Bắt cóc trẻ em lấy nội tạng: Bác sĩ nói gì?

,
Chia sẻ

Trước thông tin ở Hà Giang có 16 vụ bị bắt cóc mổ lấy nội tạng chuyển qua biên giới, chuyên gia về ghép tạng cho rằng khó có thể thực hiện được ghép tạng bằng cách lấy như thế này.

Bắt cóc trẻ em lấy nội tạng: Bác sĩ nói gì?
Một ê kíp thực hiện mổ lấy tạng cần hàng chục bác sĩ tay nghề cao.

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc BV Việt Đức, dù đang rất bận vì mổ nhưng ông cũng lên tiếng khẳng định không thể có chuyện mổ lấy nội tạng như miêu tả, đây là thông tin bịa đặt gây hoang mang cho dư luận và người dân.

PGS Quyết cho biết, theo đúng quy trình phẫu thuật phóng thích tạng, các bác sĩ phải chuẩn bị rất nhiều khâu, phải đặt các đường ống truyền để bơm dung dịch đặc biệt vào để rửa tạng. Và khi cái tạng đã được lấy ra khỏi cơ thể thì vẫn phải được rửa bằng dung dịch đặc biệt và bảo quản trong môi trường được làm lạnh 3- 4 độ C. Nhất là tim, các bác sĩ phải bảo quản rất sát sao.

Ngoài ra, để chất lượng tạng tốt có thể ghép thành công thì việc mổ lấy tạng cũng phải được thực hiện trong môi trường vô trùng tuyệt đối như ghép tạng vậy. Tạng rất dễ nhiễm khuẩn nên mọi trang thiết bị phải đảm bảo vô trùng hoàn toàn.

Chính vì thế, khi nghe thông tin mổ lấy tạng trong rừng và vận chuyển bằng ô tô qua biên giới, PGS Quyết đã phủ nhận, cho rằng thông tin bịa đặt.

Kinh nghiệm từ việc vận chuyển tạng để thực hiện các ca ghép tạng xuyên Việt thời gian qua, các bác sĩ đã phải vất vả để có thể vận chuyển bằng đường máy bay, quy trình nghiêm ngặt để đạt được thời gian vàng qui định của thế giới về bảo quản tạng là 8-12 tiếng.

Ca ghép tạng ấy thành công vì suốt hành trình gần 2.000km, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước và PGS.TS Trịnh Hồng Sơn của BV Việt Đức phải theo dõi sát sao các tạng, đồng thời, 4 lần bơm dung dịch hỗ trợ cho tạng thì tạng mới tồn tại được chứ không phải như mớ rau, con cá, mang lên ô tô chở đi là xong.

Theo Infonet

Chia sẻ