Bào ngư - Vị thuốc quý
Bào ngư là một loại ốc biển còn có tến là ốc khổng, cửu khổng, thạch quyết minh.
Bộ phận dùng là thịt bào ngư (cửu khổng) và vỏ bào ngư tên thuốc là thạch quyết minh; tên khoa học Haliotis diversicolo Reeve., họ Bào ngư (Haliotide).
Theo Đông y, bào ngư vị mặn, tính bình vào kinh can. Thịt bào ngư: Cam hàm bình vào can thận. Bào ngư có tác dụng bình can, tiềm dương, ngoài ra còn có tác dụng sáng mắt. Thịt bào ngư: tư âm thanh nhiệt, bổ tinh minh mục điều kinh. Dùng cho các trường hợp viêm nhiễm sốt nóng dài ngày, viêm khí phế quản cấp mạn tính, lao phổi, ho gà (âm hư, nội nhiệt, phế hư...), kinh nguyệt không đều, huyết trắng, táo bón, viêm đường tiết niệu, sỏi đường tiết niệu.
Một số bài thuốc có vị bào ngư
+ Bổ tim an thần: dùng cho chứng bệnh do phần dương trong gan bốc lên sinh ra chóng mặt, hoa mắt... Thạch quyết minh 16g, sinh địa 16g, mẫu lệ 16g, bạch thược 12g, nữ trinh tử 12g, ngưu tất 12g, cúc hoa 8g. Sắc uống.
+ Bào ngư hầm hạt sen thịt nạc: bào ngư khô 20g, hạt sen 20g, thịt lợn nạc 100g. Bào ngư khô ngâm rửa thái lát, hạt sen bỏ vỏ, bỏ tâm, thịt lợn thái lát, thêm nước gia vị nấu hầm nhừ, ăn nóng thường ngày. Dùng cho các trường hợp ung thư phổi, lao phổi, sốt nóng dài ngày.
+ Canh bào ngư: bào ngư 2 con, hành 2 củ. Bào ngư làm sạch, thêm hành và gia vị, nấu nhừ. Ăn một đợt 7 - 10 ngày. Dùng cho phụ nữ bế kinh, sau đẻ ít sữa.
+ Súp bào ngư củ cải cà rốt: bào ngư khô 20g (tươi 60g), củ cải 100g, cà rốt 100g, thêm tôm nõn hoặc thịt nạc liều lượng tuỳ ý, nấu thành dạng súp. Ăn trong ngày hoặc cách 2 - 3 ngày 1 lần. Dùng cho các trường hợp sốt nóng, ho khan, suy nhược cơ thể, bệnh tiểu đường.
Kiêng kỵ: Người tỳ vị hư hàn, không thuộc chứng bệnh thực nhiệt cấm dùng.