Báo nước ngoài viết về ‘vụ ly hôn thập kỷ’ của vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên
Tờ báo AsiaTimes nhận định xích mích giữa vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên là "vụ ly hôn thập kỷ".
Tờ ATimes nhận định "vụ ly hôn thập kỷ" của Việt nam đã gây sự chú ý đặc biệt đối với truyền thông địa phương trong suốt hơn 1 tháng qua với những tiết lộ xung quanh việc tranh chấp, vu khống giữa vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên.
Đặng Lê Nguyên Vũ – nhà sáng lập kiêm chủ tịch Trung Nguyên – một trong những doanh nghiệp cà phê lớn nhất Việt Nam đã cho thôi chức vụ Phó giám đốc công ty đối với vợ mình - Bà Lê Hoàng Diệp Thảo vào năm 2015 và cáo buộc bà này đã phá hoại doanh nghiệp của gia đình bằng việc tiết lộ những tài liệu nhạy cảm.
Trong khi đó, vợ ông Vũ là bà Lê Hoàng Diệp Thảo lại chối bỏ mọi cáo buộc và nói rằng chồng bà sai lầm trong việc mang quan điểm cá nhân vào công việc của tập đoàn và có vấn đề về tinh thần và sức khỏe. Bà Thảo khẳng định ông Vũ nên được cho thôi chức Chủ tịch tập đoàn Trung Nguyên.
Ông Vũ trước đó thường "bế quan tỏa cảng" nhưng đầu tháng trước, ông quyết định chấm dứt chuỗi 5 năm từ chối phỏng vấn truyền thông và chính thức lộ diện trên báo giới.
Cuộc ly hôn này bắt đầu gây ồn ào trên truyền thông từ năm 2015.
Tờ ATimes nhận định tập đoàn Trung Nguyên có cấu trúc sở hữu phức tạp và hệ thống quản lý khiến ông Vũ và bà Thảo có chức năng và nhiệm vụ kiểm soát khác nhau và đôi khi các chi nhánh do 2 người quản lý cạnh tranh trực tiếp với công ty mẹ.
Tháng 6, Trung Nguyên Corporation – một chi nhánh thuộc quyền kiểm soát của ông Vũ thuộc Tập đoàn Trung Nguyên đã yêu cầu Tổng cục Hải Quan Việt Nam tạm ngừng xuất khẩu và bán hàng nội địa với thương hiệu cà phê G7 của họ.
Tuy nhiên yêu cầu này là không hợp pháp bởi thương hiệu G7 được sản xuất bởi một chi nhánh khác của tập đoàn Trung Nguyên là Trung Nguyen Instant Coffee – được kiểm soát bởi bà Thảo.
Bà Thảo còn nắm giữ chức vụ Chủ tịch và CEO của TNI – ban đầu là chi nhánh của tập đoàn Trung Nguyên cho đến khi nó tách hỏi công ty mẹ vào năm 2015 – thời điểm quy trình ly hôn của cặp đôi bắt đầu.
Tháng 7 năm nay, TNI của bà Thảo đã mở cửa hàng King Coffee đầu tiên với kỳ vọng sẽ mở rộng ra 100 cửa hàng tới cuối năm. Họ cũng lên kế hoạch tấn công thị trường Mỹ và Trung Quốc.
Hiện thương hiệu King coffee của họ đang thuộc hàng bán chạy nhất tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Australia. Họ bắt đầu bán tại Mỹ vào cuối năm 2016.
Cuối năm ngoái, LaoJiao Group của Trung Quốc đã ký biên bản thỏa thuận ghi nhớ với TNI về việc phân phối King Coffee ở thị trường nội địa.
Một vài tháng sau, Trung Nguyên Legend – một chi nhánh của Tập đoàn Trung Nguyên đã ký kết thỏa thuận với Shanghai Qinzhou Trade Company để phân phối G7 rộng khắp vùng miền đông Trung Quốc.
Nhằm tăng cường cạnh tranh với bà Thảo và thương hiệu cà phê mới của bà này, năm nay, ông Vũ đã cho ra đời thương hiệu cao cấp riêng của mình là Legend.
"Cả ông Vũ và bà Thảo đều tập trung vào việc mở rộng hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc và trở thành những đối thủ cạnh tranh trực tiếp tại thị trường 1,4 tỷ dân… Bà Thảo sẽ không chỉ cạnh tranh với chồng ở Trung Quốc mà còn ở cả thị trường nội địa".
Tình huống này có thể trở nên phức tạp hơn khi tòa có kết luận cuối cùng về vụ ly hôn.
Ông Vũ và bà Thảo hiện nắm lần lượt 20 và 10% cổ phần tại Tập đoàn Trung Nguyên. Số 70% còn lại thuộc sở hữu của Trung Nguyen Investment Corporation – một công ty cổ phần kiểm soát tất cả những tài sản trí tuệ của thương hiệu Trung Nguyên.
Cổ phần tại Trung Nguyen Investment chia cho ông Vũ 62% còn bà Thảo 31%.
Ông Vũ hiện nắm phần lớn cổ phần tại tập đoàn nhưng mọi thứ có thể thay đổi nếu những người con của họ tham gia vào vụ việc. Ông Vũ nói rằng muốn cho 4 người con cổ tức từ Tập đoàn Trung Nguyên trong khi bà Thảo lại muốn mỗi người con phải nhận được 5% cổ phần.
Nếu ông Vũ đồng ý cho đi 20% cồ phần, bà Thảo có thể là cổ đông lớn nhất của công ty và đẩy ông Vũ ra khỏi tập đoàn.
Ông Vũ vốn được xem là "vua cà phê" và là hình mẫu tiêu biểu của doanh nhân "tay trắng lập nghiệp".
Câu chuyện khởi nghiệp của ông bắt đầu vào năm 1996 khi còn là một sinh viên y khoa. Ông Vũ cùng 3 người bạn mở một nhà máy sản xuất cà phê nhỏ tại Đắc Lắc.
Việt Nam được xem là nhà sản xuất cà phê lớn thứ 2 thế giới sau Brazil và là nhà sản xuất hạt cà phê robusta lớn nhất thế giới. Là một sinh viên năng nổ, những ngày đầu khởi nghiệp ông Vũ đã đạp xe quanh khu vực để bán sản phẩm nhằm gây vốn cho doanh nghiệp.
Xuất phát là công ty sản xuất và xuất khẩu, Trung Nguyên mở cửa hàng cà phê đầu tiên vào năm 1998.
Trong vòng vài năm, họ đã mở được 422 cửa hàng cà phê trên khắp Việt Nam tới năm 2002. Đến năm 2013, Trung Nguyên trở thành công ty cà phê lớn nhất Việt Nam.
Trong câu chuyện lập nghiệp đó, vai trò của bà Thảo vốn được xem nhẹ. Tuy nhiên, bà Thảo khẳng định mình là người điều hành hoạt động kinh doanh hàng ngày ở Trung Nguyên ngay từ những ngày đầu tiên.
Vị thế thống trị của Trung Nguyên tại thị trường Việt Nam những năm gần đây bị đe dọa chủ yếu là bởi sự xuất hiện của những đối thủ cạnh tranh nước ngoài như Nescafe - phần lớn ở phân khúc cà phê hòa tan.
Tuy nhiên giữa tâm bão tranh chấp, ồn ào vụ ly hôn giữa ông Vũ và bà Thảo, truyền thông đặt câu hỏi về thành công của Trung Nguyên và bỏ ngỏ khả năng doanh nghiệp này có thể tiếp tục đứng vững trước sức ép cạnh tranh cả trong và ngoài nước.