Bật mí cho chị em cách phát hiện sản phẩm làm đẹp dỏm khi mua sắm trên sàn thương mại điện tử, biết rồi khỏi lo nữa!
Dưới đây là những cách phát hiện sản phẩm làm đẹp giả trên các sàn thương mại điện tử.
Một ngày đẹp trời lướt TikTok, trên mục Dành cho bạn (For You), bạn vô tình gặp miếng dán lột da mà hội chị em khắp Hàn Quốc mê mẩn. Bạn thích bài đánh giá đầu tiên mà mình nhìn thấy, sau đó nhấn vào liên kết tìm kiếm ở cuối video, liên kết này sẽ đưa bạn đến hàng chục bài đánh giá khác. Bạn bắt đầu tò mò muốn mua thử về dùng.
Bạn truy cập vào các sàn thương mại điện tử. Mua bằng được sản phẩm mình đã "kết".
2-3 ngày sau, hàng được ship đến tận nhà. Nhưng, chúng không như mong đợi, thậm chí còn khiến da bạn nổi mụn. Có thể bạn vừa mua phải hàng dỏm. Thế có tức không cơ chứ dù đã cất công tìm hiểu kỹ.
Khi nói đến mỹ phẩm, việc vô tình mua phải hàng giả có thể gây hậu quả nghiêm trọng hơn rất nhiều các mặt hàng khác. Bởi nó tác động trực tiếp, gây kích ứng hoặc làm hỏng da, tóc hoặc cơ thể của bạn. Những kẻ bán hàng giả thì chỉ quan tâm đến lợi nhuận, đâu cần biết hậu quả với khách hàng "tiền mất tật mang".
Như lời ngài Michelle Miller, phó chủ tịch tiếp thị toàn cầu của thương hiệu chăm sóc tóc K18, từng nói với Popsugar: "Với hàng giả, các thương hiệu chính hãng không thể đảm bảo về trải nghiệm, hiệu quả hoặc độ an toàn của sản phẩm cho khách hàng". Tức là khi bạn mua phải hàng giả, phía công ty sản xuất sản phẩm chính hãng cũng không có trách nhiệm phải bồi thường.
Vậy nên, cách tốt nhất là "phòng thân".
Mẹo 1: Kiểm tra giá
Việc đọc kỹ danh sách sản phẩm của người bán có thể giúp bạn phát hiện ra hàng giả trước khi bạn nghĩ đến việc nhấp vào "thêm vào giỏ hàng".
Miller nói rằng nếu bạn nhận thấy mức giá thực sự thấp - thấp đến mức đáng ngờ - thì rất có thể nó không phải là hàng thật. Lúc này, hãy kiểm tra trang web chính thức của thương hiệu để xem mức giá. Nếu giá trên sàn thương mại điện tử thấp hơn nhiều so với thông thường (và không được giảm giá), thì đó có thể là hàng đểu.
Mẹo 2: Kiểm tra "giao diện" sản phẩm
"Hãy kiểm tra xem sản phẩm có được đóng gói hoặc trưng bày khác với bình thường hay không", Miller nói. "Ví dụ: nếu một sản phẩm thường có hộp mà giờ lại không có hộp thì rất có thể nó là hàng không hợp pháp. Trong trường hợp bạn không biết bao bì tiêu chuẩn của hãng trông như thế nào, hãy tham khảo hình ảnh có độ phân giải cao từ trang web chính thức của thương hiệu".
Các số liệu về kích thước của sản phẩm cũng có thể giúp bạn biết liệu chúng có thật hay không.
Mẹo 3: Kiểm tra hồ sơ người bán
"Đừng mua từ các cửa hàng ngẫu nhiên trên sàn thương mại điện tử", Palermino nói. Cách tốt nhất luôn là đảm bảo bạn đang mua sắm tại cửa hàng chính thức của thương hiệu.
Miller cũng khuyến khích bạn nên kiểm tra trang web của thương hiệu để xem liệu họ có danh sách các đại lý được ủy quyền hay không.
Mẹo 4: Kiểm tra bao bì
Không ai đánh giá một cuốn sách chỉ qua trang bìa, nhưng trong trường hợp hàng giả, bạn thường có thể phát hiện hàng giả qua bao bì của chúng. Sẽ rất hữu ích nếu trước đây bạn đã mua sản phẩm tại một cửa hàng chính thức.
Miller nói: "Việc này giúp bạn dễ dàng biết được sản phẩm bạn mới mua trông có khác so với sản phẩm bạn đã mua trước đây hay không".
Hãy để ý những dấu hiệu trực quan nhỏ, chẳng hạn như: "Chữ viết trên bao bì có bị mờ hơn không? Các thành phần có được viết bằng phông chữ khác với lần trước không? Một dấu hiệu nhận biết khác của hàng lậu là lỗi chính tả trong logo của thương hiệu.
Charlotte Palerminino, người đồng sáng lập thương hiệu chăm sóc da Dieux Skin đồng thời là người sáng tạo nội dung trên mạng xã hội nói: "Chẳng hạn thương hiệu COSRX thường bị viết lái đi thành COSSRX hoặc phông chữ thay đổi để đánh lừa người mua. Hãy tìm bất kỳ sự khác biệt nào về chính tả hoặc thiết kế".
Trong trường hợp bạn không thể nhớ hoặc không biết một sản phẩm hàng chuẩn trông như thế nào? Hãy đến cửa hàng chính hãng để so sánh.
Mẹo 5: Tìm mã lô sản xuất
Mã lô hoặc số lô cho phép nhà sản xuất theo dõi sản phẩm - và có thể giúp bạn xác định hàng giả. Số lô cũng có thể cho bạn biết khi nào một sản phẩm được sản xuất và khi nào nó hết hạn.
Mã lô thường xuất hiện dưới dạng một dãy số và chữ cái in trực tiếp trên bao bì - đừng nhầm lẫn với các số trên vạch hoặc mã QR (những mã này thường dài hơn). Đôi khi chúng được in hoặc dập nổi ở đáy chai...
Palerminino cho biết mã lô đặc biệt quan trọng đối với các sản phẩm chống nắng. Cô nói: "Hãy đảm bảo có dãy mã lô sản xuất và ngày hết hạn. Theo luật, kem chống nắng có ngày hết hạn rõ ràng".
Với những mẹo nhỏ này, bạn sẽ yên tâm không còn phải lo việc mua hàng giả nữa!
Nguồn: Popsugar