Bắt gặp khoảnh khắc "lạ thường" khi mặt trời có màu đỏ rực ở Hải Phòng
Chiều 8/10, hàng loạt người dân sinh sống tại Thành phố Hải Phòng đã chia sẻ hình ảnh chụp lại khoảnh khắc mặt trời đỏ rực khiến không ít người xôn xao.
Chiều tối ngày 8/10, trên mạng xã hội chia sẻ hình ảnh chụp lại mặt trời đỏ rực tại Hải Phòng khiến nhiều người xôn xao bàn tán. Một fanpgae lớn tại Hải Phòng chia sẻ, "Mặt trời siêu đẹp tại Hải Phòng anh em ngắm được chưa?". Theo như chia sẻ, khoảnh khắc lạ kỳ trên được chụp lại vào khoảng hơn 15h chiều 8/10 tại Hải Phòng.
Ngay bên dưới phần bình luận nhiều người cũng chia sẻ hình ảnh bản thân chụp lại khoảnh khắc mặt trời màu đỏ. Có thể thấy, tại nhiều huyện thị ở Hải Phòng đều có thể quan sát được hiện tượng này.
Một số người không khỏi xuýt xoa khi may mắn chứng kiến khoảnh khắc siêu đẹp của mặt trời này.
Thế nhưng, nhiều người lại lo lắng bởi có thể hiện tượng mặt trời thay đổi màu sắc có thể là dấu hiệu dự báo trước cho những sự biến đổi thời tiết trong thời gian sắp tới.
Trước hiện tượng đặc biệt nói trên trao đổi với báo Thanh niên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cựu chủ nhiệm CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM (HAAC) cho biết, đây là hiện tượng thiên nhiên bình thường.
Theo đó, khi ánh sáng từ mặt trăng, mặt trời đến mắt chúng ta sẽ phải đi qua bầu khí quyển của trái đất và có hiện tượng tán xạ của các hạt phân tử khí, hạt bụt, hạt hơi nước trong bầu khí quyển với ánh sáng này.
Các ánh sáng có bước sóng ngắn như màu xanh da trời dễ bị tán xạ hơn các ánh sáng bước sóng dài như màu đỏ. Khi mặt trời, mặt trăng ở thấp dưới chân trời lúc bình minh hay hoàng hôn, ánh sáng từ các thiên thể này sẽ đi qua lớp khí quyển dày hơn và hiện tượng tán xạ xảy ra càng mạnh vì thế sẽ có màu đậm hơn với khi nó ở trên cao.
Đặc biệt nếu trong khí quyển có nhiều hơi nước, hoặc ô nhiễm khói bụi thì hầu hết ánh sáng bước sóng ngắn đều bị tán xạ chỉ có bước sóng dài, màu đỏ là đến được mắt ta.
"Vì thế đôi lúc ta thấy mặt trời đỏ ở phía chân trời hoặc mặt trăng đỏ như máu, đó là dấu hiệu của bầu trời bị ô nhiễm không khí nặng hoặc do hơi ẩm nhiều. Như vậy, ô nhiễm không khí càng nhiều hoặc hơi ẩm càng cao thì màu sắc mặt trời, mặt trăng càng đỏ", Cựu chủ nhiệm HAAC lý giải.