Bé con 7 tuổi nuôi mẹ bệnh AIDS

,
Chia sẻ

Chẳng có ai bằng con với mẹ, chẳng có ai bằng mẹ với con. Trời mưa bong bóng phập phồng, mẹ chết đi rồi con ở với ai...

Giọng hát xé lòng của một bé gái khiến tôi linh cảm mình đã tìm đến đúng nhà của mẹ con người bệnh AIDS trong xóm chợ Ngã Tư, ấp An Bình, xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre.

Dù chỉ mới phát bệnh vài năm nhưng chị Trương Thị Hưởng (sinh năm 1970) rất yếu trông chị hom hem, tay chân bại liệt... Do khóc quá nhiều vì đau đớn bệnh tật, mắt chị đã mù và bị chồng bỏ đã lâu.
 
Suốt hai năm nay, bé Nguyễn Thị Tường Vy (sinh năm 2001, con chị Hưởng) chưa có một đêm an giấc. Đôi vai nhỏ bé, gầy gò của em phải thay cha chăm sóc mẹ. Ngày nào Vy cũng thức khuya bóp tay chân cho mẹ, có đêm phải thức trắng. Bốn giờ rưỡi sáng, Vy tất tả đi chợ mua thức ăn về nấu cho mẹ và thay đổi thực đơn mỗi bữa cho mẹ đỡ ngán.
 
Mới bảy tuổi đầu, Vy đã biết chọn nạc mềm, cá ít xương cho mẹ dễ ăn, thường nhường đồ ngon cho mẹ, giành phần xương xẩu về mình. Được mẹ hướng dẫn, Vy nấu nướng ngày càng ngon. Cô bé còn là thợ cắt tóc của mẹ.
 
Bé Tường Vy ân cần chăm sóc mẹ
 
Đang tuổi ăn, tuổi chơi, nhưng Vy luôn túc trực ở nhà để dìu đỡ mẹ đi tắm, vệ sinh. Mà cô bé cũng chẳng có bạn. Trong xóm, Vy chỉ đi ngang nhà, người ta đã xua đuổi vì sợ lây cho con cháu họ (dù Vy đã xét nghiệm nhiều lần đều không bị nhiễm). Thèm có bạn để chơi trò nấu cơm, bán đồ hàng, Vy chỉ tự bày đồ ra và trò chuyện... một mình.
 
Sau khi chị Hưởng phát bệnh, tài sản trong nhà lần lượt bị bán hết. Chiếc xe đạp của Vy cũng cùng "số phận". Những khi đi quơ củi ở gò mả cao, đi kêu xe chở mẹ khám bệnh cách nhà bốn cây số, Vy cũng phải lội bộ. Gần đây, chị Hưởng không đủ sức để đến bệnh viện tái khám, bé Vy phải đi lãnh thuốc một mình.
 
Để tránh lây nhiễm, Vy làm đúng theo lời bác sĩ tư vấn, thường xuyên nghe thông tin từ chiếc radio. Cô bé làm dấu trên đồ dùng sinh hoạt của mẹ: bẻ cán muỗng, vẽ hình tròn lên cái tô, cán lược chải tóc để phân biệt với đồ dùng của mình. Khi đấm bóp cho mẹ, Vy lấy bao ni lông bọc bàn tay lại để tránh tiếp xúc với chỗ da mẹ bị lở.
 
Đau nhức, chị Hưởng cắn răng để con không nghe tiếng rên rỉ. Hai mẹ con ngủ giường riêng. Dù liệt một tay, chị cũng cố gắng tự giặt quần áo của mình. Suốt mấy năm nay, chị thèm được ôm hôn con nhưng không dám. Mỗi trưa, chị đưa võng, hát ru con ngủ. Nhiều đêm, chị lần sang giường con, mò mí chiếu để tấn mùng lại. Chị sợ con bị muỗi cắn, đổ bệnh.
 
Vy mới học lớp một rồi nghỉ nên chỉ biết mặt chữ cái, biết viết tên mình và vài chữ số. Nhưng khi mẹ bệnh, Vy đưa mẹ đi bệnh viện và làm thủ tục rành mạch như người lớn. Không có tiền lo cho mẹ, Vy phải đi xin cơm. Hàng đêm, cô bé đi lượm lon bia, nước ngọt trong thùng rác bệnh viện để bán ve chai. Vy còn xin lau xe cấp cứu, lau nhà, trực điện thoại... để có thêm ít tiền về đưa hết cho mẹ.
 
Chị nói: "Tôi mong chết sớm để con tui được rảnh nợ. Cực khổ trăm bề nhưng nó cứ biểu "mẹ đừng chết". Mong ước sau này tui nằm xuống rồi, con tui được sống yên vui với ba nó, được vô trường học chữ. Tui cũng vì ít học, phải đi bán cà phê nuôi con nên mới ra nông nỗi này. Tui mong bà con chòm xóm thương yêu, đùm bọc con tui, đừng xa lánh nó tội nghiệp. Nó là con nít, đâu có tội tình gì”!
 
Không có bất cứ nguồn thu nào, mẹ con chị Hưởng đã và đang sống nhờ vào sự cưu mang của hàng xóm và cộng đồng. Ngày 4/4 vừa qua, Ban thường vụ Hội Chữ thập đỏ, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên xã An Thạnh và một số tổ chức khác đã đến lợp mái nhà, che lại vách để mẹ con chị Hưởng tránh mưa bão. Một vài vật dụng cần thiết như thùng chứa nước, đèn điện, nồi cơm điện cũng được sắm sửa từ tiền đóng góp của những nhà hảo tâm.
 
Anh Tạ Văn Tâm - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã An Thạnh cho biết: "Tôi chưa thấy hoàn cảnh nào đáng thương như nhà bé Vy và cũng chưa thấy em bé nào có hiếu và giàu nghị lực như bé. Mẹ con bé Vy cần được sự quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa, nhất là tạo điều kiện để sau này bé Vy được ăn học".

Bạn đọc muốn chia sẻ với hoàn cảnh đặc biệt khó khăn này, có thể trực tiếp đến nhà chị Hưởng hoặc liên hệ anh Tạ Văn Tâm (ĐT: 0918.262657).

Theo Diệu Hiền
Phụ nữ TPHCM
Chia sẻ