Bất đắc dĩ dự tuyển... lấy chồng Hàn

,
Chia sẻ

Nữ phóng viên Tiền Phong đã vào vai một cô gái trẻ muốn lấy chồng Hàn: Gặp bà mối; Dự thi tuyển cô dâu; Trở thành diễn viên bất đắc dĩ trước những người xa lạ.

PV Tiền Phong (ngồi giữa) và những cô gái cùng phòng đang chờ để dự tuyển lấy chồng Hàn

Kỳ I:  Đêm trong nhà mối

Một cán bộ thuộc Dự án cung cấp thông tin cơ bản về Hàn Quốc cho phụ nữ di cư người Việt nói với tôi: Thủy Nguyên (Hải Phòng) đang là địa điểm dẫn đầu miền Bắc về số lượng phụ nữ lấy chồng Hàn Quốc. Chính thông tin này đã kích thích tôi, sao mình không thử nhập vai cô gái đang muốn lấy chồng Hàn Quốc để tìm hiểu xem sao?

Bà Lừng, xã Phả Lễ, Thủy Nguyên, Hải Phòng, được xem là mối tuyển chồng Hàn Quốc uy tín và lớn nhất ở vùng này - anh xe ôm vừa chở tôi đi, vừa kể.

Anh kể, anh cũng có hai cô con gái, đi tuyển vài lần rồi, nhưng đều trượt vì bị chê nhỏ quá. Anh sẽ chờ một thời gian nữa cho con đủ lớn rồi lại cho dự tuyển tiếp.

Khoảng gần trưa. Xe chở tôi len qua mấy lối ngõ rồi dừng trước cổng một ngôi nhà hai tầng đồ sộ, phía trong sân có một cái ô tô, vài chiếc xe máy và đông người vào ra. Anh xe ôm nói: “Nhà mối Lừng đấy, vào đi”.

Mối khuyên: Phải kiên trì

Thấy tôi, bà Lừng đon đả chào từ xa: “Con gái vào nhà đi”. Tôi rụt rè thưa muốn đến đây dự tuyển, mong có tấm chồng Hàn Quốc. Gật đầu và nhìn thoáng tôi thật nhanh, bà hỏi tôi bao nhiêu tuổi, quê ở đâu. Tôi khai vội là 26 tuổi, quê ở Hà Tây (cũ).

Phòng khách của mối Lừng, ngày nào cũng có các cô gái đến làm thủ tục dự tuyển lấy chồng Hàn

Nghe vậy, mối Lừng nói ngay, tuổi này cũng nhiều người Hàn Quốc thích, nhưng ở địa phương đó hơi khó làm giấy tờ, vì lệ phí đắt đỏ lắm. Rồi bà bảo tôi cứ yên tâm, mai có rể về tuyển, chuyện giấy tờ khó mấy mối cũng lo được.

Trong lúc ngồi tiếp nước, mối Lừng tiếp tục săm soi tôi thật kỹ và luôn miệng hỏi han, nào là tôi đã có chồng con chưa, nếu chưa có chồng thì có con ngoài giá thú chưa, có người yêu chưa, sao lại muốn đi dự tuyển chồng. Bà khuyên nếu có thì cứ nói thật, bà sẽ có cách giúp.

Bà cũng giải thích, sở dĩ bà hỏi như vậy vì rất nhiều cô gái đến đây tuyển chồng nói dối như cuội. Có cô nói chưa có chồng con, nhưng khi vạch bụng lên kiểm tra thấy đầy vết rạn. Với kinh nghiệm của mình, để biết một cô gái có con hay chưa, bà Lừng thường vạch áo lên kiểm tra da bụng.

Nhưng với cô gái có người yêu, vì giận người yêu mà bỏ đi tuyển chồng thì rất khó biết. Bà Lừng ngại nhất đối tượng này. Vì đã xảy ra nhiều trường hợp, các cô gái vì giận người yêu mà đi tuyển chồng, cưới chồng Hàn Quốc một thời gian rồi bỏ chồng về với người yêu cũ ở Việt Nam. Lúc đó, mối phải đền cho rể Hàn Quốc một thành ba, thành bốn, uy tín làm ăn bị giảm.

Bà mối khuyên nhủ: Lấy được chồng Hàn Quốc không phải dễ, muốn lấy được chồng thì tôi nên ở lại nhà bà, kiên trì dự tuyển đến lúc nào được thì thôi. Và nên lấy những anh trên 40 tuổi, những người đó mới có tiền cho mình.

Và phải khéo

Với vẻ mặt rất chân thành, mối Lừng mách nước trước cho tôi các kịch bản phỏng vấn, đại loại như: Nếu anh hỏi vì sao em lại lấy anh, thì phải khéo léo trả lời là, em xem phim Hàn Quốc, rồi nghe một số chị lấy chồng Hàn Quốc về kể con trai Hàn Quốc tâm lý và thương người, nên em muốn lấy.

Tuyệt đối không được nói gia đình em khó khăn, mẹ em thiếu tiền này nọ. Đầy cô thật thà trả lời như thế, dù có xinh đẹp đến mấy cũng bị loại ngay vòng một.

Còn nếu anh hỏi, em lấy anh thì em nghĩ sao, nếu gia đình anh khó khăn thì em có giúp anh không, thì trả lời là em yêu anh thì em sẽ cố gắng cùng anh vượt qua mọi khó khăn...

Lấy cớ quay lại nhà bạn lấy hành lý, tôi ra ngoài để giấu một số giấy tờ tùy thân, phòng khi bị mối kiểm tra. Giữa trưa, tôi quay lại nhà mối. Vẫn nét mặt tươi cười lúc sáng, bà Lừng ân cần dặn tôi, cứ yên tâm ở nhà đến lúc nào tuyển được chồng thì thôi, không phải lo ngại gì. Nhà bà lúc nào cũng thừa phòng, lúc nào cũng có các cô dâu ở lại, vui lắm.

Nói xong, bà chỉ cho tôi sang phòng bên cạnh để nhập hội với các cô dâu khác. Tôi lễ mễ xách ba lô bước vào phòng. Trong phòng có ba cô gái đang nằm nghêu ngao hát và cười nắc nẻ.

Người nhiều tuổi nhất tên Hoa(*), sinh năm 1983, xã Trung Hà, Thủy Nguyên, từng có một đời chồng và một đứa con năm tuổi. Người lớn tuổi thứ hai tên Lan, sinh năm 1989, quê Quảng Ninh, người ít tuổi nhất tên Huyền, sinh năm 1990, quê Quảng Ninh.

Cả ba đều đã cưới chồng Hàn Quốc, giờ chỉ chờ chồng về đón sang, riêng Huyền, tối nay lên sân bay Nội Bài đón chồng. Tất cả gọi ông chủ, bà chủ ở đây bằng từ thân mật là thầy mẹ, và khuyên tôi khi vào ở đây cũng nên gọi như thế.

Tôi ngoan ngoãn nghe lời. Sau màn xã giao chào hỏi, tôi chui vào chung chăn với họ định ngủ một giấc, nhưng không làm sao chợp mắt được. Ba người đó nói chuyện với nhau toàn chuyện phòng the vợ chồng, trai gái, làm tôi ngượng chín mặt, nằm im thin thít.

Hiểu tâm trạng của tôi, chị Hoa quay sang an ủi, bọn chị có chồng rồi nên ăn nói thoải mái thế đấy, ít hôm nữa em trúng tuyển có chồng rồi cũng thế thôi. Tôi chỉ biết cười trừ, nằm yên...

Nghịch cảnh

Đang lúc ba cô dâu trúng tuyển rôm rả kể chuyện phòng the và gia cảnh, chợt từ phòng khách choang choang tiếng chửi the thé của mẹ Lừng: “Cút xéo đi đồ con đĩ, tốt đẹp gì mày cái loại bỏ chồng, bỏ con để lấy chồng Hàn Quốc, mày tưởng sang đó sung sướng lắm à...”. Miệng chửi, tay mẹ cứ vung lên hùa ba mẹ con nhà kia ra khỏi cổng.

Tò mò, cả hội kéo nhau dậy. Tôi sợ tái mặt. Chị Hoa ghé tai: “Đó là vợ cũ của em trai mẹ Lừng. Chị ấy bỏ em trai của mẹ, chuẩn bị đi lấy chồng Hàn Quốc”.

Mẹ Lừng tức vì thấy chị ấy ăn diện, ép tóc ép tai xinh đẹp để lấy chồng Hàn Quốc, trong khi con cái thì chị không mua quần áo cho nó, bỏ nó gầy còm, nheo nhóc. Mẹ tức vì tối nay chị ấy bay sang Hàn Quốc rồi, chiều nay mới mang hai đứa con sang gửi mẹ, nhờ mẹ nuôi hộ.

Hôm nay, là ngày không mấy vui vẻ của mẹ Lừng. Chưa hết tức với em dâu, thì có điện thoại báo người nhà của cô dâu nào đó đòi visa bằng được, vì làm lâu lắm rồi mà không thấy đâu, nên đang nghi ngờ mối lừa. Thế là, tối nay mẹ phải lên Hà Nội cả đêm để lấy visa nhằm giữ uy tín của mối trùm.

. Để lấy được một anh chồng Hàn, mỗi cô gái Việt Nam thường phải trả phí cho bà mối tám triệu đồng. Nếu ở lại nhà bà mối học tiếng, phải nộp cho chủ nhà 1,5 triệu/tháng bao gồm tiền học và tiền ăn ở. Số tiền này có lẽ không quá cao đối với nhiều cô gái.

Đêm dài lắm mộng


Mẹ Lừng lên Hà Nội nửa đêm mới về. Chị Hoa và Lan thông báo sẽ đi ăn lẩu và đi chơi với bạn trai trong xóm. Tôi phát hoảng, vì sợ phải ở nhà một mình, nên xin đi theo. Chị Hoa bảo tôi cứ ở nhà, chị đi ăn lẩu rồi về chị đưa đi chơi. Tôi nằm đếm từng phút chờ.

Hơn 9 giờ đêm, chợt nghe tiếng chạy thình thịch ngoài ngõ. Rồi cả tiếng cười, tiếng thở dốc. Chị Hoa và Lan về. Vào phòng rồi, cả hai vẫn thở hồng hộc vì vừa phải chạy trốn mấy người con trai đòi về cùng.

Dù mệt, Lan vẫn gọi điện hỏi thăm nhắc nhở người yêu đi ngủ sớm. Chị Hoa, Lan và Huyền dù đã có chồng ở Hàn Quốc, nhưng đều đang có người yêu ở Việt Nam.

Hàng ngày, ngoài việc nghe điện thoại, nhắn tin với chồng ở tận Hàn Quốc, họ vẫn thường xuyên nhắn tin, gọi điện, thậm chí là gặp gỡ người yêu.

Đêm nay, chị Hoa tắt điện đi ngủ sớm để giữ gìn sức khỏe cho tôi ngày mai dự tuyển chồng. Chợt có điện thoại của chồng, Lan lồm cồm ngồi dậy bật đèn rồi vơ vội lấy cuốn sách Giao tiếp tiếng Hàn cơ bản. Hoá ra, sau một tháng học tiếng, vốn từ vựng của Lan quá ít, nên mỗi lần nói chuyện với chồng là Lan phải giở sách ra để nhìn từ mới.

Sau chốc lát nói chuyện, Lan vui vẻ chào anh chồng yêu quí: “Chúc ngủ ngon, upa, I love you”, chợt đầu dây bên kia lặng thinh. Hóa ra bị vợ tuôn cho một tràng Việt-Hàn-Anh lẫn lộn nên chồng… định hình không kịp.

Cúp điện thoại, Lan quay ra ngủ. Tôi không sao chợp được mắt. Bao ý nghĩ cứ xô đuổi nhau. Liệu tôi có trúng tuyển không? Lỡ trúng thì phải làm sao?

Trong tôi, vừa có tâm trạng của người phóng viên đang nhập cuộc, vừa không tránh khỏi sự căng thẳng tâm lý của một cô gái đang sắp phải đối mặt với  người đàn ông ngoại quốc có thể lấy mình làm vợ...

(*) Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi.

Kỳ II - Ra mắt rể Hàn

Theo Tiền Phong
Chia sẻ