Bắt được cá tra dầu nặng hơn 230kg, bán 200.000 đồng/kg

T.Nốt,
Chia sẻ

Sau khi bắt được và xác định đây là cá tra dầu quý hiếm nhưng ông Salyman vẫn gọi điện thoại cho thương lái đến để cân bán hơn 230kg với giá 200.000 đồng/kg.

Ngày 23-12, ông Trần Châu Phương Tuấn, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang, xác nhận một ngư dân trên địa bàn tỉnh này vừa bắt được cá tra dầu nặng đến hơn 230 kg ở khu vực đầu nguồn sông Hậu nhưng đã cân bán cho thương lái hoặc nhà hàng đem đi nơi khác tiêu thụ.

Bắt được cá tra dầu nặng hơn 230kg, bán 200.000 đồng/kg - Ảnh 1.

Bắt được cá tra dầu nặng hơn 230kg, bán 200.000 đồng/kg - Ảnh 2.

Bắt được cá tra dầu nặng hơn 230kg, bán 200.000 đồng/kg - Ảnh 3.

Bắt được cá tra dầu nặng hơn 230kg, bán 200.000 đồng/kg - Ảnh 4.

Rất nhiều người dân địa phương hiếu kì đến xem cá tra dầu "khủng" do ông Salyman bắt được. Ảnh: P.N

Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 16 giờ ngày 21-12, ông Salyman (dân tộc Chăm; ngụ ấp Búng Lớn, xã Nhơn Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang) đến khu vực đầu nguồn sông Hậu thuộc khu vực giáp ranh giữa thị trấn Long Bình (huyện An Phú) với sông Bassac của Campuchia để đánh bắt cá như thông lệ. Lúc này, ngư dân phát hiện có con cá rất to ngoi đầu lên khỏi mặt nước vài lần nhưng chưa xác định là loại cá gì nên dùng lưới tổ chức vây bắt.

Ngay sau khi bắt được và xác định đây là cá tra dầu quý hiếm, ông Salyman chở về địa phương vào khoảng 22 giờ cùng ngày rồi gọi điện thoại cho thương lái hoặc nhà hàng đến để cân bán được hơn 230 kg, với giá 200.000 đồng/kg.

Chiều 23-12, ông Trần Châu Phương Tuấn, cho biết cá tra dầu mà nhiều ngư dân thường bắt hiện được xếp vào loài thủy sản thuộc nhóm 1 của danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm. Do đó, những ai tham gia khai thác trái phép loài thủy sản này sẽ chịu mức xử phạt hành chính cao nhất lên đến 100 triệu đồng và buộc thả thủy sản còn sống về môi trường tự nhiên hoặc chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền thủy sản đã chết để xử lý. Trong trường hợp cá tự mắc vào lưới thì ngư dân phải chuyển cho cơ quan chức năng gần nhất để thực hiện công tác cứu hộ. Ngược lại, nếu cá đã bị chết thì cơ quan chức năng sẽ tịch thu chuyển cho cho các viện, trường lưu trữ mẫu phục vụ cho công tác nghiên cứu hoặc dạy học.

"Theo Nghị định 42 của Chính phủ thì ngay cả những người đi thu gom, mua bán, lưu trữ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển trái phép loài thủy sản này cũng sẽ chịu mức phạt từ 70-80 triệu đồng nếu có khối lượng thủy sản từ 100 kg trở lên. Riêng trường hợp ngư dân tham gia đánh bắt thủy sản ở nước ngoài thì không nằm trong phạm vi áp dụng của nghị định nên không có cơ sở để xử lý"- ông Tuấn khẳng định.

Chia sẻ