Bé 10 tháng tuổi suy hô hấp vì hóc mảnh mía

P.V,
Chia sẻ

Bệnh nhi 10 tháng tuổi (trú tại Nghi Sơn, Thanh Hóa) vào Bệnh viện Nhi Thanh Hóa khám với biểu hiện ho, khó thở.

Bé 10 tháng tuổi suy hô hấp vì hóc mảnh mía - Ảnh 1.

Bệnh nhi được theo dõi tại bệnh viện. Ảnh: BVCC

Mẹ bệnh nhi cho biết: Trước khi vào viện 5 ngày, bệnh nhi có biểu hiện sốt, sốt theo cơn, có lúc lên 39 độ C, kèm theo ho, ho có đờm, ho nhiều về đêm. Gia đình ra hiệu thuốc mua thuốc về uống (không nhớ loại gì), nhưng tình trạng không giảm mà ho tăng lên và thấy khó thở, nên gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa khám và điều trị.

Bệnh nhi vào Khoa Hô hấp với chẩn đoán viêm thanh khí quản cấp, suy hô hấp và được điều trị theo hướng: khí dung; corticoid; kháng sinh. Sau 2 ngày điều trị, bệnh nhi khó thở tăng lên, khóc yếu. Các bác sĩ mời hội chẩn và chuyển bệnh nhi xuống Khoa Hồi sức cấp cứu tiếp tục điều trị.

Tại Khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh nhi trong tình trạng rất nặng, khó thở tăng lên nhiều, được xử trí đặt nội khí quản thở máy. Khai thác lại bệnh sử từ người nhà, trước khi bệnh nhi khó thở, có ăn mía không rõ số lượng, đột ngột ho sặc sụa và khó thở tăng dần.

Bé 10 tháng tuổi suy hô hấp vì hóc mảnh mía - Ảnh 2.

Dị vật là mảnh mía được gắp ra ngoài thành công. Ảnh: BVCC

Kết hợp với chụp cắt lớp vi tính, kết quả cho thấy hình ảnh dị vật lòng phế quản và tổn thương viêm phổi nhiều cả 2 bên. Bệnh nhi nhanh chóng được hội chẩn và quyết định nội soi phế quản cấp cứu.

Sau 20 phút, kíp nội soi đã lấy thành công ra khỏi phế quản dị vật là mảnh mía kích thước 8mm x 4 mm, phế quản xung quanh dị vật là tổ chức viêm mủ. Sau khi kết thúc thủ thuật, bệnh nhi tiếp tục được thở máy, điều trị thuốc kháng sinh, chống viêm.

Hiện tại, các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhi đã ổn định hơn, dự kiến cai máy thở trong 1 vài ngày tới.

ThS.BS Ngô Việt Hưng - Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu cho biết: Dị vật đường thở là một tai nạn nguy hiểm có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 2 tuổi, do vật lạ rơi vào đường thở gây hẹp hoặc tắc hoàn toàn đường thở. Đây là tình trạng cấp cứu khẩn cấp, nếu không xử lý kịp thời có thể dẫn đến các hậu quả nặng nề như tổn thương viêm phổi, áp xe phổi, suy hô hấp nặng gây tổn thương não không hồi phục, thậm chí gây tử vong.

Bác sĩ Hưng khuyến cáo: Phụ huynh không nên để các vật dụng, đồ chơi, những thứ có kích thước nhỏ gần trẻ, đặc biệt lúc người lớn không ở bên cạnh. Luôn cẩn thận trong việc ăn uống của trẻ, sử dụng các đồ vật xung quanh phù hợp với lứa tuổi.

Khi tai nạn xảy ra cần có phương pháp sơ cứu kịp thời, tuyệt đối không cố móc lấy dị vật hay gây nôn, vận chuyển an toàn tới các cơ sở y tế chuyên khoa. Tại bệnh viện, gia đình cần phối hợp mô tả chính xác các tình huống xảy ra ở nhà để bác sĩ đưa ra chẩn đoán xác định sớm và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

Chia sẻ