Bắt cóc ép viết giấy nhận nợ: Con gái nạn nhân từng bị cắt chân
Vụ bà Hường bị bắt cóc, bị đánh đập, ép ký vào giấy nợ 105 triệu đồng có nguyên cơ từ việc trước đó, con gái của bà đã từng vay nợ bà Phương số tiền 25 triệu đồng.
Vết thương ở gót chân của nạn nhân.
Cắt gót chân trừ nợ ?
Theo đơn tố cáo của chị Lê Thị Hiền (SN 1976 – trú tại thôn Bình Minh, xã Cư K’Pô, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) nguyên nhân khiến mẹ của chị là bà Đinh Thị Hường (SN 1954) bị bắt cóc, bắt ký giấy nợ do trước đó chị từng vay của bà Cao Thị Phương (SN 1958 trú tại thôn Liên Hoá, xã Cư K’pô) 25 triệu đồng vào ngày 11/6/2014, thỏa thuận lãi suất 3 nghìn đồng/1 triệu/ngày (tương đương 75 nghìn đồng/ngày), hạn vào ngày 6/6/2015 chị Hiền phải trả hết nợ gốc.
Tuy nhiên quá hạn trả nợ chị Hiền vẫn chây ì, lý do như chị giải thích : Số tiền lãi gia đình tôi đã trả theo tháng. Chỉ nợ phần gốc. Do khó khăn quá nên tôi chưa trả được. Bà Phương đã cầm dao đến nhà tôi dọa sẽ cắt gót chân tôi để trừ nợ.
Khi bà ấy đến, trong nhà có con trai, mẹ và bố tôi. Tôi đang phơi đồ, bất ngờ bị bà ấy cầm dao chặt ngang gót, rồi bỏ chạy.
Nơi chị Hiền bị cắt gót chân.
Tại bản kết luận pháp y số 727/PY-TgT, ngày 15/7/2015 của Trung tâm giám định pháp y Đắk Lắk, chị Lê Thị Hiền bị vật sắc bén gây đứt gót chân, tỷ lệ thương tích: 26%.
VKSND “bác” nhân chứng
Theo bản sơ kết điều tra số 4/SĐT của Công an huyện Krông Búk, các nhân chứng là bố, mẹ, con trai nạn nhân đều xác nhận sáng hôm đó, bà Phương đến nhà dùng dao chặt gót chân chị Hiền.
Các nhân chứng hàng xóm nhà chị Hiền, ông Ngọc (SN 1955) kể sáng ngày 6/6/2015 nghe tiếng ồn ào, ông chạy đến nhà chị Hiền, thì thấy bố chị Hiền đang đuổi bà Phương; còn bà Hoa (SN 1967) xác nhận 6 giờ sáng hôm đó bà Phương có đến nhà bà Hoa gửi xe máy tới 8 giờ về.
Bà Phương vẫn một mực chối tội, cho rằng gia đình chị Hiền vu khống, vì sáng hôm đó bà ở nhà giữ cháu. Cơ quan điều tra Công an huyện Krông Búk khẳng định đã thu thập đủ chứng cứ cho thấy bà Phương chính là người dùng dao cắt đứt gót chân chị Hiền.
“Chúng tôi đã nhiều lần làm giấy triệu tập bà Phương, chồng và con bà nhưng không ai chịu lên làm việc. Chúng tôi đã đề xuất khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Phương, nhưng VKSND huyện không phê chuẩn” – Lãnh đạo công an huyện Krông Búk cho biết.
Bà Hường và con gái sau khi bị bắt cóc.
Tại quyết định số 16 do ông Đặng Tài Tuệ, Viện trưởng VKSND huyện Krông Búk ký cho rằng một số chi tiết trong kết luận điều tra chưa thuyết phục, vật chứng không thu giữ được, nên không chấp nhận toàn bộ nội dung đơn khiếu nại của bà Hiền.
VKSND tỉnh Đắk Lắk thì nhận xét bà Hiền bị gây thương tích vào ngày 6/6/2015 nhưng đến ngày 8/6/2015 mới báo cho công an xã Cư K’Pô. Công an xã cũng báo muộn cho cấp có thẩm quyền, nên việc thu thập chứng cứ gặp khó. VKSND tỉnh đã ra quyết định số 4 công nhận quyết định số 16 của VKSND huyện Krông Búk là đúng quy định pháp luật.
Trước đó như đã đưa tin, ngày 9/7, bà Đinh Thị Hường (62 tuổi – trú tại thôn Bình Minh, xã Cư Kpô) và con gái là chị Lê Thị Hiền (40 tuổi) trên đường bán bơ trở về nhà đã bị bà Phương và con trai, cùng với một thanh niên có tên là Đông chặn đường, bắt đến khu rẫy đánh đập, cắt tóc, dùng xích quấn quanh cổ và trói ngược cánh tay.
Luật sư Tạ Quang Tòng phó đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk khẳng định trong trường hợp này, có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng khi người bị hại đã chỉ ra người gây thương tích cho mình là ai, còn nhiệm vụ của cơ quan chức năng là chứng minh điều đó. Nếu Viện hai cấp đòi nhân chứng phải trực tiếp nhìn thấy hành vi là vô lý. Vì có rất nhiều vụ án, hung thủ sau khi gây án, không ai trực tiếp chứng kiến, không để lại hung khí và dấu vết mà cơ quan CSĐT vẫn truy tìm ra hung thủ. |
Theo Tiền phong