Bảo vệ sức khỏe đường ruột nhờ 10 bí quyết sau
Hội chứng ruột kích thích (IBS) khiến bạn thường xuyên bị táo bón hoặc xì hơi. Thực hành những mẹo nhỏ như dưới đây sẽ giúp bạn cải thiện tình hình.
Hãy đối diện với thực tế là những rắc rối liên quan đến đường ruột không dừng lại ở cảm giác ngượng chín mặt vì liên tục xì hơi. Từ táo bón tới tiêu chảy, tới thảm cảnh bụng lúc nào cũng đầy hơi, chẳng ai thích nói về cảm giác khó chịu buộc bạn phải chạy vào nhà vệ sinh mỗi lần ăn uống.
Theo số liệu thống kê, 1/5 người Anh bị hội chứng ruột kích thích (IBS) và có thể kéo dài nhiều tháng mỗi lần phát bệnh. Lần đầu xuất hiện khi người bệnh khoảng 20-30 tuổi, IBS ảnh hưởng tới phụ nữ nhiều gấp đôi so với nam giới.
Theo số liệu thống kê, 1/5 người Anh bị hội chứng ruột kích thích (IBS) và có thể kéo dài nhiều tháng mỗi lần phát bệnh.
Nguyên nhân chính xác của IBS hiện chưa được làm rõ nhưng phần lớn chuyên gia cho rằng, nó có liên quan tới độ nhạy cảm tăng cao của đường ruột và những rắc rối trong việc tiêu hoá thức ăn.
Người bị hội chứng ruột kích thích có thể bị đau dạ dày, tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, xì hơi liên tục và luôn có cảm giác không thể làm nhẹ bụng một cách phù hợp.
Cùng tìm hiểu 10 bí quyết giúp xử lý hội chứng ruột kích thích, dựa trên gợi ý của các chuyên gia y tế Anh.
1. Viết ra giấy
Bác sĩ Marilyn Glenville, tác giả cuốn "Natural Alternatives to Sugar" và là một chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu, cho biết: "Có người người bị triệu chứng ruột kích thích khi ăn một số thực phẩm nhất định. Triệu chứng này thậm chí còn tồi tệ hơn nếu bạn thường xuyên bị căng thẳng". Chính vì vậy, ghi ra giấy những thực phẩm có nguy cơ để tránh sẽ là tốt nhất cho bạn.
2. Dành thời gian cho bữa sáng
Theo chuyên gia dinh dưỡng Cassandra Barns, bạn nên có đủ thời gian vào buổi sáng để thưởng thức một bữa sáng đúng nghĩa. Cô nói: "Thay vì vội vã, cuống cuồng vào buổi sáng, hãy đảm bảo rằng bạn có nhiều thời gian để ăn sáng và đi vệ sinh trước khi tới chỗ làm. Bằng cách khởi động ngày mới với phong thái nhẹ nhàng, điềm tĩnh hơn, bạn cũng sẽ cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn".
Bạn nên có đủ thời gian vào buổi sáng để thưởng thức một bữa sáng đúng nghĩa để bảo vệ đường ruột.
3. Cẩn trọng với lúa mì và sữa
Nếu muốn thử nghiệm cắt giảm một số nhóm thực phẩm nhất định, hãy chắc chắn sẽ duy trì trong 2 tuần để hoàn toàn nắm rõ được tác dụng của nhóm thực phẩm đó. Bác sĩ Glenville bổ sung: "Thử loại bỏ lùa mì và sản phẩm từ sữa trong 2 tuần bởi chúng vẫn được coi là thủ phạm lớn nhất gây ra các triệu chứng kích thích ruột".
4. Tránh thực phẩm chứa chất kháng tinh bột cũng có thể gây rắc rối
Bác sĩ Glenville lý giải: "Một số thực phẩm nhất định chứa chất gì đó kháng tinh bột. Điều này có nghĩa là chúng kháng lại quá trình tiêu hoá. Từ đó, dẫn tới hậu quả trướng bụng, đầy hơi, cảm giác khó chịu ở bụng, khí bị nén lâu trong bụng và tiêu chảy. Những thực phẩm này bao gồm cây họ đậu như đậu lăng, đậu nành và đậu gà".
5. Dừng uống cà phê
Tin xấu cho những người đơn giản là không thể hoạt động hiệu quả nếu thiếu một ly cà phê nóng vào buổi sáng, bởi cà phê làm cho triệu chứng kích thích ruột trầm trọng thêm. Shona Wilkinson, chuyên gia dinh dưỡng của trang SuperfoodUK.com, cho biết: "Thay vì uống cà phê, hãy thử một ly trà gừng bởi nó có rất nhiều tác dụng đối với hội chứng kích thích ruột, thể hiện ở việc ngăn ngừa khó tiêu, đầy hơi và chướng bụng. Gừng có công dụng như một chất chống co thắt, giúp thư giãn và làm dịu ống tiêu hoá. Nó cũng được biết với khả năng giảm lo lắng - vốn khiến triệu chứng đường tiêu hoá thêm tệ hơn với một số người".
Cà phê làm cho triệu chứng kích thích ruột trầm trọng thêm.
6. Đừng nói chuyện khi miệng đầy đồ ăn
Nghe có vẻ lạ nhưng trò chuyện khi miệng đang nhồm nhoàm ăn có thể dẫn tới chứng ợ hơi quá đà. Theo lý giải của bác sĩ Glenville, đó là do mở miệng nói chuyện dù đang đầy thức ăn khiến bạn hít không khí vào, từ đó, gây hiện tượng ợ liên tục. Hãy nhai thật kỹ vì nhai là phần đầu tiên của chu trình tiêu hoá, giúp giảm tình trạng thức ăn lên men ở các bộ phận bên dưới ống tiêu hoá".
7. Không ăn khi bạn đang căng thẳng
Chuyên gia Shona Wilkinson giải thích: "Không bao giờ ăn khi bạn stress, tâm trạng chán chường hay khi đang vội. Hãy dành thời gian ngồi xuống bàn ăn và ăn chậm, nhai kỹ. Bằng cách tập trung vào cuộc trò chuyện bên bàn ăn thay vì chú tâm vào ăn uống, bạn sẽ làm cản trở quá trình tiêu hoá. Điều quan trọng không kém là bạn nhớ phải nhai thật kỹ, ít nhất 30 lần mỗi miếng ăn".
8. Bổ sung vitamin B6
Cassandra Barns gợi ý bổ sung vitamin B6 để giảm triệu chứng kích thích ruột. "Thực phẩm bổ sung đa vitamin và khoáng chất nên được coi là nền tảng cho một chương trình sử dụng thực phẩm chức năng và nên chứa hàm lượng vitamin B tốt, trong đó có vitamin B6. Đây là loại thiết yếu với hội chứng ruột kích thích do thiếu vitamin B6 có liên quan tới hội chứng này".
Bổ sung vitamin B6 để giảm triệu chứng kích thích ruột.
9. Bổ sung magie
Chuyên gia Barns cũng gợi ý bổ sung magie bởi theo cô: "Đây là khoáng chất quan trọng giúp thư giãn các cơ trong ruột và ngăn ngừa co thắt, rút ruột. Nó đặc biệt hữu ích cho người bị hội chứng ruột kích thích mà triệu chứng chủ yếu là táo bón thay vì tiêu chảy".
10. Lợi khuẩn cũng nên được bổ sung
Lợi khuẩn là chủ đề nóng trong thế giới sức khoẻ tiêu hoá, trong đó có cả hội chứng kích thích ruột. Chuyên gia Barns khẳng định: "Các nghiên cứu từ nhiều năm qua đã gợi ý rằng, lợi khuẩn có thể cực kỳ hữu ích trong việc giảm triệu chứng IBS vì nó giúp thúc đẩy sức khoẻ đường ruột nói chung".
(Nguồn: Thesun)