Bầu trời đêm đang trở nên sáng nhanh hơn dự kiến
Nghiên cứu mới cho thấy bầu trời đêm đang trở nên sáng hơn với tốc độ 9,6% mỗi năm. Nghĩa là ngày càng ít ngôi sao mà người bình thường có thể nhìn thấy được.
Bầu trời đêm bị ô nhiễm ánh sáng nhân tạo ngày càng nhiều từ Trái đất. Điều này tác động đến khả năng nhìn thấy các vì sao của chúng ta. Đồng thời còn ảnh hưởng đến các quần thể động vật.
Ở nhiều nơi trên Trái đất, bầu trời đêm không bao giờ tối hoàn toàn.
Nhóm nghiên cứu sử dụng các quan sát từ một dự án khoa học công dân có tên “Trái đất vào ban đêm”. Dự án kêu gọi mọi người báo cáo mức độ sáng của bầu trời đêm tại nơi ở riêng. Họ chỉ cần nhìn vào chòm sao Orion. Đây là chòm sao nổi bật nằm trên đường xích đạo và khắp thế giới đều có thể nhìn thấy.
Nhóm đã đánh giá 51.351 quan sát của công dân năm 2011 - 2022 trên khắp thế giới. Dự án này cung cấp rất nhiều dữ liệu. Tuy nhiên, việc đánh giá không liên tục ở một chỗ khi mọi người di chuyển sang nơi ở khác. Mặt khác, sự phân bố của các nhà khoa học công dân này không trải rộng trên toàn cầu.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng các phép đo của vệ tinh về độ sáng của bầu trời đêm. Họ tìm thấy trong 9 năm qua, mọi thứ đã thay đổi theo hướng tồi tệ nhất.
Với tốc độ sáng dần lên của bầu trời đêm, cũng đồng nghĩa với việc ai đó khi được sinh ra có thể nhìn thấy 250 ngôi sao. Khi họ 18 tuổi, sẽ chỉ còn có thể nhìn thấy 100 ngôi sao. Tiến sĩ Kyba lưu ý: “Đó thực sự là một sự thay đổi lớn”.
Tiến sĩ Christopher Kyba, từ Trung tâm Nghiên cứu khoa học địa chất Đức, nói với trang IFLScience : “Hiện nay, có sự sụt giảm thực sự đáng kể về số lượng ngôi sao mà mọi người nhìn thấy so với năm 2014. Chúng ta có thể giải thích dữ liệu đó trên cơ sở thế giới ngày càng sáng hơn".
Tuy nhiên, ông Kyba giải thích thêm, tình hình bầu trời ban đêm sáng dần không đồng nhất trên Trái đất. Không có phạm vi "phủ sóng" toàn cầu. Thậm chí sự gia tăng độ sáng dường như rõ rệt hơn ở Mỹ và ít hơn ở châu Âu.
Do ánh sáng nhân tạo, độ sáng của bầu trời ở những địa điểm được lấy mẫu đã tăng khoảng 7-10% mỗi năm kể từ năm 2014.
“Ánh sáng nhân tạo vào ban đêm không được coi là một điều luôn luôn tích cực, mà thực sự là một chất gây ô nhiễm”, ông Kyba nhận định.
Công trình nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Science.