức nói: "Mẹ ơi, mẹ tham ăn quá".
Vừa nói, cô bé vừa giật lấy khoai tây chiên từ tay mẹ, không hề nở nụ cười cho đến khi lấy thành công miếng khoai tây và đặt trở lại vị trí cũ.
Lúc này mẹ nghĩ con gái còn nhỏ, chưa biết chia sẻ nên nói với bố: “Anh ăn thử xem con có cho anh không?”.
Sau đó, ông bố lấy miếng khoai tây chiên trong đĩa. Lần này cô con gái không những không bất mãn mà còn hớn hở bảo bố chấm khoai tây vào sốt cà chua.
Người mẹ thấy vậy liền lấy một miếng khoai tây chiên khác lên ăn thử nhưng chưa kịp đưa vào miệng thì con gái đã giật mất.
Người mẹ không bỏ cuộc, tiếp tục lấy khoai tây chiên, lúc này hai tay con gái đã cầm hai miếng khoai tây, không thể giật lại từ mẹ, bé đã hét lên và khóc lớn.
Hành động nhỏ bé này ở một góc độ nào đó thể hiện vị trí của bà mẹ này trong lòng con gái.
Tiếp đó, để an ủi con gái, lời nhận xét khó hiểu của ông bố khiến không ít cư dân mạng như chết lặng: "Không cho mẹ nữa. Mẹ sẽ cướp của con phải không? Không cho mẹ cướp nữa".
Gia đình 3 người chia thành hai phe, một phe là bố và con gái, mẹ đơn độc một phía.
Hầu hết cư dân mạng đều rất tức giận dưới bài đăng video này. Nhiều người cho rằng bé gái chưa học được cách chia sẻ, đặc biệt là người thân quan trọng nhất của mình là mẹ. Một số người lại nghĩ có lẽ vì bình thường bé gái thân với bố hơn nên không muốn chia sẻ đồ ăn của mình với ai khác ngoài bố.
Song điều khiến cộng đồng mạng không thể chấp nhận được rằng, cùng là thành viên trong gia đình, thế mà cả chồng lẫn con gái đều không tôn trọng người mẹ này.
Con không hiểu chuyện, bố còn ở bên hùa với con, đây chẳng phải là một sự phân biệt rõ ràng khiến bà mẹ kia ít nhiều cũng bị tổn thương trong lòng sao? Ngay cả khi đó chỉ là một trò đùa, ông bố cũng không có ý tiêu cực, nhưng nó vẫn gây khó chịu.
Cũng giống như trường hợp cậu bé mắng mẹ từng gây xôn xao không kém.
Cặp vợ chồng ở Trùng Khánh đón con trai tan học. Con mắc lỗi, mẹ trách mắng vài câu, không ngờ con trai đã “bùng nổ” ngay trên xe.
Cậu bé ngồi ghế lái phụ, vừa khóc vừa vùng vằng nói với mẹ đang ngồi ghế sau: “Con thấy mẹ chẳng có thứ gì cả. Mẹ chỉ có nhan sắc mà thôi. Nếu không tìm được chồng biết kiếm ra tiền thì mẹ chẳng thể sống nổi”.
Nói câu này, cậu bé chỉ vào bố đang lái xe, giọng điệu có vẻ vô cùng tự hào.
Bà mẹ nghe vậy tức tối, lập tức nói cho con hiểu cô đã sống vì gia đình này như thế nào. Ai mà ngờ, cô tiếp tục bị con trai “tạt gáo nước lạnh”: “Mẹ có thể kiếm được 2.000 tệ (hơn 6,8 triệu đồng) không? Mẹ như vậy mà còn đòi dạy con. Nếu mẹ kiếm được hơn 5.000 tệ (hơn 17 triệu đồng) thì mới được phép dạy con”.
Nói rồi chùi nước mắt, cậu bé chỉ vào bố bên cạnh: “Nhìn bố giỏi giang đây này, nhìn lại mẹ mà xem!”.
Thì ra dưới góc nhìn của cậu bé này, vì mẹ kiếm tiền ít hơn bố nên bị mặc định là không có năng lực, không có tư cách để dạy dỗ con cái.
Chỉ với những câu nói đơn giản của em, công sức của người mẹ đã bị phủi sạch hoàn toàn.
Những câu chuyện gia đình tương tự trên khiến nhiều người phải suy ngẫm. Đừng nghĩ rằng mọi chuyện chỉ đang nói quá lên, bởi trong mắt một số đứa trẻ, mẹ chỉ là “người ăn không ngồi rồi” hưởng thụ thành quả gia đình. Công lao của mẹ cũng không bằng việc chúng cắp sách đến trường mỗi ngày.
Thành thật mà nói, khi đọc câu chuyện này, hầu như ai cũng có thể cảm nhận được những bà mẹ trong cuộc phải đau đớn và tổn thương đến mức nào.
Rõ ràng mẹ đã cho đi rất nhiều, thậm chí âm thầm và lặng lẽ, không kêu ca, không kể lể, thế nhưng họ đã bị chính đứa con mình phủ nhận tất cả. Không những vậy, bố bên cạnh chứng kiến nhưng không hề bảo vệ mẹ, hay ít nhất giải thích cho con hiểu. Họ đã vô tình bỏ qua chi tiết này, mà không biết đây có thể là mầm họa trong tương lai đối với con trẻ.
Nếu là ông bố bà mẹ trong câu chuyện trên, bạn sẽ làm gì với con?
Nguồn: Zhihu