Đôi tay trần cố nhặt những mảnh thuỷ tinh còn sót lại trên sàn nhà. Những giọt nước mắt mặc sức rơi dù cho Thu đã cố ép cho chúng đừng chảy nữa. Cô nghĩ mình đã quá đủ để đau, quá đủ để chịu đựng những vết thương khi bị chồng dày vò thể xác trong những cơn say, nhưng cứ nghĩ đến từ “hạnh phúc”, Thu lại gục đầu xuống và khóc. Tưởng như không còn nước mắt để rơi nữa, tưởng như tấm thân bầm tím của cô không còn đủ chỗ để in dấu, nhưng khi nhìn mình trong gương, Thu mới biết cô đã vượt qua cái giới hạn ấy từ bao giờ. Cái giới hạn về sự tuyệt vọng của một người phụ nữ chưa bao giờ biết đến hạnh phúc, của người luôn mong mỏi hai chữ “ bình yên”.
Ngày chiếc xe ô tô bóng lộn đến rước dâu, hàng xóm ai cũng mừng cho cô gái quê nhỏ bé kiếm được người chồng thành phố lịch lãm và giàu có. Rồi cô sẽ đổi đời, cô không còn chân lấm tay bùn ở trên những đồng ruộng, sẽ có tiền chăm sóc người mẹ già yếu và bệnh tật. Ai cũng nghĩ Thu như một nàng công chúa trong truyện cổ tích, và cái kết cục có hậu đã đến cho cô gái quê ngoan hiền đẹp người, đẹp nết. Nhưng Thu đâu biết rằng, cũng từ cái ngày cô xa dần luỹ tre làng ấy, cô mất đi tiếng cười trong trẻo và hồn nhiên, cô mất đi cái quyền nghĩ đến hạnh phúc và tương lai, chỉ còn vương lại những nỗi đau và nước mắt.
Chỉ khi bước vào ngôi nhà sang trọng, chỉ khi nếm trải những cay đắng của một người vợ nhưng lại chẳng khác nào osin, Thu mới vỡ mộng, mới thôi không thêu dệt cái viễn cảnh tươi đẹp cho tương lai nữa. Có lẽ cô quá khờ khi nghĩ rằng chỉ có tình yêu mới đủ sức mạnh khiến một công tử thành phố về chốn thôn quê rước cô về làm vợ, Thu giận mình đã quá huyễn hoặc về một tình yêu chân thành và đẹp như cổ tích. Nhưng cô đâu thể ngoái lại được nữa, cô đâu thể trở về cuộc sống nghèo khổ trước kia. Người mẹ già sẽ không có tiền chữa trị, đứa em gái nhỏ của cô, ước mơ bé bỏng được vào đại học của nó, cô có đủ sức lo cho những người thân yêu nếu quay về, bám trụ vào đồng ruộng và bán từng hạt thóc.
Cứ nghĩ đến cảnh bước về lại luỹ tre làng, nghĩ đến nước mắt của mẹ thương con gái dang dở tuổi xuân, nghĩ đến lời bàn tán của những người khác, Thu không đủ can đảm để bước tiếp. Thu không muốn bóng tối của đời mình phủ lấp cả niềm tin và hy vọng của gia đình. Ít nhất khi cô mất đi niềm tin vào cuộc sống, khi trước mắt cô chỉ là màu đen, cô vẫn thấy ánh sáng ở tương lai của đứa em gái được học hành nên người, ở người mẹ không còn bị những cơn đau hành hạ.
Thu biết và chấp nhận thực tại, cô không còn quan tâm đến những lời xỉa xói, chửi mắng của gia đình chồng nữa. Cô làm việc như một cái máy không cảm xúc, tất cả mọi việc trong nhà cô đều phải gánh. Những tưởng mọi nỗi đau cô từng nếm trải, những tưởng những trận đòn từ người chồng đã khiến cảm xúc trong cô chai sạn. Nhưng đôi lúc, trong một phút giây nào đó, nghĩ đến phận mình, đôi mắt cô lại ừng ực nước.
Với thân phận con dâu nhưng chưa bao giờ Thu được ngồi cùng bàn ăn với gia đình chồng, với thân phận là người vợ nhưng cô còn phải phục vụ cả nhân tình của chồng. Nghĩ đến những lúc ấy, nghĩ đến cảnh người đàn bà âu yếm chồng mình ngay trong phòng ngủ của hai vợ chồng, tim cô như vỡ ra từng mảnh, cô tự hỏi đến bao giờ cuộc đời cô mới có một chút ánh sáng, sẽ không còn là tấm bi kịch dày xéo cô ngày đêm như vậy nữa.
Cũng đã có lúc cô nghĩ tới việc phản kháng, cũng đã có lúc cô gào lên trong cơn ghen của một người phụ nữ bắt gặp chồng mình dan díu với kẻ khác. Nhưng nhìn vào nụ cười cợt nhã của chồng, nhìn vào sự khinh miệt mà anh ta dành cho cô: “Cô nghĩ không có tôi, gia đình cô vẫn sống ư?”… Cô biết tất cả vẫn mãi là bi kịch dành cho cô.
Đứng trước gương Thu oà khóc, cô gái quê hồn nhiên trong sáng thuở ấy đâu còn nữa, cô giờ đây tiều tuỵ và xơ xác. Trở về phòng mình nhưng không bật đèn, cô đã quá quen với bóng tối, bởi với cô, ánh sáng là một thứ xa xỉ. Đúng, với cô, bao giờ cho đến… ngày mai.