Cố vắt óc nhưng chị cũng không tìm ra thiếu sót của mình. Bởi trong gia đình, chị luôn thu xếp thời gian để tự nấu ăn. Ngày cuối tuần, mâm cơm toàn những món truyền thống, đến bà cô chồng khó tính cũng phải khen. Chuyện con cái, cũng một tay chị lo. Công việc chuyên môn chị sắp xếp thời gian một cách khoa học, hiệu quả. Ít ông chồng nào lại có thể bỏ một cô vợ đảm đang, xinh xắn như thế.
Đến gặp bà thẩm phán chị mới biết, anh Trung, chồng chị đã có những tự ti khi sống cạnh một bà vợ quá hoàn hảo mà xưa nay chị không để tâm đến. Ban đầu, anh Trung ngỡ mình may mắn vì có một cô vợ giỏi giang, thu nhập mỗi tháng cả ngàn đô, lại biết điều, khiêm tốn, hiếu thảo với gia đình chồng ở xa. Không bao giờ vợ anh tỏ ra hơn chồng, ngược lại, còn chăm sóc anh chu đáo. Dần dần, trong gia đình, vợ anh cứ nổi lên như “một ngôi sao”, còn anh chỉ là một cây đèn dầu, chả ai quan tâm đến sự tồn tại của anh. Bố mẹ anh cũng phải công nhận: Gia đình của anh được như thế là nhờ vợ anh, anh phải biết quý vợ.
Anh đi làm mang tiền về nhà, như một cổ đông, vợ anh mới là chủ đầu tư và làm nảy nở giá trị của “cổ phiếu” hôn nhân. Anh cũng tâm sự: “Giá như cô ấy hốt hoảng khi giá tăng, lo lắng gọi điện cho tôi về đưa con đi bệnh viện, giãi bày với tôi chuyện rắc rối gì đó ở cơ quan nhờ tôi tư vấn có lẽ tôi mới nhận ra tôi chính là chồng của cô ấy. Cô ấy không có khuyết điểm gì, không có lỗi gì hết... đó là bi kịch của tôi!”
Một trường hợp khác thì ngược lại, vì sống bên đức lang quân luôn mưu cầu sự hoàn hảo, chị Hồng Hạnh, nhà ở Cầu Giấy luôn cảm thấy bị nghẹt thở. Anh Quang, chồng chị Hạnh là một bác sĩ giỏi lại năng động, có phòng khám riêng, nên cũng kiếm được khá nhiều tiền. Việc cơ quan, việc phòng khám, việc gia đình, việc nào cũng hoàn thành suôn sẻ. Nhưng nếu anh càng hài lòng với gia đình thì chị Hạnh càng... bất mãn ngầm. Mọi người trong họ hàng, bạn bè, ai cũng tấm tắc khen anh Quang mà đâu biết rằng, chị Hạnh chỉ mong chồng mình cũng có “tật xấu” như bao người đàn ông khác.
Với anh Quang, mọi thứ trong nhà phải sạch sẽ. Thức ăn luôn đảm bảo nóng sốt. Quần áo là không còn nếp nhăn. Khi làm sai ý chồng, chị Hạnh luôn nhận được những lời cằn nhằn của chồng suốt buổi. Mỗi lần đi dự tiệc cùng chồng là một lần chị cảm thấy ngán ngẩm bởi anh săm soi từ đầu đến chân vợ và chỉ ra khỏi nhà khi cảm thấy vừa ý. “Anh muốn vợ chồng mình phải thật hoàn hảo trước mắt mọi người”- là câu cửa miệng của anh. Không chịu nổi cảnh hàng ngày cứ phải gồng mình lên để làm vừa lòng chồng, trong một lần chồng về quê, chị Hạnh đã viết đơn li dị để sẵn trên bàn.
Theo chuyên gia tâm lí Nguyễn Thị Minh Thủy, những người chồng, người vợ hoàn hảo thường bị bất ngờ khi thấy người bạn đời của mình vốn “im im” giờ đòi li hôn. Tâm lí của họ khi nhận được tin này thường nghĩ rằng mình đã hết lòng với gia đình và cảm thấy bị tổn thương, vì người bạn đời đã “không biết hưởng phúc, còn muốn gì nữa đây?”.
Thật ra, sự đổ vỡ này là do tính truyền thống trong gia đình không có, hoặc chưa vững. Bởi những bà vợ hay những ông chồng khi ấm ức không biết nói thế nào, nói vào thời điểm nào. Vì thế, giữa vợ chồng, phải tạo ra thói quen bàn bạc, phân công mọi việc trong gia đình và lắng nghe lẫn nhau. Mỗi người phải tự nhận ra điểm mạnh của mình và của người bạn đời, để phát huy và hợp tác với nhau, gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Theo TTTĐ