Bắt đầu một năm bằng cách ghi nhớ 12 bí quyết tiết kiệm
Thời gian cũng là tiền bạc, những thứ miễn phí đôi khi còn “đắt” hơn nhiều.
Tiền không mua được hạnh phúc nhưng nó giúp chúng ta dễ dàng tìm thấy hạnh phúc hơn. Do đó, nỗ lực kiếm tiền và tiết kiệm ngay thời trẻ không hề sai. Nhiều người cho rằng tuổi trẻ nhiệt huyết phải sống thoải mái vì thanh xuân ngắn ngủi. Nhưng đừng vì thời gian bốc đồng này mà khiến bản thân lâm vào tình cảnh khó khăn, bần cùng mai sau.
Tiết kiệm không bao giờ là muộn, chỉ sợ sau này bạn lại hối hận vì bản thân đã không kiểm soát chi tiêu, xài tiền lý trí.
Muốn sở hữu cuộc sống đủ đầy, 12 bí quyết này sẽ giúp bạn có được điều đó:
1. Những món đồ tương tự, không mua cái thứ hai! Sống tối giản là phải biết đơn giản vật chất. Ví dụ như bạn đã có chiếc túi kiểu này thì không nên mua chiếc túi khác cùng kiểu dáng, phối đồ không có sự khác biệt rõ ràng, vừa lãng phí vừa vô ích.
2. Chỉ mua những gì bạn cần. Hãy phân biệt rạch ròi giữa "mong muốn" và "cần thiết". Chỉ mua những thứ có thể tạo ra giá trị trong cuộc sống của chúng ta, đừng mua những món chỉ có thể bỏ xó một góc.
3. Không tiêu tiền chỉ vì quà tặng kèm. Nhiều nhà kinh doanh sử dụng chương trình quà tặng kèm theo để kích thích nhu cầu mua hàng. Song thật sự không cần thiết khi phải chi tiền cho một món đồ chỉ vì bản thân thích quà tặng kèm theo. Nhiều bạn nữ có thể chỉ mua một chiếc túi vì con gấu bông tặng kèm quá dễ thương. Cuối cùng mua về lấy gấu bông đi trưng trên góc tủ, còn túi xách thì không được sử dụng tới.
4. Không ham rẻ, không mua quá nhiều, hoặc quá lớn để rồi sử dụng không hết. Về mặt này, nữ giới thường mắc phải trong việc sử dụng mỹ phẩm. Nhiều người thường mua trong chớp nhoáng vì thấy quảng cáo hiệu quả, nhưng khi sử dụng thì không đủ kiên trì, cuối cùng bỏ qua một bên để tìm loại khác. Thói quen này vừa lãng phí thời gian lẫn tiền bạc, vừa khiến vấn đề về da chậm cải thiện hơn.
5. Thời gian cũng là tiền bạc, những thứ miễn phí đôi khi còn “đắt” hơn nhiều. Khi mua sắm, so sánh là chuyện nên làm nếu muốn mua với giá cả hợp lý, nhưng không nên dành quá nhiều thời gian cho việc này. Quan trọng nhất vẫn là chất lượng để sử dụng lâu dài.
6. Khi mua một món đồ, hãy suy nghĩ rằng nếu dùng cùng số tiền này, bạn có thể mua thứ nào khác có giá trị sử dụng hơn. Hãy tỉnh táo hơn trong chi tiêu tiền bạc. Cứ bỏ vào giỏ hàng thứ mình thích, nhưng khoan mua ngay, hãy đợi qua vài ngày nữa, nếu bạn còn thích thì mua cũng không muộn. Đôi khi cảm giác mua sắm chỉ tồn tại trong nhất thời.
7. Lựa chọn món đồ theo phong cách sống của mình, không thường dùng thì ít mua, bắt đầu từ quần áo, cố gắng kết nối theo tính chất công việc để phù hợp khi đi làm, lại có thể đi chơi. Đương nhiên điều này áp dụng cho những ai đi làm không cần đồng phục. Song dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, hãy mua quần áo thông minh, đừng mua mà chỉ mặc một lần.
8. Ăn uống hợp lý và thỏa mãn trên phương diện này cũng là một cách tiết kiệm. Không vì tiết kiệm mà phải chấp nhận ăn món mình không thích, hoặc cố chấp nhồi nhét vào bụng thứ ăn ôi thiu. Thà ăn một miếng tươi ngon, còn hơn ăn hai miếng ôi. Đôi khi chi phí thuốc men dành cho việc ăn uống vô tội vạ và thức ăn không đảm bảo vệ sinh còn nhiều hơn cả số tiền bạn tiết kiệm được.
9. Cải thiện khả năng thẩm mỹ của mình. Bạn sẽ phát hiện mình giảm đi rất nhiều trong việc chi tiêu cho những thứ không đẹp, từ việc ăn uống cho đến cách ăn vận.
10. Không bị ràng buộc bởi giá trị vật chất, chú trọng trải nghiệm khi sử dụng tất cả món đồ. Có nhiều thứ mặc dù đắt tiền một chút nhưng cho chúng ta trải nghiệm tốt hơn, ví dụ như áo đắt tiền thường có chất vải êm và mát hơn. Mua một thứ rẻ tiền, cuối cùng sử dụng không thoải mái, để rồi vứt đi lãng phí.
11. Không đua đòi mù quáng cho cái gọi là “chí cầu tiến”. Không cần thiết ép mình hòa nhập vào môi trường không phù hợp. Hãy là chính mình, không phải cứ hóa thân thành “công chúa sở hữu đồ hiệu” thì mới có bạn bè chơi cùng.
12. Nhận thức rõ ràng về tình hình kinh tế, thu nhập và chi tiêu của mình bằng cách rèn luyện thói quen ghi chép chi tiêu. Bạn có thể ghi chép bằng sổ tay hoặc sử dụng các ứng dụng điện tử để phân loại các khoản chi và kiểm soát hợp lý dòng tiền của mình.