Bắt vợ chứng kiến cảnh "mây mưa"

,
Chia sẻ

Vợ không thể có con nhưng chồng nhất định không cho ly hôn mà còn công khai dẫn người phụ nữ khác về nhà. Kinh khủng hơn, những khi “âu yếm” tình nhân, ông chồng đều bắt vợ chứng kiến...

Đó chỉ là một trong rất nhiều “chiêu” bạo hành khủng khiếp của nhiều ông chồng để đày đọa những người phụ nữ mà hàng ngày vẫn cùng chung chăn gối với họ được chia sẻ tại Hội nghị tổng kết về bạo lực gia đình diễn ra sáng nay tại Hà Nội.

“Bội thực” đánh đập, bạo hành

Với người phụ nữ này, thấm thoát đã 10 năm chị sống trong cảnh bạo hành tinh thần từ chính người chồng của mình. Mỗi lần nhớ lại thời hai người mới cưới, chị lại rơi nước mắt. Chị tâm sự: “Sau lấy nhau 2 năm, biết mình không thể có con, tôi đã chủ động đề nghị ly hôn, nhưng khi đó, chồng tôi nói, vợ chồng vẫn yêu thương nhau, sao lại phải ly hôn vì chuyện không có con. Tôi mừng mừng tủi tủi vì nghĩ mình đã có người đàn ông yêu thương mình thực sự, chấp nhận cả việc hai người sẽ không có mụn con nối dõi...”.

Nào ngờ, sau đó một năm, bỗng dưng chồng chị thay đổi tâm tính, thản nhiên dẫn một người phụ nữ khác về ở cùng nhà. Lúc đầu vì “nể”, anh ta còn ngăn vách sống riêng nhưng sau một thời gian, anh ta bất ngờ bỏ vách, bắt chị hàng ngày sống chung một mái nhà, chứng kiến cảnh chồng với người tình âu yếm, mặn nồng....

Nỗi đau như bóp nghẹt con tim nhưng trong tình cảnh việc không có, chỗ ở cũng không, chị vẫn đành chấp nhận sống cùng... Nhưng sự việc không dừng ở đó, khi có con với người tình mới, anh ta bắt đầu rắp tâm đuổi vợ ra khỏi nhà để chiếm đoạt mảnh đất đứng tên hai vợ chồng...

Còn đây, cuốn sổ khám bệnh dày các trang bệnh án của một phụ nữ ở Thanh Hóa: Tháng 8/1990, bị chồng đánh sai khớp gối chân trái, năm 1993 phải mổ nắn chỉnh xương và đóng đinh cố định. Một năm sau thì bị đánh sai khớp khuỷu tay phải, đến năm 2000 thì bị một vết sẹo lồi trên môi bên phải do chồng đánh năm 2000... Trên thân thể chị, từ mặt đến chân, đến vùng ngực... đều rải rác rất nhiều vết thâm sẹo. 
 

Rất nhiều phụ nữ đã âm thầm chịu sự hành hạ của chồng trong nhiều năm. Sự bạo hành này không chỉ gây tổn hại sức khỏe, mà còn để lại cho họ nỗi đau về tinh thần (Ảnh cơ quan y tế cung cấp)

Khi đọc “nhật ký” bị bạo hành của chị, chắc hẳn không ai ngờ, chồng chị là người có học thức, lại là một chiến sĩ công an. “Ngày vui ngắn chẳng tày gang”, cuộc sống vợ chồng chị bước vào vũng lầy địa ngục chỉ sau 2 năm ngày cưới. Không chỉ thường xuyên đánh đập, hành hạ vợ mà chồng chị còn coi việc cưỡng ép tình dục vợ là một thú vui. Anh ta thảnh nhiên cắn, cấu bất cứ chỗ nào trên ngực, đùi vợ... một cách thoả chí.

Thế rồi, chị phát hiện chồng quan hệ với em gái ruột của mình. Quá phẫn uất, chị đã dám “vặc” lại chồng và nói với gia đình chồng. Nhưng thay vì sự cảm thương, thông cảm, chị còn bị chồng, gia đình chồng luôn tìm cớ mắng chửi, hắt hủi, đánh đập chị. Không những đánh chị, anh ta còn đánh đập cả 2 đứa con trai. “Năm ngoái bị bố đánh, một đứa đã phải đi Bệnh viện Việt Đức, đứa kia cũng đã từng phải vào viện”.

Cũng giống người phụ nữ trên, chị P cũng có "thâm niên" sống trong cảnh bạo hành của chồng. Chị mồ côi bố mẹ từ nhỏ, nên khi được về làm dâu một gia đình giàu có, những tưởng từ đây được hạnh phúc, an nhàn, nhưng không, chị đã bị đày đọa suốt 18 năm ròng cả về thể xác lẫn tinh thần.

Không chỉ chồng, mà mẹ chồng cũng cậy thế giàu có, suốt ngày đánh đập chị. Chị có thai, chồng vẫn thản nhiên đạp, đấm chị tới tấp. Có lần, chồng đuổi chị ra ngoài giữa đêm mưa gió. Một mình chị với cái bụng chửa vượt mặt phải trú mưa suốt đêm ở đình làng...

Hàng nghìn phụ nữ bị bạo hành

Còn rất rất nhiều những câu chuyện về người phụ nữ bị bạo hành cả về thể xác, tinh thần được chia sẻ trong hội thảo. Người thì bị chồng đánh đập, người bị bạo lực tinh thần, người thì bị bạo lực về tình dục, bị ép quan hệ tình dục trước mặt con cái, cưỡng bức tình dục thô bạo... Nhưng rất ít trong số những người phụ nữ đó dám dũng cảm tìm đến các trung tâm tư vấn, cơ quan chức năng để giải phóng mình khỏi bể khổ đó.

Theo kết quả dự án Cải thiện chăm sóc y tế đối với nạn nhân của bạo lực giới do Sở Y tế Hà Nội thông báo ngày 27/1, trong 3 năm (2006-2009), dự án đã được triển khai rộng rãi tại các bệnh viện và TT Y tế của Hà Nội khu vực Bắc sông Hồng và đã phát hiện hàng nghìn phụ nữ bị bạo hành.

Riêng tại BV Đa khoa Đức Giang và BV Đa khoa Đông Anh đã có trên 210.000 phụ nữ trên 15 tuổi đến khám tại 2 BV này được sàng lọc, trong đó phát hiện gần 650 người là nạn nhân của bạo lực gia đình. Tương tự, tại TT Y tế huyện Đông Anh, TT Y tế quận Long Biên và TT Y tế huyện Gia Lâm cũng đã sàng lọc, phát hiện hàng nghìn phụ nữ bị bạo hành.

Theo bà Nguyễn Thị Vân Anh, Phó ban Quản lý dự án, rất nhiều phụ nữ đang phải chịu đựng những hành vi bạo lực lặp đi lặp lại và thường bắt đầu ngay trong năm đầu tiên kết hôn. Tuy nhiên, các nạn nhân thường chọn cách giữ im lặng, chịu đựng, có người chịu đựng đắng cay, tủi nhục trong mấy chục năm trời. Đa số các nạn nhân bị bạo hành từ 2-7 năm (chiếm gần 68%), thời gian bị bạo hành trong một năm rất ít (chưa đến 14%) còn lại là những phụ nữ bị bạo hành trên 7 năm.

Số phụ nữ bị bạo hành đang gia tăng, thể hiện ở những số lượng báo cáo về mức độ nghiêm trọng của các thương tật tăng đột ngột so với đợt điều tra vào năm 2005. Những thương tích vào chỗ hiểm tăng gấp đôi (từ hơn 21% lên hơn 46%), các trường hợp bị gãy chân, tay tăng gần gấp rưỡi. Ngoài ra, nhân viên bệnh viện cho biết họ từng chứng kiến những phụ nữ mang bầu bị sảy thai do bạo hành và thống kê cho thấy tỉ lệ này tăng gần gấp 4 lần (từ 5% lên gần 23%).

Theo bà Vân Anh, nguyên nhân tình trạng bạo lực gia đình vẫn tăng là do luật phòng chống bạo lực gia đình ra đời gần 3 năm nay nhưng chưa đủ mạnh, đặc biệt là thiếu các văn bản cụ thể hướng dẫn áp dụng luật ở cấp cơ sở. Đặc biệt, nhiều người còn chưa hề biết đến luật này. Nhiều người đàn ông có tính gia trưởng, tự cho mình “quyền” được đánh đập vợ. Nhiều người đánh vợ đến mức phải nhập viện nhưng khi bị chính quyền hỏi đến thì ngơ ngác, khăng khăng mình không có tội gì. Đáng nói nhất là người phụ nữ do ngại điều tiếng đã âm thầm chịu đựng sự hành hạ thể xác, tinh thần, ngay cả khi tổn hại sức khỏe, nguy hiểm đến tính mạng. Vì thế, để thoát khỏi tình cảnh này, người phụ nữ cần phải dũng cảm đối mặt với vấn đề, nhờ các tổ chức đoàn thể, cơ quan chức năng can thiệp ngay khi bị chồng bạo hành.
 
Theo Dân trí
Chia sẻ