Báo Anh khen hệ thống giáo dục Việt Nam nằm trong số tốt nhất thế giới
Tờ The Economist đánh giá cao hệ thống giáo dục của Việt Nam cũng như dành lời khen cho lực lượng giáo viên với năng lực giảng dạy hiệu quả.
Theo tờ The Economist (Anh), học sinh Việt Nam được học tập ở một trong những hệ thống giáo dục tốt nhất thế giới. Kết luận này được đưa ra thông qua những khảo sát, đánh giá của quốc tế về khả năng đọc, làm toán và khoa học của học sinh.
Cũng theo dữ liệu mới nhất từ Ngân hàng Thế giới, xét về tổng điểm học tập, học sinh Việt Nam không chỉ vượt trội so với học sinh ở các nước như Malaysia, Thái Lan mà thậm chí còn vượt cả Anh và Canada. Tại Việt Nam, điểm số của học sinh cũng thể hiện sự công bằng trong giáo dục ở mọi vùng miền, khu vực trên toàn bộ lãnh thổ hình chữ S.
Xu hướng và khả năng học tập của một đứa trẻ được kết tinh từ nhiều yếu tố - chúng có thể bắt nguồn từ gia đình, bạn bè, môi trường xung quanh... Tuy nhiên, những điều đó lại không đủ để giải thích được độ xuất sắc mà nền giáo dục Việt Nam đã, đang và tiếp tới là sẽ mang lại. Sự khác biệt nằm ở chỗ: Học sinh được học nhiều hơn ở trường, đặc biệt là trong những năm đầu đời.
Trong một nghiên cứu vào năm 2020, ông Abhijeet Singh của Trường Kinh tế Stockholm (Thụy Điển) đã đánh giá độ hiệu quả của việc dạy và học của các cơ sở giáo dục tại Việt Nam bằng cách kiểm tra dữ liệu từ các bài kiểm tra giống hệt nhau do học sinh ở Ethiopia, Ấn Độ, Peru và Việt Nam thực hiện. Ông nhận định trẻ em Việt Nam trong độ tuổi từ 5 - 8 đang chạy đua trong hành trình chinh phục tri thức. Học một năm tại Việt Nam sẽ giúp tăng khả năng giải một bài toán nhân đơn giản lên 21 điểm phần trăm. Trong khi đó ở Ấn Độ, mức tăng là 6 điểm.
Trường học tại Việt Nam, không giống như ở các nước khác, đã được cải thiện theo thời gian. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2022 bởi các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu - một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, D.C, đã phát hiện ra rằng ở 56 trong số 87 quốc gia đang phát triển, đa phần chất lượng giáo dục đã xuống cấp kể từ những năm 1960 (xem biểu đồ). Ngược lại, Việt Nam lại là một trong số ít các quốc gia đi ngược lại xu hướng giảm này.
Lý do lớn nhất khiến tỷ lệ này của Việt Nam ở ngưỡng cao là trình độ sư phạm của giáo viên. Không nhất thiết phải sở hữu trình độ cao hơn, quan trọng là giáo viên Việt Nam thể hiện sự hiệu quả hơn trong việc giảng dạy, truyền đạt thông tin. Một nghiên cứu so sánh học sinh Ấn Độ với học sinh Việt Nam chỉ ra rằng phần lớn sự khác biệt về điểm số trong các bài kiểm tra toán là do chất lượng giảng dạy. Giáo viên Việt Nam làm tốt công việc của họ vì được quản lý tốt từ các cấp lãnh đạo. Họ được đào tạo thường xuyên khiến chuyên môn ngày càng được củng cố.
Để giải quyết sự bất bình đẳng giữa các khu vực, những giáo viên vùng cao được trả lương cao hơn, có nhiều trợ cấp hơn. Quan trọng nhất, đánh giá của giáo viên dựa trên kết quả học tập của học sinh. Những học sinh nào học giỏi được khen thưởng, khích lệ bằng danh hiệu "học sinh xuất sắc", "học sinh giỏi".
Ngoài ra, các tỉnh được yêu cầu dành 20% ngân sách của họ cho giáo dục, điều này giúp ích cho sự công bằng trong khu vực. Việc dành sự quan tâm sâu sắc và không ngừng như vậy cũng đảm bảo rằng các chính sách được điều chỉnh để cập nhật chương trình và tiêu chuẩn giảng dạy. Ông Ngô Quang Vịnh - đại diện Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), chia sẻ rằng các gia đình Việt Nam luôn cam kết về mặt giáo dục. Thậm chí các bậc cha mẹ không có điều kiện cũng sẽ cố gắng đầu tư tiền bạc để cho con học thêm. Ở các thành phố, nhiều người cũng tìm kiếm những trường có giáo viên nổi tiếng với chất lượng giảng dạy xuất sắc để gửi gắm con em mình.
Tất cả điều này đã giúp nền giáo dục gặt hát được nhiều thành tựu. Khi các trường học được cải thiện, nền kinh tế Việt Nam cũng vì thế phát triển theo. Nhưng tăng trưởng kinh tế vì thế cũng đang thử thách hệ thống giáo dục theo nhiều cách khác nhau.
Theo The Economist