Báo chí lấy điểm cao chót vót gần tuyệt đối, hiệu trưởng nói gì?

Nghiêm Huê- Nguyễn Dũng,
Chia sẻ

GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết có hai nguyên nhân chính đẩy điểm chuẩn các ngành xét tổ hợp C00 của trường nói chung và ngành Báo chí nói riêng lên mức gần tuyệt đối.

Sau khi Trường Đại học (ĐH) Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội công bố điểm chuẩn, dư luận không khỏi bất ngờ khi điểm chuẩn một số ngành của trường tiến lên mức gần tuyệt đối. Trong đó có ngành Báo chí.

Báo chí lấy điểm cao chót vót gần tuyệt đối, hiệu trưởng nói gì? - Ảnh 1.

Cụ thể, ngành Đông phương học, Quan hệ công chúng, Hàn Quốc học đang giữ kỷ lục của năm nay tính đến thời điểm hiện tại khi điểm chuẩn là 29,95 điểm, tổ hợp C00. Thực tế, mức điểm này vẫn thấp hơn năm trước 0,05 điểm.

Kế tiếp, ngành Báo chí tổ hợp C00 là 29,90 điểm. Mức điểm này tăng 1,10 điểm so với năm 2021.

Ngoài ra, trường cũng có một số ngành có điểm chuẩn là 29 điểm đối với tổ hợp C00 như Quản trị Văn phòng, Quốc tế học, Tâm lý học, Quản lý thông tin.

Lý giải về việc điểm chuẩn cao ở một số ngành năm nay, GS. TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn chia sẻ do chỉ tiêu các ngành chỉ vài chục nhưng số lượng nguyện vọng đăng ký tới vài nghìn.

Ví dụ như ngành Báo chí tổng chỉ tiêu là 55 với 3 phương thức xét tuyển. Trong đó, phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT là 25 chỉ tiêu và xét bằng 6 tổ hợp (A01, C00, D01, D04, D78, D83). Tính trung bình mỗi một tổ hợp chưa tới 5 chỉ tiêu trúng tuyển.

Trong khi đó, trường nhận được tổng cộng 2.544 nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào ngành báo chí học bằng tổ hợp C00. Như vậy, tỷ lệ chọi của tổ hợp này ở ngành Báo chí là 1/508,80.

Còn lại các tổ hợp khác, số nguyện vọng không nhiều, chỉ khoảng vài chục đến vài trăm.

Năm nay, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn cũng ghi nhận nhiều ngành học nhận được khối lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển lớn như: Quan hệ công chúng 2.100 nguyện vọng, điểm chuẩn 29,95 điểm, khoa học quản lý gần 2.000 nguyện vọng - điểm chuẩn 29 điểm...

Nhưng một nguyên nhân nữa đẩy điểm chuẩn của trường lên cao đó là phổ điểm thi tốt nghiệp THPT một số môn năm nay cao. Trong đó, đặc biệt là môn Lịch sử và môn Ngữ văn. Đây là 2 môn nằm trong tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) nên đã đẩy điểm chuẩn các ngành có xét tuyển tổ hợp này lên cao. "Phổ điểm môn Ngoại ngữ không cao, môn Toán giữ ổn định nên những tổ hợp có 2 môn thi này như A01, D01, D04, D06 giữ ổn định như năm trước, chỉ ở mức 24-27,75 điểm", GS Hoàng Anh Tuấn cho hay.

Trường ĐH Nhân văn TPHCM nói về việc gần 9,5 điểm mỗi môn mới đỗ ngành báo chí

Ngày 16/9, Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn- ĐHQG TPHCM công bố điểm chuẩn xét tuyển bằng phương thức Xét tuyển kết quả kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2022.

Theo đó, điểm chuẩn trúng tuyển năm 2022 dao động từ 20 đến 28,25 điểm. Số liệu thống kê cho thấy: có 65% số tổ hợp xét tuyển có điểm chuẩn từ 24 trở lên, 35% có điểm chuẩn dưới 24. Ngành Báo chí (tổ hợp C00) có điểm trúng tuyển cao nhất với 28,25 điểm, còn tổ hợp D01 là 27 điểm, D14 là 27,1 điểm.

Báo chí lấy điểm cao chót vót gần tuyệt đối, hiệu trưởng nói gì? - Ảnh 2.

Thạc sĩ Trần Nam – Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn- ĐHQG TPHCM tư vấn ngành nghề cho thí sinh

Trao đổi với PV, thạc sĩ Trần Nam – Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn- ĐHQG TPHCM cho biết, so với năm trước, ngành Báo chí năm nay tăng khoảng 0,5 điểm (năm trước là 27,8 điểm) và vươn lên dẫn đầu điểm chuẩn toàn trường.

Về nguyên do điểm chuẩn ngành Báo chí tăng, ông Nam cho rằng, phổ điểm lịch sử năm nay cao và lệch phải khiến điểm trung bình tổ hợp khối C00 tăng. “Bên cạnh đó, ngành Báo chí hiện có cơ hội việc làm rộng mở hơn so với trước đây. Sinh viên sau khi tốt nghiệp ngoài làm báo còn có thể làm truyền thông, viết bài content, thậm chí là tổ chức sự kiện, marketing…”, ông Nam lý giải.

Cũng theo ông Nam, học phí cũng là nguyên nhân khiến nhiều thí sinh chọn lựa vào trường trong đó có ngành báo chí dẫn đến tỷ lệ chọi cao, điểm chuẩn tăng.

Chia sẻ