Bất ngờ 6 lý do khiến bạn không hạnh phúc
Cảm giác trống rỗng và chán nản có thể dẫn đến trầm cảm. Điều này xảy ra sau một số dấu hiệu cho thấy cuộc sống của bạn có điều gì đó bất ổn.
Các chuyên gia tâm lý chia sẻ với Insider rằng có nhiều dấu hiệu giải thích tại sao bạn không cảm thấy hạnh phúc.
Không sống trong hiện tại
Suy nghĩ quá nhiều về những gì đã xảy ra và những gì chưa xảy ra khiến bạn không bao giờ chìm vào giấc ngủ sâu và khi thức dậy bạn không cảm thấy sảng khoái và tràn đầy năng lượng.
Nhà tâm lý học trực tuyến Carolin Müller nói với Insider: “Nếu bạn luôn nghĩ về tương lai và quá khứ, bạn sẽ không dành nhiều thời gian cho hiện tại”.
Theo một cách nào đó, hạnh phúc có mối liên hệ chặt chẽ với cuộc sống hiện tại. Bộ não không thực sự phân biệt được sự khác nhau giữa cảm xúc bạn đang cảm nhận lúc này và cảm xúc bạn đang sống lại trong tâm trí.”
Bạn đang suy nghĩ quá nhiều
Một số người luôn để tâm trí mình liên tưởng những tình huống tồi tệ nhất có thể xảy ra, thói quen này được gọi là suy nghĩ thảm khốc, hay “thảm họa hóa”.
Linda Blair, nhà tâm lý học lâm sàng và người phụ trách chuyên mục của Telegraph, nói với Insider rằng “thảm họa hóa” là một thói quen vô ích mà mọi người thường xuyên mắc phải. Blair nói, giống như bất kỳ thói quen nào, việc gây thảm họa bằng suy nghĩ rất khó bỏ.
Thói quen xấu luôn sẵn sàng quay trở lại cuộc sống của bạn, đặc biệt là khi bạn đang quá xúc động. Giải pháp dành cho bạn là học cách lý trí và bình tĩnh.
“Bạn phải tử tế với bản thân và kiên nhẫn, đồng thời hiểu rằng mình càng dễ xúc động thì càng có nhiều khả năng hành động sai lầm. Ngược lại, khi bạn đứng yên và bình tĩnh, mọi thứ đều trở về đúng vị trí”, Blair nói.
Müller gợi ý: “Bạn có thể nghĩ về điều gì đó thực sự đẹp đẽ đã xảy ra với mình. Chẳng hạn, bạn đã gặp được một người rất tử tế hay bạn đã có một ngày làm việc vui vẻ.”
Bạn đang có một mối quan hệ sai lầm
Đôi khi, sự bất hạnh có thể xuất phát từ việc yêu sai người nhưng lại sợ phải ở một mình. Briana L. Severine, người sáng lập Tổ chức Phục hồi Tâm lý Xã hội Sanare, nói với Insider rằng tình trạng độc thân có nhiều lợi ích mà không phải lúc nào mọi người cũng biết.
Cô nói: “Những người độc thân cảm thấy hạnh phúc và thỏa mãn trong các mối quan hệ của mình mà không cần một đối tác lãng mạn đáp ứng những nhu cầu đó. Giống như những người đã kết hôn có thể cảm thấy rằng nhu cầu xã hội của họ không được đáp ứng, mặc dù đã có một người bạn đời lãng mạn ở bên cạnh họ”.
Nhìn chung, yêu sai người ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta. Vì vậy, nếu không có lời giải thích y tế nào cho sự lo lắng mà bạn cảm thấy, có lẽ đã đến lúc bạn nên xem xét lại đời sống tình cảm của mình và tìm hiểu xem nó lành mạnh hay độc hại.
Bạn coi mình là nạn nhân
Müller nói, đôi khi mọi người không thể ngừng coi mình là nạn nhân và luôn hỏi “Tại sao cứ phải là mình?”, nhưng thực tế là điều đó có thể xảy ra với bất kỳ ai.
Cách để điều chỉnh lại tâm trí của bạn là ngừng khái quát hóa. Ví dụ, nếu bạn nói rằng mọi người đều ác ý với bạn, hãy thực sự suy nghĩ xem điều đó có đúng không. Rất có thể mỗi ngày bạn sẽ tìm được ít nhất một người đối xử tốt với bạn.
“Nếu bạn coi mình là nạn nhân, bạn sẽ biến mình thành nạn nhân... thực sự và luôn hạ thấp bản thân mình”, Müller nói.
Bạn không thể ở một mình
Sợ dành thời gian một mình có nghĩa là bạn mắc chứng sợ tự kỷ hoặc chứng sợ cô đơn. Những người có chẩn đoán này cảm thấy rất lo lắng khi bị bỏ lại một mình, nguyên nhân là do họ sợ bị bỏ rơi bắt nguồn từ chấn thương tâm lý thời thơ ấu.
Một bài báo trên Cleveland Clinic cho biết: “Khi bạn cô đơn, bạn cảm thấy không vui hoặc buồn về số lượng hoặc chất lượng của các mối quan hệ xã hội trong cuộc sống của mình”.
Khi mắc chứng sợ cô đơn, bạn cảm thấy lo lắng hoặc sợ hãi khi ở một mình hoặc khi nghĩ về việc ở một mình. Thậm chí bạn cảm thấy như vậy bất kể có bao nhiêu người thân yêu và bạn bè trong cuộc đời bạn.
Cơ thể bạn đang thiếu dưỡng chất
Nhìn chung, nếu bạn cảm thấy chán nản, nguyên nhân có thể bắt nguồn từ những điều cơ bản nhất. Chẳng hạn như ngủ không đủ giấc, ăn uống không điều độ, không quan tâm đến các mối quan hệ của mình.
Hãy luôn thấy rằng bạn có ý nghĩa trong cuộc sống của mình. Hãy hòa mình vào thiên nhiên, nhìn nhiều màu xanh hơn là bê tông, chăm sóc thú cưng và những người quan trọng đối với bạn.
Có một số bằng chứng cho thấy chế độ ăn uống ảnh hưởng đến tâm trạng và sức khỏe của chúng ta. Bác sĩ tâm thần dinh dưỡng Harvard, Tiến sĩ Uma Naidoo đã viết trong một bài báo cho CNBC rằng một số loại thực phẩm có khả năng gây ra lo lắng và căng thẳng.
Ví dụ, ăn nhiều dầu hạt công nghiệp, thực phẩm chiên rán và chất làm ngọt nhân tạo dẫn đến nguy cơ trầm cảm cao hơn, trong khi sữa chua chứa men vi sinh, chất béo lành mạnh trong thực phẩm như bơ và các loại hạt, các khoáng chất như sắt, magie, kali, và kẽm có thể tốt cho não.
“Hãy nhớ rằng chỉ thay đổi chế độ ăn uống sẽ không giúp bạn ngăn ngừa hoặc chữa khỏi hoàn toàn chứng trầm cảm và lo lắng. Nhưng việc thay đổi thói quen ăn uống sẽ mang lại tác động tích cực khiến bạn cảm thấy tràn đầy sinh lực và trẻ hóa”, Naidoo viết.