Bão giá, “ế” osin
Cách đây 1 tháng, tìm được người giúp việc khó hơn... tìm kim đáy biển, thì nay, các gia đình đều muốn cho osin nghỉ việc. Chung quy cũng vì bão giá.
Chưa tới 4 giờ chiều, chị Hoa đã nhấp nhổm không yên trên công sở. Nguyên do cũng vì người giúp việc cho gia đình chị đòi tăng lương lên 2 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản phụ phí khác. Tính ra mỗi tháng chị cũng phải chi cho người giúp việc 3 triệu đồng/tháng.
Mặc dù đã ở vị trí phó phòng tại một công ty kinh doanh văn phòng phẩm, chị Hòa có mức thu nhập 8 triệu đồng/tháng cộng thêm mỗi tháng chồng đưa khoảng 7 triệu đồng, tuy nhiên tất cả các chi phí như tiền học ngoại khóa của con, thức ăn hàng ngày, khám chữa bệnh... đều tăng chóng mặt, khiến chị trở nên lo lắng.
Suy đi tính lại, chị Hòa quyết định tự mình chăm sóc gia đình mà không cần đến người giúp việc. Nhưng vừa thực hiện kế hoạch trên được gần hai tuần thì xem ra chị Hòa đã rất phờ phạc.
Tiền chi trả hàng tháng cho osin khá cao, nhiều gia đình có xu hướng cho osin nghỉ việc
“Sáng tôi dậy từ 5 giờ 30 sáng chuẩn bị ăn sáng cho cả gia đình, đưa con đi học. Chiều 4 giờ 20 đã phải túc trực đón hai đứa con học lớp 1 và lớp 5, về nhà chợ búa, cơm nước vội vàng, dạy con học, dọn dẹp nhà cửa, đến lượt mình tắm giặt cũng gần 11 giờ đêm. Đấy là chưa kể hai vợ chồng đùn đẩy nhau việc đưa đón hai đứa đi học thêm ở nhà cô, đi học tiếng Anh, học đàn...,” chị Hòa than vãn.
Tuy nhiên, không chỉ đảo lộn cuộc sống gia đình, mà anh trưởng phòng của chị Hòa cũng có vẻ rất khó chịu với cách làm việc của chị. Làm việc trong công ty cổ phần, lương thưởng phụ thuộc vào kết quả kinh doanh, vì vậy hiếm khi nhân viên trong phòng được về đúng theo giờ quy định.
Cũng rơi vào tình cảnh làm thay việc của osin, chị Hạ mệt mỏi nói: “Trước đây, nhà có thuê người giúp việc theo giờ, tuy nhiên việc chi trả mỗi tháng ít nhất cũng hơn 1 triệu đồng, trong khi bao nhiêu thứ phải chi tiêu. Thôi đành cố gắng làm mọi việc, đỡ đi chút tiền thuê người giúp việc”.
Mỗi sáng, chị dậy sớm mua thực phẩm, nấu bữa sáng cho cả nhà. Ăn xong, chồng chở con lớn đi học, vợ chở con bé đi học. Chiều đến chị lại tất tả về nhà, đón con, nấu bữa tối. Trong lúc chị nấu ăn, ông xã đưa hai con đi tắm. Ăn cơm xong công việc của chị lúc nào cũng là lau nhà, dọn nhà, giặt quần áo… Nhiều hôm đến 10 giờ tối mới xong hết việc nhà. Chị than thở: “Nhiều hôm mệt lắm, nhưng vẫn phải cố làm. Ông xã cũng biết vợ vất vả nên phụ một tay. Ông xã cứ nói tiêu ít một chút thuê người làm theo giờ cho đỡ vất vả. Thế nhưng tôi không đồng ý. Tự tay làm moi việc cũng tiết kiệm được hơn 1 triệu đồng/tháng”.
Nhiều cặp vợ chồng chấp nhận bận rộn, vất vả hơn để tiết kiệm tiền thuê osin
Quyết định cho cô osin gắn bó với gia đình từ 2 năm nay nghỉ việc, chị Lan Anh tiếc nuối: “Con bé biết việc, lại ngoan ngoãn, tôi ưng lắm. Nhưng lương tháng 2 vợ chồng hơn chục triệu, chi tiêu còn dè sẻn, nuôi thêm osin nữa thì nguy lắm”.
Cũng vì tiếc cô giúp việc tốt tính, chị giới thiệu cô đến làm việc tại nhà người bạn thân quen, có thu nhập khá hơn gia đình chị.
Từ khi cô osin thôi việc, vợ chồng chị lâm vào thế bí, nhất là khi đứa con nhỏ đau ốm. Mọi việc cứ rối tung lên. Để ổn định cuộc sống gia đình, chị gọi điện nhờ bà ngoại lên chăm cháu và giúp chị trông nhà một thời gian. “Cũng may có bà ngoại, nên việc đưa đón con, nấu cơm bà đỡ đần các con nhiều lắm. Mình cũng không phải vội vàng làm việc rồi quáng quàng chạy về nhà như trước. Nhưng mấy tháng nữa cụ mà về quê, thì cũng “ốm đòn””, chị Lan Anh cho hay.
Trước cơn bão giá, nhiều gia đình thành thị phải thắt chặt chi tiêu. Cho osin nghỉ việc, tự tay làm việc nhà cũng là một trong những kế sách tiết kiệm của các bà nội trợ.