Bắt đầu cắt sóng 2G từ 1/3, điện thoại "cục gạch" sẽ thực sự trở thành cục gạch?

HẠ VŨ,
Chia sẻ

Đến tháng 9/2024 Việt Nam sẽ hoàn thành việc dừng công nghệ 2G, trên mạng di động sẽ không còn thuê bao 2G. Khi đó, các điện thoại 2G sẽ không được sử dụng trên mạng lưới.

Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, thực hiện theo quy định của Luật Viễn thông, từ ngày 1/3/2024, thực hiện ngừng kết nối mạng với các máy điện thoại di động 2G (vốn gắn với cái tên điện thoại "cục gạch", ý chỉ những mẫu điện thoại cũ chỉ nghe gọi cơ bản, không có tính năng sử dụng internet) không được chứng nhận hợp quy. Để tiếp tục sử dụng dịch vụ, khách hàng sử dụng các thiết bị như trên phải nâng cấp lên các máy 3G/4G/5G.

Bắt đầu cắt sóng 2G từ 1/3, điện thoại "cục gạch" sẽ thực sự trở thành cục gạch?- Ảnh 1.

Nhiều mẫu điện thoại 2G sẽ thành "cục gạch" đúng nghĩa đen khi không còn khả năng nghe gọi.

Danh sách các máy điện thoại 2G được chứng nhận hợp quy do Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) người dân có thể tra cứu tại đây.

Hiện tại, danh sách này bao gồm hơn 4.000 thiết bị di động 2G. Trong đó, phần lớn các mẫu máy đều là thiết bị đời cũ, được sản xuất từ lâu. Trên thực tế, các mẫu điện thoại 2G only đã bị cấm nhập khẩu vào thị trường Việt Nam từ tháng 7/2021.

Trước quy định này, các nhà mạng cũng đã đưa ra thông báo đến với người dùng mạng. Để đảm bảo dịch vụ và liên lạc thông suốt, các nhà mạng khuyến cáo khách hàng kịp thời tra cứu thông tin thiết bị 2G sử dụng và chuyển đổi, nâng cấp sang các máy 3G/4G/5G.

Bắt đầu cắt sóng 2G từ 1/3, điện thoại "cục gạch" sẽ thực sự trở thành cục gạch?- Ảnh 2.

Vinaphone hướng dẫn người dùng cách để không bị cắt liên lạc khi tắt sóng 2G.

Theo lộ trình, đến tháng 9/2024 sẽ tắt sóng 2G trên cả nước, tiến tới tắt sóng 3G những năm sau đó. Điều này sẽ ảnh hưởng tới khoảng 15 triệu người đang dùng điện thoại “cục gạch” sẽ phải chuyển sang dùng điện thoại thông minh…

Hoạt động này nhằm định hướng dừng công nghệ di động 2G, phổ cập điện thoại thông minh để thúc đẩy kinh tế số, xã hội số và thực hiện lộ trình dừng công nghệ di động cũ, thực hiện chương trình "mỗi người dân một máy điện thoại thông minh"...

Trên thực tế, vẫn còn một số bộ phận người dân dùng các mẫu điện thoại sử dụng sóng 2G, dẫn đến việc một số người dùng gặp khó khăn khi chuyển đổi sang mạng 3G, 4G... Đặc biệt ở những người dùng độ tuổi cao niên, những người tiêu dùng chưa có kiến thức về điện thoại thông minh, việc sử dụng điện thoại thông minh khá phức tạp và khó khăn. Bên cạnh đó, vấn đề chi phí chuyển đổi sang thiết bị 3G, 4G,... cũng là một trong những khó khăn mà người dùng 2G gặp phải.

Tuy nhiên, để không người dân, khách hàng nào bị bỏ lại phía sau, các cơ quan chức năng cùng các nhà mạng cũng đã đều chuẩn bị các phương án hỗ trợ chuyển đổi tối ưu cho người dùng. Các doanh nghiệp viễn thông di động có trách nhiệm truyền thông rộng rãi việc triển khai giải pháp kiểm soát, ngăn chặn kết nối vào mạng viễn thông di động này tới khách hàng của mình; đồng thời, công bố các thông tin đầu mối giải quyết khiếu nại của khách hàng.

Thông báo của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nêu rõ, người dân có thắc mắc và khiếu nại về máy điện thoại 2G không được kết nối mạng cần gọi điện đến tổng đài chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp di động để được hỗ trợ, hướng dẫn.

Chia sẻ