Bé 20 tháng tuổi mắc tay chân miệng biến chứng suy hô hấp, tổn thương tim nặng
Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP. Hồ Chí Minh) vừa can thiệp ECMO cứu sống một bệnh nhi bị biến chứng nặng do tay chân miệng.
Bệnh nhi L.T.K. (20 tháng tuổi, nam, trú tại Hậu Giang) khởi bệnh 2 ngày với biểu hiện sốt, buồn nôn, nổi hồng ban mụn nước ở lòng bàn tay chân. Ngày thứ 2, bệnh nhi sốt giật mình chới với, trợn mắt, run chi nên nhập bệnh viện địa phương, chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ 3.
Tại đây, bệnh nhi được điều trị theo phác đồ nhưng tình trạng không cải thiện, bé bị suy hô hấp, sốc... được đặt nội khí quản giúp thở, dùng thuốc vận mạch, chuyển Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Bệnh nhi nhập viện với biểu hiện lơ mơ, bóp bóng, mạch nhẹ, chi mát, da nổi bông, nhịp tim trên 210 lần/phút, sốt cao liên tục. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi mắc tay chân miệng độ 4.
Tiến hành xét nghiệm cho thấy men tim tăng cao, men gan tăng mức độ trung bình, toan chuyển hóa nặng. Bệnh nhi được xử trí thở máy, chống sốc, truyền thuốc điều hòa miễn dịch, an thần, hạ sốt tích cực.
Tuy nhiên, tình trạng của bệnh nhi không cải thiện, các bác sĩ đã tiến hành lọc máu liên tục. Bệnh nhi vẫn diễn tiến phức tạp, nhịp tim còn tăng cao trên 220 lần/phút, siêu âm tim co bóp kém.
Các bác sĩ tiến hành hội chẩn và quyết định đặt cannula mạch máu, gắn hệ thống ECMO hỗ trợ hô hấp tuần hoàn cho bệnh nhi.
Kết quả sau 2 tuần điều trị, tình trạng cải thiện dần, tỉnh táo, huyết động ổn định được cai ECMO, cai máy thở, được tiếp tục theo dõi điều trị tại Khoa Tim mạch.
Thực chất, tay chân miệng là bệnh lành tính, ở thể nhẹ có thể chữa khỏi tại nhà. Tuy nhiên, nếu không được điều trị và chăm sóc kịp thời, bệnh có thể chuyển sang độ nặng hơn. Thêm vào đó, thời điểm này lại đang rất thuận lợi cho virus gây bệnh phát triển và lây lan. Vì thế, cha mẹ cần hết sức lưu ý phòng tránh cho con và lưu ý phát hiện sớm dấu hiệu bệnh để điều trị kịp thời.