Báo động viêm cơ tim cấp ở trẻ
Khoảng một nửa số trẻ bị viêm cơ tim cấp có thể có biểu hiện của đợt nhiễm virus một vài tuần trước khi khởi bệnh.
Các triệu chứng của viêm cơ tim cấp thường không điển hình. Khoảng một nửa số trẻ bị viêm cơ tim cấp có thể có biểu hiện của đợt nhiễm virus một vài tuần trước khi khởi bệnh.
Trẻ nguy kịch do viêm cơ tim
Gần đây, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận nhiều trẻ bị viêm cơ tim cấp rất nguy kịch.
Đơn cử, ngày 3/8, bệnh nhi N.H (nữ, 4 tuổi) đau bụng, sốt, nôn nhiều được bố mẹ đưa đi khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Khi thăm khám, bác sĩ nhận thấy trẻ rất mệt mỏi, môi tái nên đã chỉ định lắp monitor theo dõi và siêu âm tim thì nhận thấy chức năng tim bất thường.
Ngay lập tức, N.H được chuyển vào Khoa Cấp cứu và Chống độc để thực hiện các hỗ trợ ban đầu (hô hấp, tuần hoàn…), rồi nhanh chóng chuyển Khoa Điều trị tích cực nội khoa.
Tại đây, trẻ tiếp tục được hỗ trợ chủ động về hô hấp, sử dụng các thuốc vận mạch và được các bác sĩ thực hiện siêu âm tim, điện tim tại giường. Kết quả cho thấy chức năng tim của trẻ giảm nặng, rối loạn nhịp tim, chỉ số men tim cao.
Trường hợp thứ 2 là bé T.H (13 tuổi) vào viện ngày 28/7. Trước đó 10 ngày, trẻ xuất hiện các biểu hiện giống các bệnh lý thông thường như: Đau họng, ho khan, đau bụng, buồn nôn. Bố mẹ chủ quan tự mua thuốc điều trị tại nhà, nhưng trẻ ngày càng mệt hơn.
Khi bố mẹ đưa T.H vào Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám, trẻ đã có biểu hiện thở gấp, nhịp tim nhanh, huyết áp thấp.
Trẻ được chuyển vào Khoa Cấp cứu và Chống độc trong tình trạng sốc tim/ suy tim cấp, rối loạn nhịp tim. Các bác sĩ chẩn đoán trẻ sốc tim - viêm cơ tim cấp - rối loạn nhịp tim.
Viêm cơ tim là tình trạng viêm đi kèm theo hoại tử các tế bào cơ tim. Có nhiều nguyên gây ra viêm cơ tim ở trẻ em như nhiễm trùng (virus, vi khuẩn, nấm…), nhiễm độc, một số bệnh lý tự miễn (như Lupus, Kawasaki,…) hay do quá mẫn với một số loại thuốc,… Tỷ lệ viêm cơ tim ở trẻ em rơi vào khoảng 1 – 2/100.000 trẻ.
Theo PGS.TS Tạ Anh Tuấn - Trưởng khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương thì trung bình hằng năm có khoảng 15 trẻ viêm cơ tim cấp có sốc tim được điều trị tại Khoa Điều trị tích cực nội khoa.
ThS.BS Lương Minh Cảnh - Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, các triệu chứng của viêm cơ tim cấp thường không điển hình.
Khoảng một nửa số trẻ bị viêm cơ tim cấp có thể có biểu hiện của đợt nhiễm virus một vài tuần trước khi khởi bệnh.
Sau đó, trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng giống những bệnh lý thông thường khác như: Mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, sốt, ho…
Tuy nhiên, nếu trẻ có kèm theo các triệu chứng khác như: Thở nhanh, đau ngực, khó thở, nhịp tim nhanh, môi và da tái,…cha/mẹ nên đưa bé đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Có thể hồi phục hoàn toàn
Theo các chuyên gia, đa số trẻ bị viêm cơ tim cấp có thể hồi phục hoàn toàn sau khi khỏi bệnh.
Tuy nhiên, trẻ nên hạn chế vận động nặng, không tham gia các môn thể thao đối kháng trong khoảng 3 - 6 tháng sau khi khỏi bệnh và cho đến khi hết tình trạng viêm cơ tim trên xét nghiệm. Trẻ cũng cần được theo dõi, tái khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.
PGS.TS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) cho biết, viêm cơ tim cấp thường do virus gây ra. Trong đó, thường gặp là do virus Coxsackie nhóm B.
Trong trường hợp viêm cơ tim cấp nặng, trẻ sẽ xuất hiện các triệu chứng mệt, ngất, khó thở, đau ngực, tím tái, tay chân lạnh, rối loạn nhịp tim, trụy tim mạch.
Khi có các dấu hiệu nghi ngờ viêm cơ tim, cần nhanh chóng đến ngay bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Trẻ bị viêm cơ tim nhẹ thường chỉ theo dõi, điều trị triệu chứng, sẽ khỏi bệnh sau 1 - 2 tuần.
Tuy nhiên, trẻ viêm cơ tim nặng sẽ được hỗ trợ hô hấp, dùng thuốc trợ tim, thuốc vận mạch duy trì chức năng tim. Nếu có rối loạn nhịp thì dùng thêm thuốc chống loạn nhịp tim, đặt máy tạo nhịp điều chỉnh tần số tim.
Tỷ lệ tử vong do viêm cơ tim cấp nặng còn rất cao, khoảng 30 - 40%. Đặc biệt, trong trường hợp viêm cơ tim tối cấp, tỷ lệ tử vong gần 100% trước khi có kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo).
Các dấu hiệu của viêm cơ tim có thể thay đổi tùy theo nguyên nhân và độ nặng nhẹ của bệnh.
Các dấu hiệu thường gặp nhất là: Đau ngực mơ hồ, tim nhanh hoặc loạn nhịp; khó thở, đặc biệt khi vận động thể lực; giữ nước khiến phù cẳng chân, mắt cá chân và bàn chân. Nếu nhiễm virus thì có thêm các biểu hiện khác như: Nhức đầu, đau nhức, đau khớp, sốt, viêm loét họng hoặc tiêu chảy...
Để giảm nguy cơ mắc viêm cơ tim, PGS Quang khuyến cáo, cần tránh tiếp xúc với những người đang bị nhiễm virus, cảm cúm và đảm bảo vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên.
“Thông thường, viêm cơ tim không có biểu hiện rõ. Vì vậy, cần cảnh giác với bệnh, nhất là khi đang bị nhiễm virus hoặc nhiễm trùng”, PGS.TS Phạm Văn Quang cho biết.
BSCKII Dương Ngọc Vân - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC khuyến cáo, để phòng ngừa viêm cơ tim cấp ở trẻ cũng như những biến chứng nguy hiểm, cha mẹ cần chú ý tăng cường miễn dịch. Đồng thời, bảo vệ trẻ hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây bệnh từ môi trường.
Với trẻ sơ sinh, cần cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn trong ít nhất 6 tháng đầu tiên, sau đó kết hợp với ăn dặm trong 18 tháng tiếp theo. Trẻ được bú sữa mẹ sẽ có miễn dịch tốt hơn và nguy cơ mắc bệnh cũng thấp hơn. Với trẻ lớn hơn, chế độ dinh dưỡng cần chú ý cung cấp đầy đủ các nhóm chất, đặc biệt là vitamin và khoáng chất giúp sức đề kháng tốt.
Ngoài ra, trẻ nên tránh tiếp xúc gần với người bệnh hoặc người có triệu chứng mắc các bệnh như: Rubella, quai bị, cảm cúm,... Điều này khiến tác nhân gây bệnh không xâm nhập được vào cơ thể trẻ để gây viêm cơ tim cấp cũng như các bệnh truyền nhiễm khác.
Phụ huynh cũng nên cho trẻ tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus hoặc vi khuẩn như: Cúm, quai bị, bạch hầu, rubella,....
Cha mẹ, người thân hướng dẫn trẻ thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để bảo vệ sức khỏe, ngăn ngừa lây nhiễm virus, vi khuẩn gây bệnh.