Bật mí tài bếp núc của các nàng "Tôn Nữ"

,
Chia sẻ

Các nàng Tôn Nữ xứ Huế không chỉ là những bóng dáng giai nhân mỗi khi tan trường, xuống phố... mà họ còn làm cho Huế đẹp thêm bởi tài nữ công gia chánh.

Trải qua thời gian, họ đã góp phần làm nên một “kho tàng” văn hóa ẩm thực đặc sắc của miền đất cố Đô.
 
Nem Công
 
Chả Phượng 

Sinh ra trong một gia đình Hoàng tộc thuộc Phủ Văn Lãng Quận Vương, hệ III dòng Vua Thiệu Trị, từ lúc còn trẻ, bà Công Tằng Tôn Nữ Bội Hoàn đã có năng khiếu nấu nướng. Dì ruột của bà làm việc ở trong Thành Nội. Được mẹ và các dì bày vẻ tỉ mẫn, đi đâu thấy ai làm món gì ngon, chỉ cần nhìn qua, Bội Hoàn đã làm được món ăn y chang. Bà có thể chế biến được 120 món ăn của 3 miền.

Bà kể: “Ngày trước, những bà mẹ Huế dạy con thiên về cứng rắn, giấu kín tình cảm, tránh đối thoại hai chiều cũng như không loại trừ biện pháp roi vọt... Con gái lớn lên ý thức rằng, lấy chồng có nghĩa là lấy luôn cả gia đình bên chồng.
 
Nỗi lo lắng của người mẹ khi con gái đi lấy chồng vẫn là khả năng thu vén, lo được miếng ăn, thức uống vừa miệng chồng, con. Ngay từ khi con gái còn ấu thơ cho đến lúc trưởng thành, người mẹ vẫn âm thầm quan sát, trực tiếp hướng dẫn để người con gái Huế được trang bị một vốn liếng quý giá khi trưởng thành”.  


 

Những món ăn đặc trưng của xứ Huế trong dịp Tết

Không ít Tôn Nữ đã có cách dạy con “thô cũng đặng, mà thanh cũng hay”, có nghĩa là ở nhà thì xốc vác, đảm đang, ra ngoài thì áo nón chỉnh tề, đi đứng ý tứ, nói năng lễ độ, họp bạn thì ít nhiều cũng góp tiếng ngâm thơ đàn hát.
 
Cô Huyền Tôn Nữ Tuyết Mai nhớ lại: “Lúc tui còn nhỏ, mỗi lần mẹ đi chợ về, tui thường lén mẹ “nhón” một ít thực phẩm trong làn rồi rủ bọn trẻ hàng xóm ra góc vườn nấu ăn. Lớn thêm chút nữa, tui được mẹ truyền kỹ năng nấu nướng từ với các món ăn ngon như bánh lá Chợ Cầu, bánh phất, bánh in, nem chua, chả lụa, mắm tôm vằm... Rồi tui mải mê tìm đọc các cuốn sách dạy nấu ăn của Việt Nam và các nước như Pháp, Trung Quốc, lại được học nữ công gia chánh từ một người đẹp thôn Vĩ Dạ là cô giáo Hoàng Thị Kim Cúc”.

Theo cô Tuyết Mai, để có được món ngon, lúc nấu nướng, người phụ nữ Huế thường gửi gắm cả tâm hồn vào đó. Muốn có đòn chả lụa ngon mà không dùng bất cứ một phụ gia nào, họ thường phải đến lò mổ lúc 4 giờ sáng, mang theo mấy cái khăn vải Tàu để bọc thịt nạc thăn còn nóng hôi hổi và rồi ôm thịt vào người giữ nóng, chạy nhanh về nhà để tiến hành công việc làm chả... Không chỉ nấu ăn ngon, người phụ nữ Huế còn phải trình bày món ăn thật đẹp, thật tinh tế và những thứ trang trí có thể ăn luôn chứ không phải chỉ để làm ngon mắt.

 Một gia đình hạnh phúc trong quan niệm của người Huế không thể thiếu không khí sum vầy và những bữa ăn ngon. Có thể chỉ bằng nguyên liệu dễ kiếm nhưng với công thức chế biến món ăn cầu kỳ một chút, người phụ nữ Huế sẽ biến cái dân dã thành món ẩm thực đặc sắc. Rau tập tàng dễ kiếm nhưng hái rau lúc nào, dùng ruốc gì, tôm loại nào, nấu ở độ nào thì vừa, loại gì cho vào trước vào sau, đựng canh trong loại bát nào, trình bày ra sao trong mâm cơm, là điều mà phụ nữ Huế rất muốn thể hiện đối với thực khách sành ăn.

Gia đình bà Công Huyền Tôn Nữ Tuyết Mai, hậu duệ của Vua
Khải Định
 

Một nghệ nhân với món ăn độc đáo tham dự cuộc thi ẩm thực 

Hoạ sĩ Công Huyền Tôn Nữ Tuyết Mai giảng dạy ở trường Đại học Mỹ thuật Huế, nhưng chị còn được biết đến như một đầu bếp cừ khôi. Dòng tộc của chị có những người tài hoa, đặc biệt là người cô, Đức bà Tân Du, vợ thứ ba của Vua Khải Định, một phụ nữ tài sắc vẹn toàn. Chính từ người cô này, chị Tuyết Mai đã học được nghệ thuật chế biến các món ăn cung đình.

Chị còn nghiên cứu kỹ các sách dạy nấu ăn trong và ngoài nước. Nhìn tủ sách dạy nấu ăn ở nhà chị, trong đó có cả bút tích của Đức bà Tân Du về các món ngon thuở trước, mới biết chị đã dày công lưu giữ những kiến thức quý giá về văn hóa ẩm thực của người xưa đến chừng nào. Không chỉ nấu ăn ngon, chị còn trình bày món ăn như tác phẩm nghệ thuật.

Những nàng Tôn Nữ mà chúng tôi đã gặp có những công việc và vị trí xã hội khác nhau nhưng ở họ chung một điểm, đó là cùng nhau làm thăng hoa nền văn hóa ẩm thực xứ Huế bằng đôi bàn tay tài khéo và sự sáng tạo độc đáo của mình.
 
Theo TGPN
Chia sẻ